Khi người thẩm phán tuyên án treo trái pháp luật cho người nhà cấp trên, ông biết mình đang làm sai pháp luật. Nhưng ông coi trọng hình ảnh của mình với cấp trên hơn là công lý.  

“Mùa pháp luật” không trọn vẹn

Ngày 9/11 hàng năm được chọn là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Trước đó một tháng, giới luật sư cũng long trọng kỷ niệm ngày Luật sư Việt Nam 10/10. Tháng 9 có ngày 13/9 là Ngày Truyền thống của ngành Tòa án, đồng thời cũng là tháng thi đua để ngành chốt thành tích và số liệu báo cáo tòa án cấp trên làm cơ sở đánh giá đơn vị và thẩm phán. Nhiều người gọi ví von khoảng thời gian này là “mùa pháp luật” của Việt Nam.

Thế nhưng, “mùa pháp luật” năm nay dường như không được trọn vẹn, khi liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng buồn liên quan đến ngành tư pháp. Một tuần trước Ngày Pháp luật, sự kiện hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội khiến dư luận bức xúc. Hình ảnh người luật sư bê bết máu khi thi hành phận sự của mình lay động xã hội.  

Dù rằng Công an thành phố Hà Nội đã tích cực vào cuộc để bước đầu tìm ra những kẻ gây án, nhưng dư luận vẫn có điều gì đó bất an về kết luận ban đầu. Có lẽ vì thời điểm xảy ra vụ việc nhạy cảm quá? Hay là vì địa điểm xảy ra vụ việc cũng nhạy cảm?  

Trước đó một tháng, một phạm nhân bị bạn tù đánh chết trong trại tạm giam. Còn ở một huyện nọ, người thẩm phán bất lực tuyên bản án treo cho người thân của cấp trên, với lời thú nhận rằng ông tin bản án của mình sẽ bị hủy ở phiên phúc thẩm, viên công an huyện dùng nhục hình với một nữ công nhân nhưng chỉ bị giáng cấp. Những sự thật “xấu xí” đó khiến người ta không thể không đặt câu hỏi về con đường trở thành quốc gia pháp quyền của VN.

{keywords}

Luật sư Lê Văn Luân và luật sư Trần Thu Nam

Pháp quyền không phải khẩu hiệu

Pháp quyền là gì thì ít ai định nghĩa được. Trong tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem pháp quyền là rường cột của mọi điều: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tức là pháp quyền là mọi điều phải do pháp luật quy định. Hiến pháp 1992 và 2013 cũng tái khẳng định lại bản chất Nhà nước chúng ta là Nhà nước pháp quyền. Tuy vậy, xã hội càng phát triển thì người ta càng hiểu rằng “pháp quyền” không phải là một khẩu hiệu, càng không phải là một điều luật vô tri vô giác.

Nhiều người lầm tưởng rằng pháp quyền là do Nhà nước mang lại. Song, đây không phải là việc của riêng Nhà nước. Pháp quyền là một cảm giác, một giá trị mà xã hội phải theo đuổi. Khi một người xả rác nơi công cộng, chúng ta hay nói về vấn đề văn minh. Ít ai nhìn nó theo lăng kính pháp luật để hiểu rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật, tức không coi trọng pháp quyền.

Một xã hội mà khi bị vướng vào vòng pháp luật, việc đầu tiên nhiều người nghĩ đến là "chạy án", hay khi bị CSGT bắt, lại nghĩ ngay đến việc hối lộ để cho qua, thì chắc chắn còn những bất ổn.  

Nguy hiểm hơn cả vẫn là sự không tôn trọng pháp quyền đến từ phía cơ quan Nhà nước. Nhìn nhận một cách công bằng, trong cái rừng luật mà chúng ta có, vẫn có những cây rất tươi tốt, rất tiến bộ, rất sáng ngời. Vậy tại sao bất công vẫn xảy ra?  

Bất công xảy ra khi người ta dùng pháp luật để bao che cho nhau, cho những cái sai trong khi lại nghiêm khắc với dân thường. Khi đó, pháp luật trở thành công cụ để làm điều bất công chứ không phải để kiến tạo công lý, xây dựng pháp quyền.  

Khi người thẩm phán tuyên án treo trái pháp luật cho người nhà cấp trên, ông biết mình đang làm sai pháp luật. Nhưng ông coi trọng hình ảnh của mình với cấp trên hơn là công lý. Khi viên công an dùng nhục hình, ông coi trọng thành tích phá án hơn là quyền con người. Và khi vị chủ tịch xã bổ nhiệm bà con vào bộ máy của xã mà không qua quy trình, tức là ông đặt cái quyền lực của mình ở địa phương lên trên tất cả những giá trị pháp quyền. 

Có người nói, làm luật sư ở Việt Nam rất khó, vì dường như cả dân lẫn quan vẫn chưa thực sự coi trọng pháp luật và không ít khi xem luật sư như "cầu nối phi pháp" để được việc mình.

Sự cố chấp với công lý

Vậy thì chúng ta đang tôn vinh cái gì trong “mùa pháp luật”? Có lẽ điều duy nhất nên tôn vinh chính là niềm hy vọng không ngừng vào một giấc mơ pháp quyền. Vẫn còn đó những vị luật sư, thẩm phán, những nhà hoạt động vô danh và thầm lặng vì một xã hội thượng tôn pháp luật. Xã hội pháp quyền sẽ được xây dựng từ những con người dám dấn thân ấy.  

Một câu chuyện đẹp trong “mùa pháp luật” là nỗ lực của rất nhiều luật sư để “giải cứu” tử tù Lê Văn Mạnh. Những người làm điều đó không đòi hỏi một sự vinh danh hay một đền đáp vật chất nào, mà chỉ để ngăn ngừa nguy cơ xã hội phải chứng kiến một bản án oan không gì cứu vãn được.  

Còn gì đẹp hơn là hình ảnh người luật sư nỗ lực hết sức bào chữa cho thân chủ giữa một đám đông cuồng loạn đòi giết, đòi bắt. Còn gì cao quý hơn hình ảnh vị thẩm phán bất chấp áp lực từ bên ngoài để tuyên một bản án vì công lý. Đó chính là những hình ảnh chúng ta phải tôn vinh.  

Ngày Pháp luật Việt Nam không phải là ngày để tuyên truyền pháp luật, vì pháp luật phải mang bộ mặt con người. Chúng ta không thiếu những người tốt trong ngành tư pháp, nhưng lại quá thiếu những câu chuyện về sự “cố chấp” với công lý của họ. Vì còn ai có thể hiện thực hóa giấc mơ pháp quyền nếu không phải là những con người cố chấp ấy?

Lê Nguyễn Duy Hậu 

Tối 9/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức lễ hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam với chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: hiện tượng “đói pháp luật”,“nhờn luật”, “coi thường pháp luật”... vẫn còn khá phổ biến. Đây là nghịch lý, là sự cản trở khi việc tìm hiểu và sử dụng đúng pháp luật, thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đã trở thành nhu cầu tất yếu, bắt buộc và thiết thân trong đời sống xã hội và đối với mỗi người.