Hỗ trợ người lao động không có hợp đồng, mất việc do Covid-19

Thất nghiệp, thiếu việc làm trong đại dịch khiến đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn bởi không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Long An, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến việc làm của khoảng 70% người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. 

Bởi vậy trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách, các gói an sinh xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như người dân trong bối cảnh dịch bệnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành trong tỉnh, để không ai bị bỏ lại phía sau. 

Thực hiện Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Long An đã giảm mức đóng cho người sử dụng lao động từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2022 số tiền 199 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 322.000 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và lao động đã ngừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền trên 751 tỷ đồng. 

Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gồm các đối tượng như người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động…, Long An đã hỗ trợ cho 138.620 người, với tổng kinh phí trên 167 tỷ đồng. Đối với người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc, Long An đã hỗ trợ trên 5.000 người, với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. 

Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Long An cũng đã chi hỗ trợ cho 700.000 người thuộc 13/13 nhóm đối tượng với tổng kinh phí trên 1.177 tỷ đồng. 

Long An đã chi hỗ trợ cho 700.000 người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ - Ảnh: Báo Long An

Ngoài việc chi hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh còn chủ động hỗ trợ đặc thù riêng từ nguồn kinh phí của địa phương cho 99.082 người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc, với số tiền 193 tỷ đồng. Trong đó, có trên 14.000 người bán vé số dạo được hỗ trợ với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng. 

Nhằm giúp đỡ những người khó khăn, Long An còn huy động rất nhiều nguồn lực trong nhân dân với nhiều hoạt động thiết thực: giảm tiền nhà trọ, giảm tiền điện nước, suất ăn 0 đồng, thực phẩm 0 đồng, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho người nghèo, công nhân lao động, người dân khu vực bị phong tỏa…

Tiếp tục hỗ trợ đào tạo lao động sau đại dịch

Để đạt được kết quả trên, Long An đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công trách nhiệm xuống từng địa phương, từ đó các huyện, thị, thành phố phân công cán bộ xuống cấp xã hỗ trợ thực hiện chính sách. Việc triển khai thực hiện kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được đánh giá bám sát thực tiễn, đúng đối tượng, góp phần hỗ trợ người lao động Long An tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.  

Bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An chia sẻ, thời gian qua, để bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực rà soát, thẩm định kỹ các đối tượng trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc rà soát được tiến hành chặt chẽ thông qua hồ sơ thống kê, báo cáo từ cơ sở, thông báo rộng rãi trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và xác minh thực tế... nhằm bảo đảm đúng người thụ hưởng. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, Long An đã kết thúc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nói trên. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. 

Long An là một trong những tỉnh đã và đang hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động

Được biết, hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động của 4 doanh nghiệp. Trong đó, Trường Cao đẳng Long An đang phối hợp đào tạo cho 60 lao động của 1 doanh nghiệp, phối hợp xây dựng phương án đào tạo cho 2 doanh nghiệp. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang tích cực phối hợp các sở, ngành khảo sát tổng hợp nhu cầu đào tạo lao động và tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và cập nhật hàng tuần lên website của sở, liên thông với Cổng thông tin điện tử của tỉnh Long An.

Từ đầu năm 2022 đến nay, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động đã giúp thị trường lao động đầu năm trên địa bàn Long An ít biến động, doanh nghiệp hoạt động ổn định trong điều kiện bình thường mới. UBND tỉnh Long An đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi tình hình, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính... nhằm bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện để người lao động có việc làm ổn định.

Ngọc Minh