Năm 2020 là năm cuối thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020 theo các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, của Quốc hội khóa XIII và cũng là năm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực phụ trách.

Do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai, bão lũ gây ra nhiều hậu quả nặng nề... trong tình hình đó, hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bị ảnh hưởng nhất định, nhiều kế hoạch hoạt động bị tạm hoãn, tạm hủy... Vậy Ủy ban đã chủ động điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với diễn biến tình hình thực tế như thế nào? Mời quý vị và các bạn cùng nghe những chia sẻ với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam của Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, năm 2020 sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các lĩnh vực chủ yếu do Ủy ban phụ trách đã chịu tác động trực tiếp và khá nặng nề, từ chăm sóc sức khỏe nhân dân đến lao động, việc làm, thất nghiệp… Vậy Ủy ban đã phát huy vai trò chức năng như thế nào để tham gia vào vấn đề xã hội này?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Ngay từ cuối khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, đã phối hợp với Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi rút Corona gây ra để theo dõi và cập nhật thông tin, tình hình về dịch bệnh COVID-19.

Qua theo dõi diễn biến dịch bệnh và tình hình xã hội, chúng tôi đã báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số ý kiến nhận định sơ bộ về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số lĩnh vực xã hội, đồng thời tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở đánh giá, Ủy ban đã đưa ra những kiến nghị với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa ra những chính sách nhằm kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe tốt cho toàn bộ người dân trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã tiến hành giám sát thực tế một số cơ sở y tế tại tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch và chia sẻ với những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại 06 tỉnh, thành phố (Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Nam, Tây Ninh, Hải Phòng, Bến Tre) gặp khó khăn do đại dịch và thiên tai, bão lũ.

Phóng viên: Năm 2020 là năm cuối thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, Chủ nhiệm chia sẻ rõ hơn về những dấu ấn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban trong năm vừa qua?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhất là những thách thức rất lớn từ tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu nhưng trong thời gian qua Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã nỗ lực hết mình triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm thúc đẩy Chính phủ thực hiện đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 như: tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, trung bình mỗi năm giảm 1,4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,28%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 34%; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 28,0 giường; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 ước đạt 90,7%.

Trong năm 2020, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được Quốc hội giao trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách, trọng tâm là hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Về xây dựng pháp luật, thẩm tra 05 dự án Luật, 01 dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và 01 đề nghị xây dựng nghị định về bảo hiểm vi mô. Đặc biệt, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội (với tỷ lệ tuyệt đối 100%) nên đã được thông qua ngay tại một kỳ họp thay vì quy trình hai kỳ họp như thông lệ.

Ủy ban đã tổ chức các phiên họp thẩm tra và chính thức gửi văn bản thẩm tra về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và tham gia, phối hợp thẩm tra đối với 12 dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội. Phối hợp thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

{keywords}
Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trong hoạt động giám sát, Ủy ban đã tổ chức giám sát chuyên đề tại 10 tỉnh, thành phố về Kết quả 6 năm (năm 2015, giai đoạn 2016-2020) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và một số nội dung khác thuộc phạm vi Ủy ban phụ trách; chủ trì thẩm tra 05 báo cáo của Chính phủ theo quy định của Luật; tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Ủy ban đã đề xuất những kiến nghị, giải pháp quan trọng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến các mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Ủy ban đã tiến hành các hoạt động chuẩn bị nhiều nội dung khác liên quan đến các hoạt động phục vụ Đảng đoàn Quốc hội, hoạt động đối ngoại và các hoạt động xã hội khác.

Năm 2020 cũng là một năm quan trọng và đặc biệt đối với Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch AIPA cũng như Quốc hội Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã phối hợp Ủy ban Đối ngoại tổ chức thành công Hội nghị của Hội đồng tư vấn AIPA về phòng, chống ma túy lần thứ 3 (AIPACODD 3), Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA), Phiên họp của Ủy ban Xã hội bằng hình thức trực tuyến và đã nhận được Thư khen của Chủ tịch Quốc hội.

Phóng viên: Năm 2021, Ủy ban sẽ chính thức đổi tên từ “Ủy ban về các vấn đề Xã hội” sang “Ủy ban Xã hội”, Chủ nhiệm cho biết sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc đổi tên lần này theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Ngày 19/6/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH được QH khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Đây là đạo luật này tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhằm bảo đảm hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn.

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và đổi tên Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội có hiệu lực thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Việc đổi tên gọi của hai ủy ban bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các Ủy ban. Ủy ban tuy được đổi tên mới nhưng nhiệm vụ, quyền hạn vẫn được thực hiện đầy đủ theo Luật tổ chức Quốc hội. Do đó, Ủy ban chỉ phải cùng với Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị về thủ tục hành chính cho việc thay đổi này như việc chuẩn bị con dấu, thông báo đến các cơ quan hữu quan…

Phóng viên: Năm 2021 là năm diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban sẽ tập trung các nhiệm vụ trọng tâm gì để phục vụ hoạt động quan trọng này?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Mục tiêu đặt ra cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ngày 23 tháng 5 tới đây, theo Luật Bầu cử, phải có ít nhất 35% số người được giới thiệu là nữ. Đây thực sự là một thách thức rất vì mấy nhiệm kỳ gần đây đề đặt ra tỷ lệ nhưng đều đạt được còn thấp so với tỷ lệ đặt ra.

Với tư cách là Ủy ban được giao nhiệm vụ phụ trách  lĩnh vực giới, đây là một trong các lĩnh vực hoạt động quan trọng của Ủy ban và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Một trong  các mục tiêu cơ bản của thúc đẩy bình đẳng giới là việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp. Để góp phần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội , đại biểu hội đồng nhân dân là nữ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng như việc chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ trước, Ủy ban sẽ tham gia phục vụ hoạt động bầu cử, trong đó chú trọng các hoạt động nâng cao kỹ năng cho nữ ứng cử viên, thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động bầu cử.

Theo thông lệ, trước mỗi kỳ bầu cử, Ủy ban dự kiến sẽ tổ chức các Hội nghị các khu vực để tập huấn kỹ năng cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Mục tiêu của các Hội nghị này là cung cấp thông tin cơ bản, cần thiết cho nữ ứng cử viên và tạo diễn đàn trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm, kỹ năng về vận động tranh cử giữa các đại biểu Quốc hội và các nữ ứng cử viên và thực hành các kinh nghiệm và kỹ năng.

Các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các báo cáo viên là đại biểu Quốc hội hoặc cựu đại biểu Quốc hội sẽ được mời đến để chia sẻ kinh nghiệm với các ứng cử viên.Hi vọng rằng, Ủy ban sẽ góp phần bé nhỏ của mình vào thành công của cuộc Bầu cử, góp phần bảo đảm tỷ lệ ứng cử viên và nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ XV.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm! Nhân dịp đầu năm mới, kính chúc Chủ nhiệm sức khoẻ! Kính chúc Uỷ ban gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!