- Trao đổi bên lề lễ kỷ niệm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam hôm nay (16/10), Chủ tịch Liên đoàn luật sư VN Lê Thúc Anh khẳng định: Luật sư VN sẵn sàng tham gia các phiên tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
>> Thủ
tướng: Luật sư cần phụng sự công lý
>> Hàng
ngàn lượt người được trợ giúp pháp lý miễn phí
>> Cơ
hội lịch sử gõ cửa nghề luật sư Việt Nam
- Kỷ niệm ngày truyền thống luật sư VN, trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trong chia sẻ của người trong ngành đều nhấn mạnh vai trò của luật sư trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông, các luật sư Việt Nam cần chủ động làm gì để tham gia tích cực hơn vào công việc này?
Đất liền cũng như biển đảo đất nước là chủ quyền thiêng liêng mà cha ông để lại, bảo vệ là trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là giới luật sư.
Liên đoàn luật sư VN đã thành lập một ban biển đảo để nghiên cứu về mặt pháp lý, khi được Chính phủ yêu cầu, chúng tôi sẽ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, căn cứ pháp luật và thông lệ quốc tế. Nếu cần thiết phải tham gia những phiên tòa quốc tế thì các luật sư Việt Nam cũng sẵn sàng.
Vừa rồi chúng tôi đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, trang bị cho đội ngũ luật sư các kiến thức về biển. Trong hai năm gần đây, trước các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, Liên đoàn luật sư VN cũng đã có hai bản tuyên bố được nhân dân ủng hộ, hoan nghênh.
Luật sư Lê Thúc Anh: Người dân khi có khó khăn về pháp lý cứ mạnh dạn nhờ luật sư. Ảnh: Chung Hoàng |
Tư vấn, bào chữa miễn phí cho người nghèo
- Ông nhận định thế nào về tình trạng hiện nay vẫn còn nhiều án oan sai và giới luật sư phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã nói: Phán quyết của tòa phải dựa trên cơ sở kết qủa tranh tụng tại phiên toà. Muốn tranh tụng tốt thì phải có sự bình đẳng giữa luật sư và kiểm sát. Tòa phải chú ý, ghi nhận và xem xét, không chỉ ý kiến của Viện kiểm sát mà còn ý kiến của luật sư bảo vệ thân chủ của mình, tránh oan sai.
Trong việc xây dựng pháp luật tố tụng, chúng tôi đã và đang vận động để có một chương riêng về luật sư. Có nghĩa là đã đụng chạm đến quyền tự do của người dân là phải có luật sư.
Ở Việt Nam, cũng như các nước, công dân khi bị bắt cần có quyền im lặng và yêu cầu luật sư, vì đó là những trường hợp người dân hoang mang, thiếu bình tĩnh, không đủ sáng suốt để tự bảo vệ mình, có thể nói những điều không chính xác, bất lợi.
- Thực trạng hiện nay là người dân chưa nghĩ ngay đến luật sư khi có những tranh chấp pháp lý, thay vào đó lại gia tăng việc "tự xử", tìm đến "cò" hay các mối quan hệ thân quen. Là một luật sư, ông nghĩ thế nào về tình trạng này?
Ở Việt Nam, người dân chưa thấy hết vai trò quan trọng của luật sư. Cần tuyên truyền để nâng cao vị thế của luật sư, đồng thời chính bản thân các luật sư phải rèn luyện về năng lực trình độ và phẩm chất đạo đức để người dân, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp tin tưởng, tự thấy cần luật sư như cần bác sĩ. Bác sĩ phòng, chữa bệnh, luật sư phòng, tránh những rủi ro về pháp luật.
Tôi đề nghị bà con, cô bác, khi có vấn đề liên quan đến pháp luật, cần tư vấn thì cứ mạnh dạn nhờ đến luật sư. Với những gia đình khó khăn, chính sách, người nghèo, chúng tôi sẽ tư vấn và bảo vệ họ miễn phí. Luật sư là người hiểu pháp luật, sẽ giúp việc bảo vệ quyền lợi cho người dân thuận lợi hơn.
Tôi cũng khuyên người dân không nên tìm đến "cò", vì việc đó làm tệ nạn tham nhũng tăng lên, vừa mất tiền mà sự thật lại không được bảo vệ.
Chung Hoàng