Cách trung tâm huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai 7 km, sau khi sáp nhập thêm xã Lầu Thí Ngài, xã Lùng Phình có tổng diện tích tự nhiên 40,08 km2. Diện tích rộng nhưng do địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn nên quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp không nhiều. Xã có 694 hộ, 3.262 nhân khẩu. Lùng Phình có rất nhiều ruộng bậc thang chạy khắp các ngọn đồi uốn lượn, nép mình dưới sườn núi.
Quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao là nội dung được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lùng Phình khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra. Dựa trên chủ trương đó, thời gian qua người dân Lùng Phình đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả, qua đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Khá nhiều diện tích trồng ngô kém hiệu quả của xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà giờ đây đã được chuyển sang trồng cây dược liệu với các loại cây như: Đương quy, cát cánh, atiso. Ở thôn Lùng Phình có 107 hộ thì có tới hơn 60% số hộ trong thôn tham gia trồng cây dược liệu, chủ yếu là đương quy. Với hiệu quả kinh tế của cây dược liệu, xã Lùng Phình đang tích cực chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các chi bộ thôn tích cực vào cuộc để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân đẩy mạnh phát triển mô hình.
Cùng với phát triển cây dược liệu, nhiều hộ dân ở Lùng Phình đã bắt đầu quan tâm mở rộng diện tích cây ăn quả. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, nhận thấy cây mận Tả Van, cây lê khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, giá cả ổn định nên số hộ chuyển đổi sang trồng các loại cây này ngày một tăng.
Không dừng lại ở đó, phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, xã Lùng Phình tích cực kêu gọi, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thông qua đó, nâng cao giá trị canh tác, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Triển khai trên quy mô 5 ha từ năm 2020, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình đầu tư làm nhà màng, chuyên trồng các loại rau như: su hào, bắp cải, dưa chuột và gần đây là một số loại rau quả mới, có giá trị cao như dâu tây, cải Kale... tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, cùng với mở rộng quy mô, HTX chủ động đăng ký, cấp xác nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện ký kết hợp đồng tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị tại Thành phố Hà Nội, thành phố Lào Cai.
Chủ tịch UBND xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà Đỗ Anh Sơn, cho biết: “Địa phương cũng đã kêu gọi các đơn vị, các hợp tác xã lên đóng trên địa bàn địa phương và cũng kêu gọi các đơn vị có chuyên môn có tiêu thụ các sản phẩm về rau lên địa phương thuế đất và chuyển giao công nghệ cho bà con Nhân dân trong xã”.
Ông Sơn tin tưởng, việc thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở những vùng có lợi thế về đất đai, khí hậu như Lùng Phình không chỉ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương, giúp giảm nghèo bền vững cho bà con vùng cao.