- Khi những người đứng đầu đất nước “thành thật, nghiêm túc nhận khuyết điểm”, người dân chờ đợi họ sẽ hành động quyết liệt ngay sau đó.
Toàn cảnh bế mạc hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: TTXVN |
1 tuần sau, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng “xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Một số đơn vị điển hình là Vinashin và Vinalines đã sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng…”.
Thủ tướng cũng khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng và từng thành viên sẽ nghiêm túc với mình, đoàn kết, hết lòng làm việc, để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, nhân dân, vì Đảng, chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ mong nhận được sự giám sát của toàn thể Quốc hội, đồng bào, nhân dân cả nước”.
Khi những người đứng đầu đất nước nghẹn ngào “nghiêm túc, thành thật” nhận lỗi của tập thể, người dân chia sẻ cảm xúc đó với những công bộc của mình. Điều mà họ chờ đợi là lời nói biến thành hành động. Người dân chỉ có thể cảm nhận được sự chân thành, tâm huyết vì nước, vì dân của các vị lãnh đạo qua những gì họ sẽ làm sau đây. Nói như Tổng bí thư ở buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội, tinh thần nghiêm túc của đợt sinh hoạt chính trị nội bộ Đảng vừa qua “cơ bản đạt yêu cầu nhưng chưa phải là xong”.
Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội có nhiều bất cập. Nhiều sai phạm không chỉ do khách quan đem đến mà chủ yếu là do nhiều nguyên nhân chủ quan.
Đó là sự bất ổn trong điều hành kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước. Sự vận hành của các tập đoàn kinh tế, việc thí điểm các tập đoàn này đã để lại những hệ lụy lớn. Nguy hiểm nhất là sự xuất hiện các nhóm lợi ích. Chính những nhóm này đã cấu kết với nhau lũng đoạn tình hình kinh tế của đất nước. Thể hiện rõ nhất là trong nhóm lợi ích ngân hàng vừa qua.
Người dân đánh giá cao việc người đứng đầu Đảng và Chính phủ nhận trách nhiệm về thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trong việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã chỉ ra.
Lợi ích nhóm phải bị triệt tiêu mạnh mẽ, những kẻ tham nhũng, lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, gia đình và phe cánh của mình cần bị trừng trị nghiêm khắc.
Ngoài ra cần tạo chuyến biến mạnh mẽ trong đấu tranh với các vấn nạn chạy chức chạy quyền, chạy tiền, chạy tội, chạy dự án…
Người dân mong chờ trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua được Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn. Thực hiện tốt chế độ bỏ phiếu tín nhiệm sẽ là khâu đột phá trong các giải pháp nhằm đánh giá thực chất những người “công bộc của dân”. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát, kiểm tra, nhất là việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại được nêu ra trong Hội nghị TƯ 6 và tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Chỉ có hành động quyết liệt và những chuyển biến trong thực tế mới là sự đảm bảo vững chắc cho những lời hứa chân thành, nghiêm túc, để mọi việc không chỉ dừng ở khẩu hiệu. Đó cũng là kỳ vọng của mỗi người dân.
Nguyễn Đăng Tấn