Sau khi thông tin bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú Hà Nội) bị ngã xuống vực trên đỉnh núi Yên Tử vào ngày 27/4 rồi được cứu vào ngày 3/5 được đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng việc này không có thật, là chuyện bịa đặt.

Cư dân mạng đặt ra giả thuyết, tại sao sau khi bị rơi xuống vực không gọi điện cho đoàn đi cùng hay người thân để nhờ trợ giúp. Hay người nhà sau khi thấy bà Liên nhiều ngày không liên lạc sao không trình báo cơ quan công an...

Lý giải việc này, Trưởng ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử ông Lê Tiến Dũng khẳng định chuyện bà Liên rơi xuống vực mắc kẹt 7 ngày rồi được cứu sống là có thật 100%.

Thời điểm bà Liên được lực lượng chức năng cứu lên khỏi vực sâu

Theo ông Dũng, qua xác minh từ hệ thống camera và bán vé tham quan, cáp treo thì bà Liên mua vé ngày 27/4, hệ thống camera cũng ghi lại cảnh bà Liên đi qua cổng rồi vào trong sân của ga cáp treo.

"Lấy tư cách của Trưởng ban quản lý rừng và di tích Yên Tử, tôi khẳng định chuyện bà Liên bị rơi xuống vực rồi được cứu sống sau 7 ngày là có thật 100%, phía gia đình bà Liên cũng khẳng định có đơn trình báo mất tích tới cơ quan công an", ông Dũng nói.

Qua lời kể chi tiết của bà Liên, ngày 27/4 bà có tới danh thắng Yên Tử để chiêm bái, khi tới khu vực cổng bà mua chai nước và gói cơm cháy, bánh gạo để vào một túi đen khoác trên vai . Lúc này, bà đem theo hai túi, một để thức ăn, nước uống, một để điện thoại và ví tiền, đồ dùng cá nhân.

Khu vực nơi bà Liên bị rơi xuống ở đỉnh Yên Tử (Ảnh: Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cung cấp)

Sau khi từ chùa Đồng đi xuống vài chục mét, bà Liên bị tụt huyết áp nên ngồi nghỉ ở một phiến đá, khi đứng dậy để đi tiếp thì choáng váng rồi ngã xuống vực phía sau và ngất đi.

Khi tỉnh dậy, bà Liên thấy khu vực mình ngã có cây, cỏ khô nên chỉ bị trầy xước da. Tiếp đó, khi cố leo lên bà lại bị rơi xuống thêm một đoạn nữa, phía dưới có rừng trúc nên  phần nào đỡ cho bà Liên tránh chấn thương. Trong lần 2 bị ngã, túi đồ đựng điện thoại và ví tiền bị rơi mất xuống vực, chỉ còn lại túi vải màu đen đựng đồ ăn và nước uống.

Lúc này, bà Liên kêu cứu nhưng do quá mệt và thời tiết có mưa nên không ai nghe thấy. Khu vực bà Liên mắc kẹt có mỏm đá nên giúp bà tránh mưa, gió.

Bà Liên dùng gói cơm cháy và chai nước để ăn cầm cự, đồng thời dùng vỏ nước ngọt bằng kim loại gõ liên tục vào vách núi tạo tiếng kêu nhằm gây sự chú ý cho người phía trên.

Bà Liên dùng túi nilon, áo mưa trùm vào người để tránh muỗi, mưa rét

Đến ngày thứ 3, khi thấy lượng đồ ăn đần hết, bà Liên chia nhỏ những miếng cơm cháy, bánh gạo còn lại để ăn ít đi, đồng thời nhổ cây dương xỉ và lạc tiên để ăn. Nước uống bà Liên bới trong rác và những chai nước còn thừa được vứt xuống vực trước đó, nếu nước còn sạch bà dồn lại vào 1 chai để uống.

Nhằm tránh muỗi và mưa gió vào ban đêm, bà Liên lấy túi nilon, áo mưa rách ở trong đống rác để quấn lên người giữ ấm.
Ngày 3/5, khi nghe thấy có tiếng người phía trên, bà Liên hô to và dùng chai nước bằng kim loại gõ vào vách núi. Nhân viên của Công ty CP phát triển Tùng Lâm - Legacy Yên Tử nghe thấy đã báo cho lực lượng chức năng và hỗ trợ công tác cứu hộ.

Bà Liên được lực lượng cứu hộ cõng xuống núi

Sau 1 tiếng đu dây xuống, bà Liên đã được cứu trong tình trạng sức khoẻ yếu vì thiếu thức ăn nên lực lượng chức năng phải cõng xuống núi để chăm sóc. Cùng ngày 3/5, sau khi sức khoẻ ổn định, bà Liên đã được người nhà đón về Hà Nội.

Sau khi được chăm sóc, sức khoẻ bà Liên đã ổn định

"Rất may ở khu vực nạn nhân mắc kẹt không có rắn độc, bản thân bà Liên cũng có kiến thức trong việc sinh tồn nên việc sống sót được trong khoảng thời gian như vậy. Khu vực bà Liên bị ngã xuống cách đây 2 năm cũng có 1 người đàn ông gặp nạn và cũng được cứu", Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết.

Phạm Công