Trên Sao Hỏa có một con dốc cao như tháp Big Ben vậy, nhưng bên dưới lớp đất đỏ khô cằn ấy là một lớp băng dày tới 90 mét, chính nó khiến cho khoảng đất này có một màu xanh đen kỳ lạ. Chứng kiến tận mắt được cảnh tượng này thì tuyệt biết bao, không rõ lịch trình bay lên Sao Hỏa của Elon Musk ra sao rồi nhỉ ...

Các nhà khoa khọc nghiên cứu hành tinh đã xác định được vị trí của 8 con dốc lớn như thế trên bề mặt Sao Hỏa. Phân tích cho thấy bên dưới chúng đều có một lớp băng dày. 8 địa điểm này sẽ là mục tiêu nghiên cứu hoàn hảo cho bất kỳ phi hành đoàn nào (hay ít nhất là con robot thám hiểm nào) đặt chân được lên Hành Tinh Đỏ. Thậm chí, đó còn có thể là nguồn nước cho các phi hành gia tương lai.

"Chúng tôi đã tìm ra được một hướng mới để nghiên cứu lớp băng này, với mong muốn rằng sẽ cung cấp thông tin cho bất kỳ ai hứng thú với cả tính chất và lịch sử của băng", Colin Dundas, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Địa chất học Vũ trụ cho hay. Ông cũng là tác giả của báo cáo khoa học về băng bên dưới Sao Hỏa, được xuất bản hôm thứ Năm vừa rồi.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên phát hiện thấy băng trên Sao Hỏa. Năm 2001, tàu vũ trụ Mars Odyssey đã tới đây và tiến hành tìm kiếm những dấu vết về băng. Quang phổ kế của Mars Odyssey đã tìm được dấu tích của hydrogen, bằng chứng cho thấy Sao Hỏa đã từng có lượng băng khổng lồ, có lẽ tới 1/3 bề mặt Sao Hỏa chứa một lớp băng mỏng.

Tuy nhiên, con tàu không thể xác định được lớp băng hiện tại của Sao Hỏa đang trong trạng thái như thế nào, độ sau ra sao.

Con tàu thăm dò Sao Hỏa từ trên quỹ đạo – Mars Reconnaissance Orbiter được phóng lên năm 2005 đã vẽ lại được bề mặt Sao Hoa chi tiết hơn. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu – cụ thể là Dundas và các cộng sự của mình – đã xác định được chính xác những vỉa băng lộ thiên, những lớp băng vẫn tồn tại trên bề mặt Sao Hỏa.

"Những dữ liệu với độ phân giải cao đã cải thiện được tầm hiểu biết của chúng tôi với nhiều kiểu địa hình chứa băng khác nhau", nhà nghiên cứu Dundas nói.

Dải màu xanh chính là dải băng, ảnh đã được tăng sáng màu.

Một nhà khoa học hành tinh khác là Susan Conway từ Đại học Nantes, Pháp nhận định rằng những sườn băng này là "một góc nhìn hiếm có vào lớp bề mặt khác của Sao Hỏa, mở lối cho chúng ta vào lớp băng chưa từng có ai động vào".

Nhà khoa học hành tinh nữa là Matt Balme tại Đại học Mở, người không tham gia vào nghiên cứu trên, cũng có nhận định rằng điểm mấu chốt của khám phá trên là màu sắc có ánh xanh trên hình ảnh bề mặt Sao Hỏa. Màu sắc ấy cho thấy thành phần địa chất của khu vực có gì đó khác với vùng đất xung quanh. Nó không phải là hỗn hợp của băng và đất.

"Nếu như kết luận của báo cáo khoa học trên mà đúng", Matt Balme nói, "thì hình ảnh ta đang nhìn là băng thuần khiết". Sườn băng này nằm tại vĩ độ khá thấp, do đó loại trừ dược khả năng bay này tới từ cực Sao Hỏa. Tác giả nghiên cứu, Colin Dundas, nhận định rằng vỉa băng này được hình thành khi bề mặt Sao Hỏa bị bao phủ bởi băng tuyết.

Sườn băng trên Sao Hỏa, ảnh từ Mars Reconnaissance Orbiter, đã được cải thiện màu.

Nhận định ban đầu cho thấy băng nằm ở độ sâu vừa phải, đủ để robot thăm dò có thể với tới . Theo lời nhà nghiên cứu Conway, lớp băng này sẽ cho chúng ta những dữ liệu quý giá về hiện tượng biến đổi khí hậu tại Sao Hỏa.

Nhà nghiên cứu Balme cũng nói thêm rằng "nếu như ta định đưa người lên Sao Hỏa sinh sống trong một khoảng thời gian dài, thì đây sẽ là nguồn nước cực kỳ hữu dụng". Chuyến lên Sao Hỏa sẽ giống với việc vào rừng cắm trại bên bờ suối vậy. Hơi khác chút là nếu muốn có nước uống, họ sẽ phải mang theo một cái cuốc, một cái cốc/cái bát/bất kỳ vật đựng nào, để mang băng về đun lấy nước.

Theo GenK