Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong năm 2023, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 156.000 đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp các loại, tăng 11% so với năm 2022). 

Trong đó, bao gồm 84.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%). Đáng chú ý khi lượng đơn đăng ký sáng chế tăng 10,6%, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%.

Với lượng đơn tiếp nhận tăng cao, trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được 125.778 đơn các loại. Bao gồm 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%). 

Trong khoảng thời gian này, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại. Đơn vị này cũng đã cấp 202 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 7 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. 

cuc truong cuc so huu tri tue.jpg
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà còn tại rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Trao đổi với báo chí, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và các địa phương. Hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang ngày càng gắn kết với việc phát triển kinh tế, xã hội. 

Điểm nhấn của lĩnh vực này năm 2023 là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Nổi bật là Nghị định số 65/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Cùng với đó là Thông tư số 23/2023 liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

Trong năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc hợp tác quốc tế khi tham gia đàm phán nội dung về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, đơn vị này sẽ chủ trì việc xây dựng phương án đàm phán các văn kiện về nguồn gen, tri thức truyền thống. 

Cùng với việc đàm phán các điều ước quốc tế mới, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thi hành các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…