Liệu Mỹ và EU có sẵn sàng chịu thiệt khi thay đổi các chính sách bảo hộ, các tiêu chuẩn chất lượng và thậm chí quan hệ với công chúng để đạt được những thỏa thuận hay không vẫn là câu hỏi cần trả lời thỏa đáng.
Trong khoảng thời gian giữa tháng 7 vừa qua, Mỹ và EU đã hoàn thành vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Mỹ và EU có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm gần một nửa thế giới, thương mại chiếm 30% toàn cầu, và đầu tư hai chiều đạt hơn 3.700 tỷ USD. Chính vì vậy, hiệp định này đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm vì một khi thành công, TTIP sẽ tạo ra khu vực mậu dịch tự do có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Lịch sử ý tưởng và động lực
Kể từ sau chiến tranh Lạnh tới nay, xu thế chung trên toàn thế giới là các quốc gia tập trung phát triển kinh tế, nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia. Với mục tiêu đó, xây dựng các Hiệp định thương mại tự do là một biện pháp hiệu quả được nhiều nước lựa chọn. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, ý tưởng về một khu vực xuyên Đại Tây Dương phi thuế quan (TAFTA) đã manh nha hình thành. Tuy nhiên, vào thời gian đó, do vẫn thiếu những động lực và quyết tâm chính trị cần thiết nên ý tưởng này không được triển khai vào thực tế.
Những định hướng về kế hoạch này được tái đề cập vào năm 2006-2007, khi Đức đương giữ chức Chủ tịch châu Âu. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2013, khi cả Mỹ và EU đang chịu những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá là trầm trọng nhất sau Thế chiến II và sự cạnh tranh đến từ các nền kinh tế mới nổi như BRICS, thì ý tưởng về một khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương mới được đưa vào triển khai trên thực tế. Mỹ và EU hi vọng rằng TTIP sẽ giúp hai bên cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra lượng lớn việc làm và duy trì ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, nhóm công tác cấp cao về việc làm và phát triển thuộc Hội đồng kinh tế xuyên Đại Tây Dương (TEC) đã đề xuất về một thỏa thuận toàn diện giữa Mỹ và EU về việc cắt giảm thuế và những hàng rào phi thuế quan như các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn đối với hàng hóa công nghiệp, hay các tiêu chuẩn vệ sinh – sức khỏe đối với các mặt hàng nông nghiệp.
Sau đó một ngày, vào ngày 12 tháng 2, Tổng thống Mỹ B.Obama, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố ý định khởi động các cuộc gặp giữa Mỹ và EU. Và vòng đàm phán đầu tiên đã được hai bên ấn định tại hội nghị thượng đỉnh G8.
Ngoài các yếu tố bên ngoài như là khủng hoảng kinh tế tác động, Mỹ và EU còn có những động lực bên trong thúc đẩy đi tới đàm phán TTIP. Nội động lực đầu tiên chính là mong muốn chung của Mỹ và EU về việc tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của hàng hóa, dịch vụ thông qua việc dỡ bỏ những rào cản thương mại. Hiện nay, thương mại hai bờ Đại Tây Dương đã được tự do hóa đáng kể, với mức thuế trung bình 4% (EU) và 3.3% (Mỹ) với hàng hóa công nghiệp, 13,9% (EU) và 5% (Mỹ) với hàng hóa nông sản [1]. Tuy nhiên, với khối lượng trao đổi thương mại song phương lớn, những tác động của thuế đối với chất lượng của trao đổi thương mại và đầu tư là không thể xem nhẹ.
Ngoài ra, trong trao đổi thương mại Mỹ - EU vẫn còn những lĩnh vực bị đánh thuế cao. EU đặc biệt đánh thuế cao trong lĩnh vực nông nghiệp (mức cao nhất là 205%), còn Mỹ thường đánh thuế cao các mặt hàng công nghiệp như vải may mặc (42%), quần áo (32%), hay đồ da – giầy dép (56%). Chính mức thuế suất cao ở một số lĩnh vực này cùng những rào cản phi thuế quan khác đang là những trở ngại ngăn cản hàng hóa Mỹ và EU thâm nhập thị trường của nhau. Do đó, TTIP được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường thông thoáng về thuế suất, cũng như các quy định để thương mại xuyên Đại Tây Dương được tăng cường.
Động lực thứ hai mà Mỹ và EU hướng tới là xây dựng những chuẩn mực mới cho các lĩnh vực như lao động, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sở hữu trí tuệ, môi trường đầu tư…Việc hai trung tâm kinh tế, thương mại hàng đầu thế giới – Mỹ và EU đàm phán FTA sẽ giúp bổ sung vào các chuẩn mực liên quan của thế giới về đàm phán thương mại quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế các nước phát triển đang gặp khủng hoảng, còn các nền kinh tế mới nổi không ngừng gia tăng vai trò, việc Mỹ và EU có thể xây dựng những luật chơi chung trong đàm phán thương mại đa phương trong tương lai sẽ giúp thương mại, đầu tư của Mỹ và EU có những lợi thế nhất định.
Vòng đàm phán đầu tiên
Trong 5 ngày đàm phán đầu tiên tại Washington D.C., mục tiêu và cách tiếp cận đối với 20 lĩnh vực mà Hiệp định TTIP bao trùm đã được Mỹ và EU xem xét và thảo luận.
Mặc dù, TTIP mới chỉ đi qua vòng đàm phán đầu tiên, nhưng những khó khăn đã xuất hiện, dự báo một quá trình đàm phán cam go phía trước. Những vấn đề gai góc đầu tiên liên quan đến nông nghiệp, bao gồm đàm phán về tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm sinh học liên quan tới thịt bò và thực phẩm biến đổi gen, và xóa bỏ cơ chế bảo hộ mà EU đang tiến hành.
Thứ hai, Mỹ muốn EU nới lỏng các quy định về bảo mật thông tin cá nhân để các công ty lớn của Mỹ như Google hay Facebook dễ dàng thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, sau vụ bê bối liên quan hoạt động do thám trực tuyến và gián điệp của Mỹ đối với các nước châu Âu, vấn đề này sẽ càng trở nên khó khăn. Thứ ba, các sản phẩm truyền thanh, truyền hình vốn là thế mạnh của Mỹ bị các nước EU, mà Pháp là nước phản đối mạnh nhất, đưa vào thương lượng. Thứ tư, lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng gặp khó khăn trong đàm phán do Mỹ muốn EU thắt chặt những quy định lỏng lẻo về lĩnh vực này.
Bên cạnh những thách thức đang chờ giải quyết, vòng đàm phán này cũng cho thấy những tiếng nói không đồng tình từ cộng đồng dân sự thông qua cơ chế đối thoại với 350 bên có liên quan đến từ các học viện nghiên cứu, các tổ chức công đoàn, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.
Các tổ chức xã hội dân sự xem TTIP như là mối đe dọa đối với việc bảo vệ lợi ích công cộng. Theo Ed Mierzwinski - chủ tọa Đối thoại Khách hàng xuyên Đại Tây Dương (TACD), diễn đàn lớn nhất dành cho các nhóm người tiêu dùng châu Âu và Hoa Kỳ, kiêm giám đốc chương trình người tiêu dùng của Nhóm nghiên cứu lợi ích công (USPIRG), việc Mỹ và EU thỏa thuận các quy định không khác gì việc ngăn không cho các nước khác, các đối tác thương mại, thậm chí Mỹ hay EU thực thi những đạo luật liên quan đến thương mại, bảo hộ mạnh hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, các tổ chức dân sự cũng bày tỏ quan ngại về việc giải quyết tranh chấp đầu tư nhà nước. Theo đàm phán TTIP giữa Mỹ và EU, về cơ bản, việc giải quyết các tranh chấp đầu tư nhà nước sẽ cho phép các công ty kiện các chính phủ mà không phải đệ đơn lên các tòa án thông thường ở Hoa Kỳ và EU. Thay vào đó, các vụ tranh chấp sẽ được đưa ra và phán quyết bởi một bồi thẩm đoàn. Quyết định của bồi thẩm đoàn này thường có tính ràng buộc và tòa án cũng không thể phủ quyết.
Theo Bernadette Ségol - Tổng Thư ký của Tổng Công đoàn châu Âu (ETUC), đại diện cho khoảng 60 triệu thành viên tại 36 quốc gia – cho rằng: cả Mỹ và EU đều là những nền kinh tế tiên tiến, dân chủ và có một hệ thống luật nội địa phát triển có thể bảo vệ một cách hoàn hảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua bồi thẩm đoàn này sẽ làm xói mòn nền dân chủ và dẫn đến tình trạng suy giảm trong bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền người lao động.
Có thể thấy nguyên nhân chính khiến TTIP được đàm phán vào thời điểm này chính là do nền kinh tế toàn cầu ảm đảm và đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng ở châu Âu đang tác động tiêu cực tới nhiều mặt tới Mỹ và EU. Cắt giảm thuế không phải là động lực chính bởi theo Philip Whyte – học giả tại trung tâm cải cách châu Âu, Mỹ và EU đã từng cố gắng hạ bớt thuế suất, nếu dễ dàng thì TTIP đã được hình thành từ lâu.
Như vậy, liệu Mỹ và EU có sẵn sàng chịu thiệt khi thay đổi các chính sách bảo hộ, các tiêu chuẩn chất lượng và thậm chí quan hệ với công chúng để đạt được những thỏa thuận hay không vẫn là câu hỏi cần trả lời thỏa đáng.
Bùi Quốc Khánh
----------------------------
Chú thích:
[1] WTO figures