Thời gian sẽ sàng lọc và những giá trị đen trắng lẫn lộn sẽ phải được đánh giá sòng phẳng, ngay trong làng âm nhạc.
1. Giữa lúc công chúng yêu âm nhạc và những nghệ sĩ chân chính đang tiễn đưa những con người đáng kính, những cây đại thụ về nơi an nghỉ cuối cùng thì có một sự việc rất không hay xảy ra.Điều đáng nói là sự việc này lại liên quan đến những con người đang hoạt động trong làng âm nhạc nước nhà hiện nay. Đó là việc một anh chàng ca sĩ được mệnh danh “ông Hoàng nhạc Việt” (không biết danh hiệu này do ai đó phong hay chính anh ta tự phong cho mình) chỉ vì chuyện tư thù cá nhân, đã không ngần ngại mượn trang cá nhân mình trên facebook để tuôn ra vô số những lời xỉ vả rất khó nghe và tuyên bố “không thèm nhìn mặt” một đồng nghiệp của anh ta - cũng là một ca sĩ nổi đình nổi đám khác.
Nhìn lại “lịch sử” trước đó, vào năm 2012 chàng ca sĩ này đã từng một lần tuyên bố “không thèm nhìn mặt” một nữ ca sĩ vốn là người bạn thân thiết của mình khi cô lên tiếng nhận xét về anh trong một chương trình game show liên quan về âm nhạc trên truyền hình. Đến năm 2013, lại chính là anh ta chứ không phải ai khác đã lên tiếng “mắng” nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – một “tiền bối” thuộc hàng cha chú của anh ta khi ông lên tiếng yêu cầu anh đừng hát nhạc của ông nữa.
Ảnh minh họa |
2. Qua những sự việc như thế, dù muốn dù không, một lần nữa cho thấy những “ông hoàng, bà chúa” trong làng giải trí nước nhà nói chung hiện nay nếu nhìn ở phương diện văn hóa về “những giá trị Người” quả là có lắm chuyện để bàn.
Từ đây, một câu hỏi đặt ra, tại sao tại sao trong xã hội Việt Nam hôm nay, nhất là các bạn trẻ lại tôn vinh thậm chí “tôn thờ” các “ông hoàng, bà chúa” – những “ngôi sao”, “thần tượng” trong làng âm nhạc nói riêng hay giới showbiz nước nhà nói chung kiểu như anh chàng ca sĩ trên? Và ngược lại những “ông hoàng bà chúa” này có thấy mình xứng đáng với các danh xưng ấy không?
Có bao giờ họ tự hỏi thời gian qua bản thân đã đóng góp được gì cho nền nghệ thuật nước nhà. Liệu họ có làng màng nhận ra thực chất những cái gọi là “hoạt động nghệ thuật” của họ hiện nay chủ yếu nghiêng về văn hóa giải trí có giá trị nhất thời?
Rồi đây chắc chắn thời gian sẽ sàng lọc và những giá trị đen trắng lẫn lộn sẽ phải được đánh giá sòng phẳng, ngay trong làng âm nhạc.
Và quan trọng hơn nữa, ngay trong lúc này đây chính những lời nói và việc làm của những ca sĩ đó đã tự “vạch áo” mình lên cho người ngoài họ nhìn thấy những “vết sẹo văn hóa” rất thô kệch và xấu xí! Mặc dù phải công nhận một điều, họ cũng đã rất thành công trong công nghệ lăng- xê và kiếm tiền cực giỏi.
3. Thật lòng, trước khi viết bài viết này tôi từng nghĩ mình có nên mất thời gian cho những “thần tượng giả”, “những giá trị” ảo trong giới showbiz nước nhà hiện nay không? Đặc biệt nếu phải “cân, đo, đong, đếm” với vô số những vấn đề nóng bỏng hay thậm chí liên quan đến sự tồn vong của dân tộc và đất nước trong thời điểm này thì những chuyện này có đáng để chúng ta phải lên tiếng không?
Tuy vậy, bình tĩnh nghĩ lại tôi thấy đây cũng là một vấn đề lớn, vì nó liên quan đến những giá trị có tính chuẩn mực về đạo đức và văn hóa của con người trong xã hội ta hiện nay – vấn đề mà theo nhiều người nhận xét là đang trong tình trạng “xuống cấp” và “suy thoái” rất trầm trọng. Hay thậm chí nói như sử gia Dương Trung Quốc là nếu chúng ta không chấn hưng kịp thời sẽ “có nguy cơ đẩy dân tộc đến hiểm họa khôn lường” [1].
Vì vậy, với bài viết này nếu như các “ông hoàng, bà chúa” trong giới showbiz Việt hôm nay có để mắt đến thì mong rằng các vị hãy hiểu, đây là những lời nói chân thành của người viết liên quan đến một vấn đề chung và rất lớn trong xã hội nước nhà hôm nay, liên quan đến những giá trị âm nhạc đích thực. Nói khác đi, ở đây người viết tạm gọi là câu chuyện nhỏ về “văn hóa nước Việt nhìn từ giới showbiz”.
Nguyễn Trọng Bình-----
[1]: Sử gia Dương Trung quốc: Văn hóa chạm ngưỡng, đẩy dân tộc đến hiểm họa khôn lường, 13/1/2015, VTC.vn.