Đọc được bài viết vui so sánh người Việt và người Mỹ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Gọi là bài viết vui, nhưng khi đọc, tôi không cười nổi mà cứ thấy xót xa trong lòng.

 Nhiều người Việt nam chúng ta có khả năng và đủ bản lĩnh tự cười chế diễu những cái xấu chung chung của dân tộc, nhưng liệu có nhiều người thực sự thấy xấu hổ, để rồi ngẫm nghĩ và tự thay đổi bản thân mình?

Đằng sau những câu so sánh bông đùa của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, có lẽ là những sự khác biệt trần trụi giữa Việt Nam và những xã hội hiện đại, sống và làm việc theo pháp luật (mà tiêu biểu là Mỹ).

Văn hóa phương Tây, trong con mắt người Việt Nam  trước những năm 90, được hiểu là đầy rẫy “thói hư tật xấu”. Nào là cha mẹ không quan tâm chăm sóc, mà bỏ mặc con cái. Vì vậy khi con cái lớn lên cũng bỏ mặc bố mẹ trong trại dưỡng lão. Nào là cuộc sống xô bồ, đầy trộm cắp, đĩ điếm, chỉ biết hưởng thụ, ăn chơi tối ngày.

Thực sự tiếp xúc với những con người đó, tôi chợt giật mình khi hiểu ra nhiều điều. Không phải vậy mà đó chỉ là cái nhìn rất phiến diện, quá tự tôn của một dân tộc nghèo truyền đời, luôn tự cố gắng khẳng định bản thân, khẳng định lòng tự hào dân tộc bằng cách chê bai, lên án tất cả những ai “khác mình” mà cái khác đó có thể là thói quen, là sự giàu nghèo, là văn hóa...

 

{keywords}

Ảnh minh họa

Đọc kỹ những câu vui vui của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tôi phân loại được mấy cái khác nhau cơ bản người Việt nam và người Mỹ:

Đầu tiên và quan trọng nhất: lòng tự trọng. Hình ảnh vui vui theo kiểu “lên sếp béo hay gầy”, “xin việc đến đến văn phòng hay đến nhà sếp, đưa hồ sơ hay đưa phong bì”..., đều nói lên một hiện tượng: nhiều người dân mất lòng tin vào cơ quan công quyền.

Nhưng đằng sau nó là gì: đó là lòng tự trọng. Khi thiếu lòng tự trọng thì người ta mới dám “ngửa tay” nhận phong bì để giải quyết công việc mà anh đã được trả lương để làm.

Nếu chê lương ít, anh hãy xin thôi việc và ngẩng cao đầu mà ra đi. Nếu anh có thực tài, tìm đâu chẳng được các công việc có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Người nhận phong bì ít tự trọng, thì người đưa phong bì liệu có hơn gì?

Nếu con cái anh được dạy từ bé về lòng tự trọng, về giá trị bản thân: liệu chúng có chấp nhận để bố mẹ cầm phong bì xin việc? Có người nhận, thì phải có kẻ đưa. Không ai đưa cả - thì có muốn nhận cũng chẳng có.

Và vì vậy mà ở Mỹ - họ bỏ tù rất nặng cả kẻ hối hộ và nhận hối lộ - cả hai cùng phải xấu hổ. Còn quà cáp bình thường, ở đâu cũng có miễn là không phải những món quà giá trị lớn với mục đích đánh đổi.

Vì vậy việc đầu tiên chúng ta cần làm là hãy dạy cho thế hệ sau lòng tự trọng đúng nghĩa, chứ không phải sự tự ái vụn vặt (mà rất nhiều người lầm tưởng là tự trọng).

Hãy đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho việc tuyển chọn, và đứa ra các biện pháp giám sát nghiêm túc, thậm chí ngặt nghèo ngăn chặn tiêu cực. Tôi nghĩ, nếu ai thực sự có lòng tự trọng để mà muốn làm thì làm được.

Điều thứ hai, những khác biệt về thói quen và văn hóa: “ăn thịt chó hay không”, “bẫy chim để ăn hay để nuôi”, “ăn ức gà hay ăn đùi gà”...– tôi nghĩ không phải cứ ăn thịt chó là xấu.

Tất nhiên, đi ăn thịt chính con chó mình nuôi, mình yêu quý, thì cứ như đánh lừa nó để “vỗ cho béo rồi thịt”, nó mới có vấn đề. Nhưng tôi không lên án người ăn thịt chó, mà chỉ lên án cái cách đi ăn trộm chó rất dã man thôi.

Tôi có đọc vài bài báo, thấy nếu vấn đề về việc ở các nước phát triển đang có “vấn nạn” về việc các vật nuôi phát triển nhiều quá (đặc biêt là chó, mèo) gây nhiều phiền phức mà chính quyền chưa biết giải quyết ra sao. Chó mèo đẻ nhiều, luật lại không cho phép giết, chắc sắp tới Mỹ phải ra luật “sinh đẻ có kế hoạch”, bắt các chủ nuôi chó, mèo thực hiện, nếu chúng đẻ quá thì có biện pháp. Điều này chỉ nêu lên hiện tượng: người Mỹ họ yêu động vật hơn người Việt Nam.

Khi đất nước còn nghèo, cái gì cũng thiếu, thì cái trước tiên nghĩ đến là miếng ăn (đói thì đầu gối phải bò). Xã hội phát triển dần, người ta kiêng ăn thịt vì sợ béo, sợ bệnh..., thì chắc hiện tượng này bớt dần.

{keywords}
Ảnh minh họa

 Còn về ăn thịt gà: người Mỹ họ ăn cả ức và đùi, không tin bạn cứ vào siêu thị đồ ăn mà xem. Đùi gà được bán trong các hộp xốp bọc nilon, quãng 2-3 kg/hộp. Nói chung họ tách các bộ phận ra, đóng hộp riêng từng loại cho mọi người tha hồ lựa chọn, kể cả tim, mề. Có lẽ người Mỹ họ thích ăn ức hơn vì lý do sức khỏe, vì ức gà nạc, không có mỡ. Riêng tôi, thì khi ăn thịt gà, tôi chỉ thích hai cái chân và đầu gà, rồi ăn da – vì béo ngậy chứ không khô khốc như ức gà.

Thư ba, Việc người Mỹ uống cafe thì đọc sách, người Việt nhắn tin, chắc tác giả muốn nói về cái sự ham đọc của người Mỹ: cái đó hoàn toàn đúng. Nhưng ngồi trong cafe bao nhiêu lần, tôi thấy người Mỹ hay người Việt Nam, ai cũng chúi đầu vào điện thoại hết. Họ đọc hay chat thì tôi cũng không biết nữa.

Nhưng có một sự thật rất rõ ràng: người Việt ít chịu đọc một cách nghiêm túc, nên hay bị tình trạng “đói thông tin hữu ích, thừa thông tin giật gân độc hại”. Cứ đọc thông tin gây hại nhiều, rồi tưởng tượng ra đủ thứ rủi ro, rồi luôn sống hốt hoảng, ăn không dám ăn vì sợ hóa chất độc hại, ngủ không yên vì sợ trộm cướp...

Vậy thì sao nhỉ: không chỉ cười, không chỉ tự chế diễu, hài hước: mỗi người chúng ta hãy “cắn răng” nhìn lại mình, để mà sửa, để mà sống cho đàng hoàng hơn, tự trọng hơn. Và điều cực kỳ quan trọng: hãy nuôi dạy con cái chúng ta lớn lên một cách lành mạnh, để sau này ta có thể tự hào vì “con hơn cha, nhà có phúc” một cách thực sự.

Đất nước ta cần lắm những con người biết có tự trọng, biết đặt quyền lợi chung “ngang hàng với quyền lợi riêng”.

Nước Mỹ họ cũng vậy: họ đâu bắt ai phải hy sinh gia đình và bản thân cho đất nước (chỉ trừ khi có chiến tranh). Đến tổng thống mà gia đình không “cơm lành canh ngọt”, thì cũng rất dễ bị mất chức.

Độc giả Trần Hà

TIN LIÊN QUAN: