Nằm trong kế hoạch bước chân vào thị trường smartphone, Google đã mua lại một công ty nhỏ có cái tên Android Inc. vào mùa hè năm 2005. Ba năm sau, chiếc smartphone bản thương mại chạy hệ điều hành Android đầu tiên ra đời. HTC Dream chính là một mảnh ghép quan trọng và có tác động lớn đối với cả ngành công nghiệp phần mềm.

Mặc dù nó được biết đến như một hệ điều hành cho di động, Android được sử dụng trên rất nhiều nền tảng phần cứng khác nhau, bao gồm cả đồng hồ thông minh, máy tính để bàn, notebook, TV thông minh và cả các máy game console. Với sự phát triển mạnh mẽ này, hệ điều hành của Google đã đạt được nhiều thành tựu chỉ trong một thời gian ngắn. Google gần đây vừa cho ra mắt phiên bản 6.0 của hệ điều hành Android với tên gọi Marshmallow kèm theo nhiều cải thiện và cập nhật đáng chú ý. Nhân dịp này, hãy cùng điểm lại những điều thú vị về hệ điều hành phổ biến nhất hành tinh này:

Không phải lúc nào Android cũng được đặt tên theo một loại kẹo

Phiên bản thương mại đầu tiên của Android là 1.5 Cupcake (bánh Cupcake). Sau sự thành công của phiên bản này, Google tiếp tục đặt tên hệ điều hành di động của mình theo tên các món tráng miệng. Tuy nhiên trong những ngày phát triển ban đầu, những phiên bản phần mềm này thường được đặt các tên mã nghe rất “robot” như “Astro Boy”, “Bender” và thậm chí là “R2 – D2”. Sau khi bản thương mại đầu tiên được ra đời năm 2008, Google quyết định duy trì tên sản phẩm theo phong cách “bánh kẹo” với thứ tự trong bảng chữ cái. Ngoài những bản thương mại, cập nhật phần mềm ban đầu của Android cũng được đặt tên theo các món tráng miệng. Bản cập nhật phần mềm đầu tiên cho chiếc HTC Dream có tên gọi “Petit Four”, được đặt theo tên của một món tráng miệng Pháp.

Honeycomb là phiên bản Android duy nhất chưa bao giờ được chính thức phát hành cho smartphone

Đầu năm 2011, Google tung bản Android 3.0 Honeycomb. Được thiết kế để dành riêng cho máy tính bảng. Sản phẩm đầu tiên chạy hệ điều hành tập trung cho các thiết bị màn hình lớn này là chiếc Motorola Xoom. Tuy nhiên, Honeycomb nhận được rất nhiều lời chỉ trích và đánh giá tiêu cực từ phía các nhà phê bình và người sử dụng. Google đã nhanh chóng thay thế phần mềm này với Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Thay vì tạo ra một hệ điều hành dành riêng cho máy tính bảng, công ty nãy đã lựa chọn hỗ trợ tất cả các thiết bị Android ra đời sau đó.

Hơn một tỷ thiết bị Android đang hoạt động

Bạn đã bao giờ đi ra khỏi nơi mình sinh sống và nhận ra có rất rất nhiều người cũng đang dùng Android giống như bạn không? Cách đây 2 năm, Sundar Pichai, người hiện vừa nắm chức CEO Google đã cho biết có hơn 1 tỷ thiết bị Android đang hoạt động. Bạn hãy thử đem con số này so sánh với con số 7,3 tỷ dân trên toàn hành tinh mà xem, ấn tượng phải không?

Android có nhiều ứng dụng hơn bất cứ đối thủ nào

Kho ứng dụng Android Market của Google chính thức xuất hiện vào năm 2008, tức là chỉ sau kho ứng dụng App Store của Apple chỉ một vài tháng. Đến năm 2012, kho ứng dụng này được đổi tên thành Google Play. Dù bị coi là “sinh sau đẻ muộn”, số lượng ứng dụng hiện có trên Google Play Store là 1,5 triệu, nhiều hơn so với bất cứ đối thủ nào.

Những chiếc điện thoại Android thuở sơ khai có thiết kế rất khác

HTC Dream được biết đến với bàn phím trượt AZERTY và màn hình chạm 3,2 inch, nhưng “tổ tiên” của thiết bị này có thiết kế rất khác biệt. Hình ảnh trên là của chiếc điện thoại HTC EXCA 300, hay còn được biết đến với cái tên Sooner. Chiếc điện thoại Android này lấy cảm hứng từ BlackBerry và các thiết bị chạy hệ điều hành Palm. Được trang bị vi xử lý OMAP 850 và RAM 64MB, thiết bị chưa bao giờ được phát hành này đã phần nào mở đường cho các smartphone Android mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.

Ai thiết kế ra logo Android và tên của nó là gì?

Giống như chính phần mềm này, linh vật của Android cũng là một mã nguồn mở. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy chú robot này được thiết kế lại nhiều lần và thay đổi nhiều trang phục khác nhau nhưng không hề bị Google “nhắc nhở”. Chú robot nhỏ màu xanh này được thiết kế theo phong cách “uni-sex” và lấy cảm hứng từ biểu tượng nam và nữ treo trước cửa nhà vệ sinh. Nó được thiết kế một cách đơn giản và dễ nhận ra. Nhưng ai là người tạo ra nó?

Một nhà thiết kế đồ họa có tên Irina Blok chính là người tạo ra logo Android. Khi phát triển các hình ảnh tượng hình, cô và nhóm của mình đã nghiên cứu các đồ chơi khoa học viễn tưởng, các bộ phim về vụ trụ để lấy cảm hứng. Chú robot này cũng chẳng có tên. Nó thường được biết đến là “Robot Android Andy”, tuy nhiên đây cũng không phải là cái tên chính thức của linh vật Android. Ngoài ra, những nhân viên làm tại Google thường gọi cỗ máy màu xanh này với cái tên “Bugdroid”.

Cựu CEO Google từng là thành viên hội đồng quản trị của Apple

Trước khi là đối thủ, Google và Apple cũng từng có chút quan hệ thân tình. Trên thực tế, trước Android khi ra đời, cựu CEO của Google, Eric Schmidt từng là thành viên hội đồng quản trị của Apple. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi Android ra đời, vị giám đốc cấp cao này đã quyết định rời khỏi Apple.  Sự ra đi của Eric Schmidt được Steve Jobs giải trình như sau:

“Eric luôn là một thành viên tuyệt vời trong hội đồng của Apple, luôn dành thời gian, tài năng, đam mê và trí tuệ quý báu của mình để giúp Apple thành công. Tuy nhiên, khi Google ngày càng dấn sâu vào công việc kinh doanh cốt lõi của Apple, với Android và nay với cả hệ điều hành Chrome, Eric sẽ không còn là thành viên của hội đồng quản trí của Apple nữa. Anh ấy sẽ buộc phải tránh mặt trong phần lớn các buổi họp của chúng ta do những mẫu thuẫn liên quan đến lợi ích có thể xảy ra. Dó đó, chúng tôi đã quyết định đã đến lúc Eric rời khỏi vị trí tại hội đồng của Apple”.