Chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện
Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ bảo hiểm bao gồm:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử Tuất.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: Hưu trí; Tử tuất
Lưu ý quan trọng khi chuyển từ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang tự nguyện
Theo, khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Từ các quy định trên, khi người lao động chuyển từ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang tự nguyện thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn được tính vào tổng quá trình đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ chi trả cho hai chế độ hưu trí và tử tuất, do vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được cộng nối với bảo hiểm xã hội bắt buộc để giải quyết hai chế độ này. Còn những chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì bảo hiểm xã hội tự nguyện không chi trả.
(Theo Người Lao Động)
Chính sách mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/9/2021
Từ ngày 1-9-2021, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực và có những nội dung về BHXH bắt buộc đáng chú ý.