Nhiều năm qua, nông dân vùng ĐBSCL đã không ngừng mở rộng diện tích sản xuất giống lúa IR50404. Và bây giờ, người dân còn ồ ạt sản xuất giống lúa Ma Lâm 202 (ML202) - còn được gọi là lúa gà, lúa “siêu Trung Quốc”, là loại lúa có phẩm chất thấp, chỉ để cho… gà ăn.
Siêu năng suất?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây giống lúa ML 202 (loại hạt tròn, có thời gian sinh trưởng khoảng 92 ngày) được gieo sạ nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... Vài năm gần đây, giống lúa này lại được một số hộ dân vùng ĐBSCL mua về và không ngừng nhân rộng, nhất là ở tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long), cho biết: Vụ hè thu năm 2014, toàn tỉnh có 5.300ha lúa ML202, chiếm 9,2% diện tích xuống giống.
Ông Trương Tấn Được - Trưởng phòng NNPTNT huyện Mang Thít, huyện có diện tích gieo sạ giống ML 202 lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Ban đầu chỉ có vài hộ gieo sạ. Thấy trúng quá, lúa dễ bán nên nhiều hộ khác làm theo. Theo cơ cấu, giống lúa chất lượng thấp mỗi vụ chỉ khoảng 10% diện tích gieo sạ, thế nhưng hiện giống ML202 đã chiếm tới hơn 30% diện tích, tập trung nhiều nhất là các xã Mỹ An, Hòa Tịnh, Long Mỹ, Chánh Hội…”.
Người dân xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn) đang mở rộng diện tích giống lúa ML 202. |
Bà Lê Thị Lệ Hoa - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vinh Long), cho biết: “Cuối năm 2012, tôi mua giống ML202 từ tỉnh Bình Thuận. Sau khi gieo sạ thử, tôi thấy có thể đạt trên 1 tấn/công (1.000m2), tức có thể đạt tới 10 tấn/ha, nên tự nhân giống, cung cấp cho các địa phương trong tỉnh và các huyện thuộc tỉnh Trà Vinh”.
Cũng theo bà Hoa, ngoài việc cho năng suất cao, lý do người dân chọn giống này sản xuất là vì dễ sản xuất, ít sâu bệnh, đặc biệt là dễ bán cho thương lái. “Dự kiến trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm vùng sản xuất khoảng 100ha. Không riêng gì HTX của tôi mà có rất nhiều nơi nhân rộng loại lúa này để cung cấp cho người dân” - bà Hoa nói.
Dễ nhiễm sâu bệnh
Được biết, trước đây, người dân sản xuất lúa ML202 chủ yếu dùng để nuôi gà (nên người dân gọi là lúa gà), dần về sau này, có nhiều thương lái ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre biết đến và tìm mua để cung cấp cho các cơ sở sản xuất bột, làm hủ tiếu, bún, bánh canh, nấu rượu...
“Lúa ML202 có phẩm chất thấp nhưng trước mắt loại lúa này vẫn có đầu ra, không đủ số lượng cung cấp. Vì vậy, trong khi một số giống lúa chất lượng cao vẫn chưa chứng minh được tính bền vững thì khả năng nông dân mở rộng diện tích sản xuất giống lúa ML202 là điều khó tránh khỏi” – bà Hoa nhấn mạnh.
Một số nông dân sản xuất giống lúa này cho biết, dù có phẩm chất thấp, lúa ML202 có rất nhiều ưu điểm hơn cả lúa IR50404 và các giống lúa có chất lượng cao. Thế nhưng, do không lấy giống trực tiếp từ nơi sản xuất (Bình Thuận), người dân phần lớn sử dụng giống từ vụ trước để sản xuất cho vụ lúa tiếp theo, dẫn đến bị thoái hóa giống, lẫn tạp khá nhiều, kéo theo đó là tình trạng rầy nâu và một số bệnh khác xuất hiện ngày càng cao.
Tuy nhiên, theo ông Trương Tấn Được, người dân không nên mở rộng diện tích giống này vì đầu ra chưa đảm bảo, chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái. Hơn nữa nhu cầu làm bánh, làm bột đối với loại lúa này cũng không cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay, lúa ML202 đang được sản xuất nhiều ở Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Loại lúa có phẩm chất thấp này có năng suất và giá bán rất cao, cao hơn cả lúa có chất lượng cao đang được trồng ở địa phương. Vì vậy, được người dân xem như là lúa đặc sản. Song ông Liêm cũng cho rằng không thể cấm người dân sản xuất được mà chỉ không khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất.
PGS - TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng: “Không nên sản xuất lúa có phẩm chất thấp. Nếu muốn chọn giống mới thay cho IR50404 thì phẩm chất phải cao hơn để giúp cho việc tiêu thụ gạo dễ hơn”.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Cây lương thực phụ trách vùng Nam Bộ (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết, giống lúa Ma Lâm 202 là giống lúa bột nở, chỉ phù hợp với vùng đất Đông Nam Bộ nên được xác định là giống chủ lực khu vực Đông Nam Bộ. Nếu đưa vào vùng ĐBSCL sẽ phải tuân thủ các quy định về trồng theo mô hình, nếu không sẽ gây ra lẫn giống, làm ảnh hưởng tới các giống lúa hạt dài, có chất lượng cao dành cho xuất khẩu. |
(Theo Dân Việt)