Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nêu ý kiến tại hội trường, nhiều đại biểu quan tâm đến các trường hợp thu hồi đất.
Đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc thu hồi đất có nhiều khiếu nại do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.
Do vậy, theo đại biểu, việc sửa đổi lần này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Ông Trần Nhật Minh chỉ rõ, điều 86 của dự luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với luật hiện hành, quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.
Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Trung ương, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.
Xem xét thấu đáo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp
Cùng vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và mọi người dân.
Đại biểu đoàn Kon Tum dẫn báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.
“Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước. Nhưng họ sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người mà lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm”, đại biểu Tô Văn Tám nói.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Đại biểu đoàn Kon Tum đề nghị tiếp cận theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi.
Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị xem xét thấu đáo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
"Cần phải nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân giới hạn ở mức độ nào, thỏa thuận về những vấn đề gì, có đề cập đến vấn đề thỏa thuận về chuyển nhượng quyền sử dụng”, đại biểu Phan Thái Bình nói.
Đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị cân nhắc rất kỹ để thể chế hóa chủ trương này, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động.
Lê Diệu Thúy, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Trần Chung