Trong khi thị trường game Âu Mỹ đang nở rộ với các dòng game đa dạng phong phú về đồ họa, gameplay, đầu tư công phu về nhiệm vụ và tính chân thực thì game Trung Quốc vẫn đi vào khai thác dòng game tiên hiệp vốn là thế mạnh độc quyền của quốc gia này. 

Mâu thuẫn ngày càng trở nên sâu sắc hơn khi game thủ phương Tây được trải nghiệm các thể loại game với bối cảnh mới, gameplay đa dạng còn game thủ Trung Quốc vẫn ngày ngày đối diện với game tiên hiệp. Nếu nhìn nhận rõ ràng, có thể nhận thấy một trong số những nguyên nhân khiến ngành game Trung Quốc khó có thể tách khỏi bối cảnh tiên hiệp là bởi thời đại hoàng kim của serie phim “Tiên kiếm kì hiệp truyện”, tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long vẫn còn ghi dấu ấn quá sâu đậm khiến các nhà phát triển game Trung Quốc khai thác các bối cảnh quá kinh điển này và dựng thành game với mục tiêu hiện thực hóa những hình tượng nhân vật và thế giới võ lâm kinh điển trong tưởng tượng của độc giả. Nghiễm nhiên, những sản phẩm này ngày càng tràn lan, áp đảo, lấn lướt thị trường.

Theo nhiều nghiên cứu, văn học phổ thông Trung Quốc không có thể loại “tiểu thuyết tiên hiệp” mà thể loại này mới chỉ xuất hiện gần đây. Bản thân những câu chuyện tiên hiệp không có gì mới mẻ và thực chất chỉ là xây dựng bối cảnh cổ xưa ngay trên nền võ hiệp. Trong những truyện thần thoại Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các hình tượng “tiên kiếm”, “nhân kiếm hợp nhất, nhất kích bất trúng, thuấn gian dĩ tại thiên lí phi ngoại” (người và kiếm hòa làm một, một đòn không thể trúng, chỉ một khoảnh khắc đã đi được ngàn dặm), ẩn đi thân thể và sức mạnh… nhưng những điều kì lạ này vốn dĩ thuộc về tiểu thuyết võ hiệp.

Giữa rất nhiều game thuộc thể loại này, Tiên Kiếm (tên đầy đủ: Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện) có phần nổi bật vì nó đột phá được quan điểm thẩm mĩ lâu đời của đại bộ phận game thủ Trung Quốc, khiến người chơi có thể bỏ qua hệ thống võ hiệp kinh điển cùng những câu chuyện truyền thống nhàm chán và đưa vào tình tiết mới tuy nhiên đơn vị phát triển vẫn làm chưa "tới" khiến game vẫn bị đánh giá quá dễ vượt qua.

Một tác phẩm võ hiệp cũng hết sức gần gũi với game thủ tại Trung Quốc (và cả Việt Nam) là Thục Sơn kiếm hiệp truyện của Hoàn Châu Lâu Chủ. Được xuất ra hàng triệu bản, Thục Sơn kiếm hiệp truyện đã góp phần gây dựng nên hệ thống tiên hiệp hoàn chỉnh cho Thục Sơn kiếm phái, bao gồm Thanh Thành Thập Cửu Hiệp, Nga Mi Chư Hiệp, Tây Tạng Mật Tông, Võ Đang Trung Nguyên... Bộ tiểu thuyết này đã khơi dậy xu thế tiểu thuyết văn học mới trong nền văn học Trung Quốc, tác động đến rất nhiều các tác gia thời hiện đại. Ví dụ như Thục Sơn kiếm phái trong “Thục Sơn truyện”, “Tiên kiếm kì hiệp truyện” và thậm chí Thanh Vân Sơn trong Tru Tiên cũng được coi là dị bản của Thanh Thành Sơn trong Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện.

Trong tâm chí người chơi game Trung Quốc nói chung, thế giới thần kì huyền ảo nhân yêu lẫn lộn, những câu chuyện tình yêu trong sáng, tinh khiết rõ ràng thoải mái hơn, trẻ trung hơn, tràn đầy năng lượng và kích thích trí tưởng tượng hơn nhiều so với thế giới võ hiệp khách quan, nghiêm túc như võ hiệp Kim Dung.

Tuy nhiên, khi người chơi đã thích thì các đơn vị phát triển lại càng làm quá. Trong vài thập niên sau đó, game thể loại tiên hiệp đã trở thành chủ để chính của game Trung Quốc, bất kể là online hay offline, cả nhà phát hành và người chơi đã tự ép chặt bản thân trong một cái ao tù. Hiên Viên kiếm ra đến phần 6, Tru tiên ra phần 7, Huyễn tưởng Tam quốc chí ra phần 8 (chưa kể ngoại truyện)...và các sản phẩm này góp phần lấp đầy thời gian của giới trẻ Trung Quốc. Trong thời gian này, sự xuất hiện của Cổ Kiếm Kỳ Đàm với gameplay mới lạ cũng trở thành một trong những tựa game tiên hiệp đáng chú ý.

Đáng tiếc, thị trường game Trung Quốc trừ tiên hiệp không có đề tài khác thực sự nổi bật. Dù vậy không ít game online Trung Quốc vẫn còn dựa vào cấu trúc tiểu thuyết võ hiệp truyền thống còn tồn tại đến nay nhưng game nội địa Trung Quốc tóm lại cũng chỉ có thần ma kiếm tiên, sơn tinh dã quái, và nói chung là bi thảm.

Không phải nhà sản xuất và thiết kế game Trung Quốc không có khả năng mở ra một con đường mới, mà vấn đề là ở quản lí của các doanh nghiệp mua game về phát hành. Họ đắn đo khi mua game và ngại gặp mạo hiểm nếu lựa chọn một sản phẩm mới, họ quá quen với mô hình làm việc của thâp niên trước và lười thực hiện những thay đổi mang tính sáng tạo. Nhưng đây cũng không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc bởi nền công nghiệp game châu Á dường như cũng lâm vào tình trạng chây ỳ như vậy. Ví dụ như series game đình đám Final Fantasy có vẻ ở ở tầm cao hơn so với Tiên Kiếm nhưng thực chất chỉ khoác một lớp áo khác còn ruột cũng không thực sự phá cách.

Về thể loại game Tiên hiệp, số lượng hiện nay đã vượt quá nhu cầu của thị trường và về cơ bản dòng game này đã không còn gì để khai thác. Thử suy xét một chút, khi những tựa game như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2Guild Wars 2... đang dần xâm nhập đến từng ngõ ngách tại Trung Quốc thì các vị đạo gia Thục Sơn kiếm phái khô khan không còn bất kì giá trị tồn tại nào.

Tiếp tục cống hiến sức lực và tinh hoa để phát triển game theo kiểu này là hành vi tham lợi trước mắt, không có môi trường cũng như điều kiện phát triển, sử dụng cạn kiệt sức sáng tạo và năng lực của các kĩ sư, các nhà thiết kế vào một việc vô bổ, và cũng hoàn toàn lãng phí kì vọng và cảm tình của người chơi. Những game tiên hiệp kia, mỗi game mang trong nó bao nhiêu kì vọng thì sau khi ra mắt sẽ mất đi bấy nhiêu người chơi đã kì vọng quá nhiều vào nó.

Bước vào thời đại mới, ngành công nghiệp sản xuất game không thể cứ dựa dẫm vào một nội dung cũ rích để qua quýt với người chơi. Thứ mà game thủ muốn chơi đang dần hướng đến tính hiện thực và mạo hiểm như đào khoáng trong The Elder Scrolls để có thể tạo ra cả thế giới; Assassin's Creed đưa khoa học viễn tưởng vào các câu chuyện cổ đại, hiện đại, đương đại về cách mạng và đấu tranh tôn giáo; Dragon Age kể về sự đối đầu chân thực và tàn bạo giữa các phù thủy Trung Cổ và các hiệp sĩ Templar, tất cả đều mang sự quyến rũ không thể chối từ của chủ nghĩa hiện thực. Dựa vào những ưu điểm và những thành công từ các sản phẩm này, tại sao Trung Quốc không học hỏi, mà vẫn u mê trong bóng đêm khư khư giữ chút ý tưởng đã già cả chục tuổi không buông?

Mô típ tiên hiệp đã quá cổ điển nhưng vẫn chưa có đại diện nào có đủ sức thay thế. Sự quẩn quanh bế tắc trong mối quan hệ tay tư giữa game - game thủ - nhà sản xuất - nhà phát hành đã khiến người chơi dù ngán tận cổ vẫn phải cố vì không có nhiều lựa chọn, người làm thấy có khách cũng không chịu buông tay còn game thì chịu sự chi phối của cả 2 phía thụ động. 

Monkey