Giữa hàng loạt vấn đề nóng: nợ xấu, tái cơ cấu, lãi suất… Thống đốc Nguyễn Văn Bình luôn có những chuyến công tác địa phương. Trước yêu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh từ thực tế, Thống đốc thường quyết luôn và quyết ngay tại chỗ. Riêng nông nghiệp- nông thôn, ông Bình tự tin vốn ngân hàng (NH) luôn sẵn sàng, chỉ chờ địa chỉ để giải ngân.

“Làm luôn trong tháng đi”

Chuyến công tác Đăk Nông mới đây, khi lãnh đạo địa phương đề cập nguồn vốn ODA 90 tỷ giải ngân qua Agribank được thông báo nhưng chưa có tiền; ngay lập tức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu Tổng giám đốc Agribank đứng lên trả lời.

Đại diện Agribank cho biết, nguồn vốn ưu đãi này mới được Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục để chuyển về NH giải ngân cho địa phương. Trước thực tế này, ông Bình yêu cầu Agribank, khi có tiền về giải ngân ngay cho các địa phương.

“Nếu có tiền về thì có thể làm luôn trong tháng 4”, Thống đốc Bình yêu cầu.

{keywords}
Thống đốc cam kết, vốn cho nông nghiệp luôn sẵn sàng.

Cũng tại Đăk Nông, câu chuyện nóng là khoản nợ quá hạn của Công ty Cà phê Đức Lập. Ông Bình đã truy ngay các lãnh đạo NH thương mại để xem NH nào còn dư nợ và cách xử lý.

Cập nhật thông tin tại cuộc họp, Vietcombank dự nợ 16 tỷ đồng đã bán Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), Vietinbank cũng đã bán 15 tỷ đồng cho DATC. Còn món nợ 10 tỷ đồng của Agribank đã khoanh lại 2 năm và sẽ miễn lãi.

Ông Bình chỉ rõ: “giao cho Vụ trưởng Vụ tín dụng nắm lại tình hình và đề xuất. Cần bán nợ, NH sẽ bán và nếu cần phá sản cũng sẵn sàng cho dứt khoát nếu không thấy điều kiện phát triển nữa”.

Một vấn đề đang được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm là vốn để tái canh cây cà phê. Tây Nguyên đang có hàng ngàn ha cà phê già cỗi cần thay thế nhưng một trong những khó khăn hiện nay là vốn.

Tuy nhiên, các địa phương khá bất ngờ khi Thống đốc Bình cho biết, NHNN đã có hẳn một chương trình cho việc này. Một nguồn tín dụng 12.000 tỷ đồng, lãi suất và kỳ hạn phù hợp từ 3 – 5 năm đã sẵn sàng.

Theo ông Bình, nguồn vốn này được tính toán là đủ cho nhu cầu tái canh cà phê toàn Tây Nguyên nên không lo thiếu. Tuy nhiên, vấn đề trước hết là: trồng mới giống gì, ở đâu, ai tổ chức, tái canh thế nào… tất cả những điều này không phụ thuộc vào NH mà phụ thuộc vào nhiều bộ ngành khác.

“Tiền sẵn rồi. Khi tất cả những yếu tố trên được làm rõ, có địa chỉ vốn sẽ đổ vào ngay. Agribank sẽ đứng ra làm đầu mối để giải ngân”, ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan kiến nghị của tỉnh Đắk Nông muốn NH mở thêm mạng lưới ở các địa bàn xa, Thống đốc Bình nói luôn: “Nếu NH nào chưa có đủ điều kiện để mở chi nhánh, nhưng có nhu cầu mở tại những địa bàn xa này, NHNN sẽ xem xét. Riêng Agribank, muốn mở bao nhiêu chi nhánh tại những địa bàn này tôi cũng nhắm mắt ký ngay. Mỗi huyện ít nhất phải có 1 chi nhánh, đảm bảo rằng các DN, hộ dân và người dân tiếp cận được dịch vụ NH”

Vốn cho nông nghiệp luôn sẵn sàng

Qua thực tế các tỉnh Gia Lai hay Đăk Nông cho thấy, nhu cầu vốn của nông nghiệp là khá lớn nhưng nguồn huy động tại chỗ không thể đáp ứng đủ. Tại Đăk Nông, vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%. Cụ thể, tính đến 31/3/2014, vốn huy động tại chỗ ước chỉ đạt 4.214 tỷ đồng, tăng 588 tỷ đồng (tăng 16,22%) so với đầu năm, trong khi tổng dư nợ trên địa bàn ước đạt 9.023 tỷ đồng.

Để bù đắp, các NH đã điều chuyển vốn từ các địa bàn lớn về tiếp sức. Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, các NH đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp; rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phù hợp, giúp các DN có điều kiện vượt qua khó khăn.

{keywords}
Xây dựng mô hình để bơm vốn hiệu quả.

Thống đốc Bình yêu cầu, các NHTM nên hướng dòng vốn vào khu vực này. NH trên địa bàn rà soát lại không để bà con vay ngắn hạn với lãi suất quá 8%/năm, còn trung, dài hạn tối đa chỉ 8% - 10%/năm để vực dậy kinh tế khu vực Tây Nguyên. Chính tại những địa bàn khó khăn, trách nhiệm của DN và người dân vay vốn luôn cao, tỷ lệ nợ xấu hầu hết đều ở mức rất thấp, nhất là cho vay nông nghiệp nông thôn chỉ trên dưới 1,5% trong tổng dư nợ.

Thống đốc cho rằng, “Dù lợi nhuận không cao như các địa bàn lớn, nhưng an toàn hơn. Tỷ lệ nợ xấu thấp, vì ở đây không có các anh bất động sản, chứng khoán gì cả, không có những ông đại gia làm ăn lớn mà không kiểm soát được, còn người dân vay vốn làm ăn thì rất có trách nhiệm”.

Đặc biệt, Thống đốc Bình cho biết, hiện nay, từ phía NHNN đã đề xuất với Chính phủ có 3 chương trình để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn,

Thứ nhất, chương trình thí điểm hỗ trợ vốn cho NN theo hướng các mô hình sản xuất mới. Theo đó sẽ xây dựng các mô hình đa dạng và phù hợp với các địa phương. Khi có những mô hình sản xuất phù hợp thì đó là địa chỉ để rót vốn sử dụng đúng mục địch và hiệu quả.

Thứ hai là chương trình cung cấp vốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Thứ 3, chương trình tổ chức chuỗi sản phẩm xuất khẩu. Đây là chương trình phù hợp với nhiều loại cây trồng thế mạnh như cà phê của Tây Nguyên nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và đồng đều có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để làm việc này sẽ liên quan đến nhiều đơn vị từ nông nghiệp, khoa học cho đến công thương. Từ phía NHNN, Thống đốc Bình cam kết, NHNN luôn sẵn sàng có đủ vốn cho nông nghiệp, khi có các mô hình và địa chi sản xuất hiệu quả vốn sẽ lập tức được rót vào.

Ngọc Sơn