- Không ít người trong bộ máy hành chính giàu lên một cách bất thường, có biệt thự xa hoa, xe hơi xịn, gửi con ra nước ngoài du học…



LTS
:
Nghị quyết về kết quả giám sát thực hiện cải cách thủ tục hành chính do Quốc hội thông qua ngày 26/11 ghi rõ, Chính phủ cần sớm cải cách cơ bản chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm và tinh giản hợp lý biên chế, bộ máy.
Chuyên gia Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng đề xuất nên có một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bộ trưởng Nội vụ với một số chuyên gia, nhà quản lý và công chức tâm huyết, để có thể góp những ý kiến thiết thực với Chính phủ trong vấn đề hệ trọng này. VietNamNet giới thiệu bài viết của ông.

Chỉ có một chế độ tiền lương phù hợp mới thu nhận được và giữ chân được người giỏi trong bộ máy hành chính nhà nước. Ảnh chụp tại UBND phường Nguyễn Du, Hà Nội

Đọc bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn tiếp thị mới đây, người đọc không khỏi ngỡ ngàng khi Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nói: "Không thể có đột phá về tiền lương". Ngỡ ngàng vì không hiểu nổi những lý do mà Bộ trưởng đưa ra, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều ý kiến trong nhiều cuộc hội thảo và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về thực trạng lương công chức hành chính quá thấp, công chức không thể sống bằng lương, nảy sinh nhiều hệ lụy cho nền hành chính nhà nước. 

Ngỡ ngàng trước hết là đánh giá của Bộ trưởng về thực trạng đội ngũ công chức. Trả lời câu hỏi "Ông cảm thấy thế nào khi nghe nhiều than phiền về chất lượng đạo đức xuống cấp của hệ thống công vụ những năm gần đây", Bộ trưởng đã cho rằng: "Chất lượng công chức ở mình chưa cao là đúng nhưng tôi thấy có nhiều ý kiến phê phán nặng quá. Trong thực tế, không thể đòi hỏi ngay lập tức có được chất lượng phục vụ tốt như một số nước, vì họ có nền hành chính lâu đời, họ rút kinh nghiệm và rèn công chức lâu rồi. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, phải từng bước mới cải thiện được. So sánh với họ thì khập khiễng".


Đương nhiên, không ai so sánh về trình độ chuyên nghiệp hoặc những ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong công vụ của các nước tiên tiến với nước ta; nhưng phải chăng, về phẩm chất, đạo đức phục vụ nhân dân, nếu so sánh thì là "khập khiễng" và tình trạng xuống cấp về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận công chức là lẽ tự nhiên trong quá trình chuyển đổi?


Công chức sách nhiễu
 

Chính việc không thấy hết thực trạng của nền công vụ và của đội ngũ công chức đang quá yếu kém, đang rất cần nâng cao cả về phẩm chất, đạo đức và về chuyên môn nghiệp vụ; không thấu hiểu những phiền hà, sách nhiễu do không ít công chức gây ra mà dân và doanh nghiệp phải chịu đựng đang ảnh hưởng nặng nề đến sức cạnh tranh của nền kinh tế; không thấy hết những lo toan, vất vả của những công chức lương thiện trong việc bảo đảm đời sống cho mình và cho gia đình trong khi giá cả liên tục tăng cao; cũng như không thấy hậu quả xã hội rất xấu của tình trạng những công chức đang dựa vào quyền thế mà xoay sở kiếm chác của dân và của Nhà nước mà giàu lên nhanh chóng v.v… thì không thể thấy rõ tính chất bức thiết của việc cải cách tiền lương công chức. 


Xin đọc nhận định trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng: "Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đạt yêu cầu cả về phẩm chất và năng lực. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân" và nhiệm vụ trong thời gian tới là phải "Cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức đê góp phần phòng chống tham nhũng".


Như vậy, trong thời gian tới, việc xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh là một đòi hỏi bức thiết, trong đó việc cải cách cơ bản tiền lương phải là một khâu đột phá. Hiển nhiên, không ai cho rằng cải cách tiền lương là giải quyết được tất cả các vấn đề hiện nay trong nền hành chính nhà nước, song thực tế cho thấy, cải cách cơ bản tiền lương công chức hành chính đã trở thành một yêu cầu cấp bách, không thể lẩn tránh. Xin cân nhắc hai loại vấn đề sau đây.

Một là, chỉ có một chế độ tiền lương phù hợp mới thu nhận được và giữ chân được người giỏi trong bộ máy hành chính nhà nước, để bộ máy thực sự là của dân, do dân và vì dân, trong sạch, vững mạnh.  


Thực tế là đã có không ít văn bản do các bộ ban hành đã phải sửa đổi chỉ sau một thời gian ngắn; vẫn còn không ít văn bản thu vén quyền và lợi cho cơ quan ban hành, đẩy khó khăn về cho dân và doanh nghiệp. Kết quả cuộc khảo sát "Đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 9/ 2010 đã cho thấy những yếu kém của nhiều bộ trong việc này. 


Về chỉ số xây dựng pháp luật, hầu hết các bộ chỉ đạt loại khá, không có bộ nào đạt loại tốt, và thấp nhất là Bộ Xây dựng. Về chất lượng hoạt động thi hành pháp luật, cũng không có bộ nào đạt loại tốt, không có bộ nào đạt loại khá, hầu hết chỉ đạt loại trung bình, còn ở loại thấp nhất, có Bộ Xây dựng và Bộ Y tế. Đây là điều rất đáng suy nghĩ, vì hoạt động của các bộ này đều liên quan rất chặt chẽ đến đời sống người dân. Trong bộ máy nhà nước, nếu công chức chỉ lo thu vén lợi ích cho cá nhân hoặc phe nhóm, thì tất yếu sẽ xem nhẹ lợi ích của cộng đồng, không thể toàn tâm, toàn ý, tận tụy vì cộng đồng. Và như vậy, chất lượng văn bản pháp quy chưa thể hiện tốt yêu cầu của cuộc sống, không tuân thủ đúng các quy luật kinh tế, cũng là điều dễ hiểu. 

Trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển, có những người có trình độ rời bỏ cơ quan nhà nước ra đi cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng cơ quan hành chính giảm sút. Một số người vẫn tìm cách vào biên chế nhà nước, thậm chí phải bỏ tiền "mua" một vị trí công tác béo bở, chắc không phải là vì động cơ nâng cao chất lượng bộ máy.


Giàu bất thường


Hai là, không thể không nhận chân một thực tế là không ít người trong bộ máy hành chính nhà nước giàu lên một cách bất thường. Họ có biệt thự xa hoa và những tiện nghi sang trọng, có xe hơi loại xịn, có tiền cho con du học nước ngoài, v.v… mà với tiền lương chính thức thì họ không thể có được. Như vậy, cũng tức là họ có những thu nhập không chính thức ngoài lương, trong đó chủ yếu bằng thu nhập bất hợp pháp, thu được co vị trí công tác của họ. 


Ủy ban Tư pháp Quốc hội khi thẩm tra Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 đã cho rằng: Tới cửa công, người dân sẵn sàng đưa hối lộ để được việc. Cán bộ, công chức cũng coi việc nhận tiền là chuyện bình thường, nhận rồi hóa quen, không có thấy thiếu và phát sinh tình trạng nhũng nhiễu.  


Tình trạng này không những gây nhức nhối và bất bình trong xã hội; gây phẫn nộ trong những công chức liêm chính, mà nguy hại hơn, còn làm xấu đi bộ mặt của cơ quan công quyền và công chức hành chính. Khi bộ máy hành chính làm dân mất lòng tin thì không thể nói đến hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy, cũng khó có thể nói đến một xã hội dân chủ, kỷ cương. Những người có trách nhiệm và lòng tự trọng về tình hình này không thể không tự vấn về trách nhiệm của mình.

Khi trả lời về hy vọng một bước đột phá về tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã nói: " Có nhiều người góp ý kiến rằng đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển. Nhưng hiện tại chúng ta phải thấy việc ngân sách dành phần lớn cho trả lương (xin xem lại, có phải ngân sách đã dành" phần lớn" cho trả lương ? - tác giả) cũng đã là sự cố gắng lớn vì phải chi các khoản khác như đầu tư phát triển, an sinh xã hội và các vấn đề khác nữa", và "Việc cấp thiết nhất là tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng với nâng cao trách nhiệm của từng công chức, quản lý chặt chẽ tiền ngân sách, chống tham nhũng tiêu cực thì mới có điều kiện cải thiện dần tiền lương". 


Đây là một kiểu lập luận về "con gà có trước hay quả trứng có trước". Trong thực tế, có lẽ nên nói ngược lại: trong tình hình nước ta hiện nay, việc cải cách cơ bản tiền lương chính là một điều kiện rất quyết định để thực hiện những nhiệm vụ nói trên. Chính vì thế, một sự đột phá trong chế độ tiền lương của công chức hành chính đã trở nên rất cấp bách.

Vấn đề tiền lương liên quan đến nhiều vấn đề cần giải quyết, như: sắp xếp lại bộ máy; xác định rõ ai là công chức; tách bạch lương công chức với các khoản chi bảo hiểm xã hội, chi cho các đoàn thể; "tiền tệ hóa" các khoản chi cho công chức vào lương; cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước v.v… 


Phải có tư duy đúng đắn để tạo bước đột phá trong việc xử lý các vấn đề ấy gắn với bước đột phá trong tiền lương công chúc hành chính. Phải chăng nên có một cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn giữa Bộ trưởng Nội vụ với một số chuyên gia, nhà quản lý và công chức tâm huyết có nghiên cứu về vấn đề tiền lượng công chức, để có thể góp những ý kiến thiết thực với Chính phủ trong vấn đề hệ trọng này.

  • Vũ Quốc Tuấn