Đây cũng là lý do Bộ VHTT&DL mới đây tổ chức Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trên cả nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xếp hạng hơn 10.000 di tích. Bộ VHTTDL xếp hạng 3.591 di tích cấp quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Với di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật, trong đó 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét tuyển.
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ IX, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 21 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 13 năm sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ, thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Tuy nhiên, thực tiễn đang diễn ra trong lĩnh vực di sản đòi hỏi Luật Di sản văn hóa phải sửa đổ để bắt kịp sự thay đổi của xã hội và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản của văn hóa dân tộc.
Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Mục đích xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo tính phù hợp, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Xây dựng chính sách về xã hội hóa để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển, giữa quốc gia và quốc tế, giữa các vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền chủ thể, quyền con người, vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột.
Đối với di sản tư liệu, đây là chính sách mới, lần đầu tiên được đưa vào Luật Di sản văn hóa. Di sản tư liệu là sản phẩm mang thông tin từ những ký hiệu, mật mã, âm thanh hoặc hình ảnh, phản ánh thành tựu tiêu biểu của lịch sử, tư tưởng, văn hóa và khoa học một đất nước, dân tộc. Đến nay, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị di sản này còn chưa có, lĩnh vực quản lý còn chồng chéo, cần sớm xây dựng chính sách quản lý thống nhất.
Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ VHTTDL đánh giá tác động của 3 chính sách: 1 - Hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; 2 - Hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; 3 - Hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.
Thu Hằng, Ngọc Quý, Văn Công