- Trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, GS Đặng Hùng Võ,  người đề xuất lập một hội đồng định giá đất độc lập với cơ quan hành chính tại hội thảo mới đây về phổ biến kinh nghiệm trong quản lý đất đai.


Ông Võ cho rằng, trong quản lý đất đai có hai khu vực có nguy cơ tham nhũng cao. Đó là khâu đăng ký đất đai để xin cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc để thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn.

Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ. Ảnh: Lê Nhung

Kiểm soát quyền lực

Thưa ông, vì sao ông cho rằng việc lập ra một hội đồng định giá đất độc lập với cơ quan hành chính sẽ giảm thiểu tham nhũng trong lĩnh vực đất đai? Thành phần tham gia và cơ chế hoạt động của hội đồng nên theo cách nào để đạt hiệu quả?

- Tham nhũng chỉ có thể phát sinh trong môi trường mà một bên có quyền lực nhưng quyền lực đó không bị kiểm soát, có thể thực hiện tùy tiện, thực hiện trong một môi trường thiếu minh bạch.

Chúng ta cần tạo ra một cơ chế kiểm soát quyền giải quyết công việc của bộ máy hành chính thông qua cơ chế hội đồng hoặc tham vấn cộng đồng người sử dụng đất.

Trong các khâu quy hoạch, giới thiệu và thỏa thuận địa điểm đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, định giá đất cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tính tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, việc định giá đất đòi hỏi chuyên môn sâu.

Do vậy chúng ta cần tới một hội đồng chuyên môn sâu, hoạt động độc lập. Hội đồng định giá này phải có các thành viên là những chuyên gia định giá có trình độ cao, có đạo đức, uy tín nghề nghiệp.

Chúng ta không thể sử dụng cơ chế tham vấn cộng đồng để giám sát các quyết định đòi hỏi chuyên môn sâu vì cộng đồng cũng không thể biết được thế nào là thực đúng. Mặt khác, giá đất là một yếu tố gắn với thị trường, đồng thời cũng chính là "phần hồn" của tham nhũng. Vì vậy, hội đồng định giá phải có quyết định độc lập với bộ máy hành chính mới có thể khống chế được nguy cơ tham nhũng.

Ở các khâu khác như quy hoạch, giới thiệu địa điểm đầu tư, theo ông, liệu có nên lập hội đồng đánh giá độc lập?

- Trên nguyên tắc, phần việc nào đòi hỏi chuyên môn sâu thì cần tới cơ chế hội đồng độc lập, phần việc nào dễ dàng nhìn rõ mọi việc thì dùng tới cơ chế tham vấn cộng đồng để người dân giám sát.

Trong công tác quy hoạch sử dụng đất, có phần việc đòi hỏi chuyên môn rất sâu, ví dụ như phân tích địa kinh tế để phân vùng và đánh giá tác động. Bên cạnh đó lại có phần việc gắn với quyền lợi của từng người sử dụng đất cũng như của cả cộng đồng. Vì vậy, khi xây dựng và thẩm định quy hoạch, chúng ta cần tới cả cơ chế hội đồng chuyên môn sâu và cả cơ chế tham vấn cộng đồng.

Khi quy hoạch đã được xét duyệt, việc giới thiệu địa điểm đầu tư không đòi hỏi đến chuyên môn sâu nữa. Vậy khâu này cần vận dụng chủ yếu là cơ chế tham vấn cộng đồng trong môi trường minh bạch thông tin về dự án đầu tư và nhà đầu tư.

Giải trình thu nhập

Người dân vẫn chưa hài lòng về việc một bộ phận cán bộ công chức nhận quà biếu để giúp các doanh nghiệp trong quá trình giao đất, thuê đất. Theo ông, có thể giải quyết tình trạng này như thế nào?

- Chúng ta đã biết phương trình tham nhũng tỷ lệ thuận với độc quyền và cửa quyền, tỷ lệ nghịch với trách nhiệm giải trình và độ minh bạch.

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức có quyền quản lý nhận quà biếu của doanh nghiệp đi xin đất, chúng ta có thể sử dụng các giải pháp như đổi mới cơ chế cơ quan hành chính quyết định thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định theo hướng thu hồi đất ngay từ khi có quy hoạch mà chưa xuất hiện nhà đầu tư rồi sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Công khai, minh bạch toàn bộ quá trình từ khi nhà đầu tư tới địa phương, nội dung dự án đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, thủ tục thu hồi đất, giao đất, phường án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cả quá trình dự án triển khai, cộng đồng người dân tham gia giám sát quá trình này.

Các vị cán bộ, công chức tham gia vào quá trình ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết khiếu nại của người bị thiệt hại phải có trách nhiệm giải trình thường xuyên về thu nhập, các chi tiêu lớn, phong cách sống, các quyết định đã ký v.v...

Theo ông, có hay không hiện tượng các nhóm lợi ích tác động đến các khâu trong quy trình sử dụng đất đai như quy hoạch, giao đất... Khắc phục hiện tượng này thế nào?

- Nếu nói rằng mọi khâu quy hoạch và thực hiện quy hoạch thông qua các quyết định thu hồi đất, giao đất đều có nhóm lợi ích nào đó đứng sau thì chắc không phải, nhưng nói hoàn toàn không có nhóm lợi ích nào đứng sau ở tất cả mọi nơi thì lại không đúng.

Có nhiều nơi tham nhũng không xảy ra mặc dù cũng đủ điều kiện. Cũng có những nơi, tham nhũng chỉ ở dạng lẻ tẻ.

Tôi cho rằng cũng có nơi có một nhóm nào đó hẹn được nhau chung quyền lợi để chi phối từ khâu quy hoạch tới mọi khâu thực hiện quy hoạch. Nếu có, thì đây gọi là tham nhũng có tổ chức, ngăn ngừa rất khó khăn.

Trong trường hợp này, ngoài những biện pháp giảm nguy cơ tham nhũng bằng cách giảm độc quyền, cửa quyền của người có thẩm quyền thông qua cơ chế giám sát và tăng trách nhiệm giải trình và độ minh bạch, chúng ta cần giải quyết vấn đề cơ bản là tổ chức và cán bộ phải được chọn lọc kỹ.

Ông có đề xuất giải pháp gì để giảm thiểu tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai thời gian sắp tới?

- Tôi cho rằng phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai phải là một trong các tiêu chí chính trong xây dựng Luật đất đai hiện nay.

Luật đất đai mới cần được xây dựng trên nguyên tắc của một hệ thống quản trị tốt. Đó là mức độ công khai, minh bạch cao nhất. Người quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình cao nhất.

Rồi quá trình quản lý phải có sự tham gia cao nhất của cộng động người sử dụng đất, người dân.

Lê Nhung