Lưu Kiền – vùng đất rẻo cao huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang phấn đấu về đích nông thôn mới. Đây là một trong những xã miền núi phía tây của huyện, cách trung tâm huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An 18km, với diện tích tự nhiên 13.950,19 ha, là 1 trong 4 xã được huyện chọn xây dựng Nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020-2023.
Lưu Kiền hiện có 957 hộ dân, trong đó số hộ nghèo chiếm 28% (268 hộ) và hộ cận nghèo là 117 hộ. Địa hình đồi núi dốc, đất bằng, ruộng nước rất ít; diện tích canh tác chủ yếu là nương rẫy. Tất cả phụ thuộc vào tự nhiên nên hiệu quả năng suất thấp. Đã thế mỗi trận mưa lũ là toàn bộ tài sản ruộng vườn lũ cuốn phăng hết.
Bắt tay triển khai xây dựng nông thôn mới, phương châm “lấy sức dân để làm cho dân”, đã được Lưu Kiền vận dụng để lãnh đạo, chỉ đạo, cùng nhân dân nỗ lực phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới để vươn lên xây dựng bản làng ấm no, trù phú. Nhờ đó xã đã và đang tạo sự đồng thuận huy động hiệu quả các tiêu chí, mang lại sự hài lòng cho người dân trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn.
Chia sẻ với báo chí, ông Vang Kiên Cường – Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi nắm được các tiêu chí cần phải đạt trong xây dựng nông thôn mới, bà con đều rất nỗ lực. Về môi trường, gia súc, gia cầm trước đây chủ yếu nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn, đến nay, các hộ trong bản đều tách ra khỏi khu vực nhà ở; bà con cũng đã có ý thức thu gom và phân loại rác đúng quy định…
Đáng nói, cùng với các chính sách hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các mô hình sản xuất, bà con đã thực sự có ý thức trong phát triển kinh tế.
Phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn, xung quanh bản Pủng, trồng bạt ngàn chuối để lấy lá. Những năm gần đây lá chuối được nhiều thương lái biết tìm đến tận nơi để thu mua. Thấy được nguồn lợi từ lợi thế có sẵn, được sự tiếp sức của chính quyền các cấp, các quả đồi của xã Lưu Kiền được tận dụng để trồng loại cây này. Đến nay, toàn xã đã trồng được 34ha, trong đó hộ nhiều nhất trồng đến 2ha chuối.
Không chỉ có trồng chuối lấy lá, đồi núi đẹp nên nhiều gia đình còn kết hợp chăn nuôi. Mỗi thứ thêm một tý thì tự khắc kinh tế gia đình khấm khá.
Mấy năm trước, 69 hộ gia đình tại bản Pủng đã thành lập Chi hội nghề nghiệp Chăn nuôi trâu, bò và Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản. Đây là Chi hội nghề nghiệp đầu tiên được thành lập không chỉ tại xã Lưu Kiền mà còn là chi hội nghề nghiệp đầu tiên của cả huyện Tương Dương.
Mục đích của hội là cầu nối giữa các hội viên nuôi trâu, bò và dê sinh sản với nhau nhằm hỗ trợ, liên kết trong chăn nuôi gia súc; liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người chăn nuôi, người giết mổ và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, các thành viên trong chi hội, tổ hội luôn chú trọng việc tuyên truyền cho nhau về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc.
Những thành tựu trong chăn nuôi tại bản Pủng đã góp phần tích cực đưa mục tiêu phát triển các mô hình trang trại, gia trại theo hướng tạo thành hàng hóa của huyện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tới nay, toàn huyện đã có 15 trang trại và gần 40 gia trại.
Lưu Thông là bản người Mông duy nhất của xã Lưu Kiền. Ban đầu bản ở đầu nguồn khe Tẳn Xà, sau đó chính quyền vận động dân xuống chỗ hiện tại bằng phẳng, thuận lợi hơn. Hàng chục năm qua chưa có người dân nào trong bản vi phạm pháp luật và bị xử phạt, mang án tù. Có được như vậy là nhờ dân bản đã quyết liệt duy trì lời thề 5 không: không nghiện hút, không phá rừng, không trộm cắp, không thả rông gia súc và trẻ em không bỏ học.
Những kết quả trên là cơ sở, động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã Lưu Kiền về đích chuẩn huyện nông thôn mới có chiều sâu, bền vững.