Biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, đã lây lan khắp thế giới và hiện chiếm phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 ở các quốc gia.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo người dân dù đã tiêm vắc xin hay chưa vẫn nên đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ảnh minh họa: Healthcareitnews
Biến thể Delta lây nhiễm như thế nào?
Biến thể Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn đáng kể so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá đó là một biến thể đáng lo ngại.
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Chúng ta đang chiến đấu với cùng một loại virus nhưng đã trở nên khỏe hơn và thích nghi tốt hơn để lây lan”.
Các nhà khoa học ước tính biến thể Delta lây lan nhanh hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha, chủng có khả năng lây cao hơn 50% so với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Điều đó đồng nghĩa mỗi người bị nhiễm đều có thể truyền virus cho nhiều người hơn trước đây, giúp biến thể này lan ra trong cộng đồng một cách nhanh chóng.
Tại sao chủng Delta dễ lây lan hơn
Mặc dù cơ chế chính xác khiến Delta dễ lây lan hơn vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng các nghiên cứu mới đây đưa ra một số lý do.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Host & Microbe, từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Kumamoto và Viện Khoa học Weizmann, nhận định các đột biến trên protein gai của biến thể Delta có thể tránh miễn dịch tế bào và làm tăng khả năng lây nhiễm.
Nhà dịch tễ học Raywat Deonandan của Đại học Ottawa giải thích, protein gai giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào các tế bào của con người.
Một nghiên cứu khác từ Trung Quốc ghi nhận những người bị nhiễm biến thể Delta có trong mũi một lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng ban đầu.
Các bệnh nhân nhiễm biến thể này cũng có kết quả xét nghiệm dương tính nhanh hơn: khoảng 4 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, so với 6 ngày của chủng ban đầu. Điều đó cho thấy Delta tái tạo với tốc độ nhanh hơn.
“Người bệnh thực sự có thể tạo ra nhiều virus hơn và đó là lý do tại sao chủng Delta dễ lây truyền”, nhà vi sinh vật học Sharon Peacock giải thích.
Tác dụng của vắc xin
Nếu lượng virus SARS-CoV-2 trong người nhiều hơn, bệnh nhân có thể truyền virus sang người khác dễ dàng hơn. Nh vậy, vắc xin chắc chắn có nhiệm vụ khó khăn hơn - vì hệ miễn dịch của con người phải đối mặt với một đội quân lớn hơn và cần phải tăng cường phòng thủ.
Nhưng tin tốt là các loại vắc xin hàng đầu dường như ngăn ngừa được bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.
Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Y học New England kết luận hai liều vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% đối với biến thể Delta, chỉ số này ở vắc xin AstraZeneca là 67%.
Đây là sự sụt giảm khả năng của vắc xin trong việc hạn chế nhiễm bệnh khi so sánh với biến thể Alpha trước đó, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chỉ có sự khác biệt nhỏ.
Dữ liệu gần đây từ Israel cũng cho thấy tiêm Pfizer làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng lên tới 91% và nhập viện 88%.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
An Yên (Theo CBC)
Sáng 8/8 ghi nhận 4.941 ca Covid-19, tiêm được 8,9 triệu liều
Sáng 8/8, Việt Nam ghi nhận thêm 4.941 ca Covid-19 nâng tổng số ca mắc cả nước lên trên 205.000 trường hợp.
Sự khác biệt của người đã tiêm vắc xin khi nhiễm Covid-19
Bác sĩ chia sẻ hình ảnh phổi của hai bệnh nhân Covid-19, một người đã được tiêm vắc xin đầy đủ và một người chưa chủng ngừa.