Để trả thù hành động bắt giữ hacker 19 tuổi của cảnh sát Anh, đồng thời để khẳng định với dư luận rằng họ vẫn "hoạt động bình thường" trước nghi vấn hacker kia chính là đầu não của nhóm, LulzSec lại ra tay tấn công.





Nạn nhân mới nhất của LulzSec chính là chính phủ Brazil. Sau khi thông điệp cảnh báo được LulzSec Brazil phát đi trên Twitter, hai tên miền chính phủ là presidencia.gov.br và Brasil.gov.br đều đã bị tấn công từ chối dịch vụ và không thể truy cập được.

Hôm qua, cảnh sát Anh đã bắt giữ một thanh niên 19 tuổi với lý do "tham gia vào các đợt tấn công và lừa đảo trực tuyến". Báo chí Anh tình nghi thanh niên này chính là một trong những ông "trùm" của LulzSec. Mặc dù vậy, phía cảnh sát từ chối xác nhận mối liên hệ giữa nghi can với LulzSec.

Về phần mình, LulzSec phản ứng trước vụ bắt giữ bằng việc post bài lên Twitter thông báo nhóm "vẫn đang hoạt động bình thường". Đương nhiên, thông điệp là thế nhưng giọng văn mai mỉa và châm chọc hơn nhiều. "Có vẻ như thủ lĩnh vinh quang của LulzSec đã bị bắt. Thế là hết. Hết thật rồi ư? Không đâu, chúng tôi vẫn còn đây. Họ bắt nhầm phải kẻ khốn khổ nào vậy?".

Theo các chuyên gia bảo mật, việc xác định nghi can có phải là thủ lĩnh của LulzSec hay không là công việc cực khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Cũng giống như nhóm hacker Anonymous khét tiếng, LulzSec là tập hợp của nhiều cá nhân hacker riêng lẻ, phối hợp với nhau mà không cần đến một hệ thống đầu não chỉ huy rõ ràng.

Ngoài ra, hãng bảo mật Symantec dự đoán, không loại trừ khả năng trong vài ngày tới, các vụ tấn công của LulzSec sẽ leo thang dồn đập để "tung hỏa mù" trước dư luận về việc đầu sỏ của nhóm bị bắt.

Thời gian gần đây, LulzSec hoạt động rất "tích cực" sau khi xuất hiện đột ngột như từ trên trời rơi xuống. Tháng trước, nhóm này tấn công PBS, post lên một bài báo giả khẳng định rapper quá cố Tupac Shakur vẫn còn sống. Sau đó, LulzSec công bố mật khẩu PBS lên mạng web. Nhóm này cũng nhận trách nhiệm tấn công Sony, Nintendo, Bethesda Software và Infragard, một đối tác của FBI.

Nhóm cũng bắt đầu chú ý đến các mục tiêu Chính phủ khi tấn công website của Thượng viênu Mỹ và công bố thông tin trong máy chủ Thượng viện lên mạng. Đầu tháng 6, nhóm khẳng định chính mình đã hạ gục website của Cục Tình báo Trung Ương Mỹ CIA.

Có một điều rất dễ nhận thấy là LuzSec ngày càng tự tin vào khả năng "đánh đâu thắng đó" của mình. Nhóm còn đi quá xa tới mức công bố đường dây nóng để các fan trên Twitter có thể gọi đến và yêu cầu mục tiêu cần bắn hạ. Trong ngày hoạt động đầu tiên, LulzSec cho biết đường dây nóng đã nhận được 5000 cuộc gọi nhỡ và 2500 thư thoại.

Những hành động có phần ngông cuồng này, cùng với tên gọi của nhóm, khiến người ta cho rằng LulzSec làm tất cả chỉ để "vui vẻ" và khiến các mục tiêu phải "muối mặt một phen". Tuy nhiên, đến ngày hôm qua thì nhóm đột nhiên trở nên nghiêm túc khi tuyên bố sẽ bắt tay cùng Anonymous để hạ gục website các cơ quan chính phủ, ngân hàng và tổ chức quốc tế khác, trong một chiến dịch có tên "Chống lại Bảo mật - AntiSec" toàn cầu.

Trọng Cầm (Theo CNET)

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ NÓNG TẠI ĐÂY