Việt Nam có lãnh thổ hoàn toàn nằm trong vùng nhiệt đới. Tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm cao (khoảng 120 kcal/cm2/năm). Thời tiết nắng nóng vào mùa hè, do đó, cường độ bức xạ trực tiếp có thể đạt cực đại 0,6 kcal/cm2/ngày vào các tháng 6 và 8 ở miền Bắc và các tháng 4-5, 8-9 ở miền Nam. 

Điều kiện thời tiết này có nhiều tác động tiêu cực, gây ra hiệu ứng đảo nhiệt nóng bức ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh,...

Ngoài những tác hại đến sức khỏe, kiểu thời tiết này tiêu tốn nhiều năng lượng tiêu thụ bởi các thiết bị làm mát, khiến cho tình trạng thiếu điện càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngành xăng dầu bị thiệt hại lớn bởi sự thất thoát do bay hơi. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến an toàn cháy, nổ

Nhận thức được tính cấp thiết và nghiêm trọng của vấn đề, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu, phát triển sơn phản xạ nhiệt mặt trời ứng dụng chống nóng cho các bồn bể chứa xăng dầu. Lớp phủ phản xạ nhiệt mặt trời hoạt động theo nguyên lý phản xạ khuếch tán. 

son phan xa nhiet 1.jpg

Sơn phản xạ nhiệt nano được ứng dụng tại Kho xăng dầu 101 - Bộ đội biên phòng tại Tây tựu (Nam Từ liêm, Hà Nội).

Công nghệ sản xuất sơn phản xạ nhiệt đã liên tục được Viện Kỹ thuật nhiệt đới phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, tập trung vào 2 tiêu chí chính là hiệu quả phản xạ nhiệt và độ bền thời tiết. 

Hiện tại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo các phụ gia phản xạ nhiệt trên cơ sở vật liệu kích thước nano. Công trình nghiên cứu này được ứng dụng thực tế trong việc chế tạo sơn phản xạ nhiệt mặt trời hiệu quả cao. 

Sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời do Viện Kỹ thuật nhiệt đới chế tạo đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nước ngoài và tương đương các sản phẩm nhập ngoại, nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Sơn phản xạ nhiệt Make in Viet Nam hiện đã được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng (mái nhà xây dựng, bồn bể chứa xăng dầu, tàu cá...).

Khi sử dụng sơn phản xạ nhiệt nano, nhiệt độ bề mặt bồn thép có thể giảm tới 10-19 độ C và nhiệt độ trong bể thấp hơn khoảng 8-15 độ C so với khi sử dụng sơn thông thường. Ngoài ra, độ bền thời tiết của sơn nano cũng cao hơn khoảng 1.500 giờ theo thử nghiệm.

son phan xa nhiet 2.jpg
Sơn phản xạ nhiệt nano được ứng dụng tại PETEC Hiệp Hòa, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Các sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời của Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã được SuzukaFine (1 trong 5 công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản, thành lập từ 1948) thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Kết quả phân tích cho thấy, các mẫu sơn phản xạ nhiệt mặt trời phát triển bởi Viện Kỹ thuật nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các loại sơn phản xạ nhiệt đang được bán trong nước và quốc tế.

Sơn phản xạ nhiệt mặt trời có thể sử dụng để che phủ bề mặt ngoài các công trình xây dựng, các bồn bể chứa nhiên liệu/hóa chất lỏng, dễ bay hơi. Đây được đánh giá là một giải pháp hiệu quả và chi phí thấp để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. 

Sơn phản xạ nhiệt Việt Nam có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ bởi thiết bị làm mát. Sản phẩm này khi được ứng dụng trong thực tế cũng góp phần chống thất thoát nhiên liệu/hóa chất dễ bay hơi, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn cháy, nổ, ngăn chặn biến đổi khí hậu.