UB Thường vụ QH sáng nay họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Chính phủ đã trình QH mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).

{keywords}
Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh

Quá trình thảo luận, có ý kiến tán thành và không tán thành. Vì vậy, Thường trực UB Về các vấn đề xã hội đề xuất 2 phương án báo cáo UB Thường vụ QH.

Phương án 1, giữ như quy định của bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ (từ trên 200 giờ đến 300 giờ).

Phương án 2, quy định như dự thảo Chính phủ trình QH tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong 1 năm.

Theo bà Thuý Anh, đa số ý kiến thành viên UB nhất quán quan điểm không tán thành tăng giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Tăng giờ làm thêm, lo nhiều phụ nữ khó đi tìm bạn đời

Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Việt Nam là 1/46 nước có 48h làm việc/tuần, thuộc nhóm nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới.

Qua nghiên cứu, thời gian làm việc càng kéo dài thì nguy cơ tai nạn lao động tăng lên và năng suất lao động thấp đi.

Ông dẫn thống kê của Bộ Y tế, sau 5 năm tỷ lệ số người đang sức khỏe loại 1 chuyển sang loại 4, loại 5 tăng lên hơn 8,5%. Số người nghỉ phép vì lý do sức khỏe của Bộ Y tế tăng lên gần 1,5 lần sau 7 năm.

“Cùng với đó là những hệ lụy như họ không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, nhiều phụ nữ không có điều kiện đi tìm bạn đời, con cái phải gửi ở quê, con mắc bệnh tự kỷ, suy dinh dưỡng.

Chúng tôi đề nghị QH hết sức quan tâm đến sức khoẻ và tâm trạng của người lao động”, ông Hiểu nói.

Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng chia sẻ, không hiểu sao Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển cao như vậy mà họ vẫn học thêm, làm thêm nhiều hơn ở ta.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng

“Tôi không hiểu vì sao các nhà khoa học, viện nghiên cứu ở ta khoảng 9h mới đến; ở họ khoảng 9h làm việc thì 8h30 đã đến đứng xếp hàng dài dằng dặc, vừa đứng ăn vừa xếp hàng để vào làm việc. Nếu một người đàn ông Nhật Bản đi làm về đúng giờ thì vợ sẽ hỏi sao lại về sớm vậy”, ông Dũng dẫn câu chuyện.

Theo ông, dù có mức sống rất cao nhưng họ không vừa lòng với những gì đã đạt được.

"Nếu trong 5-7 năm chúng ta gắng hết sức, cả nước đồng lòng làm việc kiệt sức bằng hết khả năng mà ta có để đạt được những mục tiêu mà chiến lược phát triển đã đặt ra, sau khi đạt được một mốc nhất định sẽ quay trở về xu thế chung”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định, việc tăng giờ làm thêm là không thể được, thậm chí phải nghĩ tiếp tới việc giảm vì đó là xu thế.

Bà cho rằng, nếu đi làm liên tục, tăng ca thì sẽ gây áp lực lên đời sống của người công nhân. Họ không được thụ hưởng thành quả của xã hội do chính họ góp phần làm nên.

“Tại sao những vụ bạo lực gia đình, sự xuống cấp của xã hội như chồng giết vợ, anh giết em có nguồn gốc từ những việc lao động quá sức, căng thẳng như thế này?”, bà Hải nêu vấn đề.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho hay, câu chuyện mà ông Phan Xuân Dũng nhắc đến rằng ở nước ngoài chồng về sớm mà vợ ngạc nhiên là văn hoá của nước họ.

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng

Còn chúng ta yếu tố gia đình là yếu tố xã hội, văn hoá của đất nước ta phải phù hợp, còn đảm bảo duy trì nòi giống và dân số Việt Nam, bảo đảm bình đẳng giới…

“Nhiều nước lao động cật lực như thế, thu nhập thì cao nhưng tình yêu người ta cũng bằng robot thôi, không sinh đẻ, không lập gia đình, chúng ta có theo hướng đó không?”, Phó Chủ tịch QH đặt vấn đề.

Theo bà, luật phải quy định làm sao khả thi, bảo vệ được quyền lợi của người lao động.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại ý kiến đa số của các thành viên UB Thường vụ QH là không muốn tăng giờ làm thêm, nhưng do Chính phủ “tha thiết” phương án tăng giờ làm thêm do có nhu cầu thực tế từ cả người lao động và người sử dụng lao động, bà đề nghị trình cả 2 phương án ra QH để xin ý kiến.

Hương Quỳnh

Đề xuất thêm 3 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9

Đề xuất thêm 3 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm, gắn vào dịp khai giảng, quốc khánh.