Tiếp theo việc Mỹ chuyển giao 90 khẩu pháo tự hành Howitzer 155mm cho Ukraine, Đức cũng đã quyết định cung cấp cho quốc gia Đông Âu này 7 tổ hợp Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000). Đây được xem là “sự trợ giúp tốt nhất cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến pháo binh với Nga”, như nhận định của tờ Military Today.

Pháo Panzerhaubitze 2000. Ảnh: Military Today

Vậy, pháo tự hành có vai trò như thế nào trong tác chiến?

Chủng loại đa dạng

Pháo tự hành (self-propelled gun/SPG) được đặt trên bệ tự hành, thường được sử dụng đi kèm với xe tăng và bộ binh trong chiến đấu, làm nhiệm vụ yểm trợ pháo binh cho các binh đoàn cơ động và chống tăng.

Tiền thân của pháo tự hành là những loại pháo ngựa kéo, sử dụng đạn tròn, pháo thủ dùng cây gậy có ngòi lửa châm ngòi để bắn. Đi đầu trong việc phát triển loại vũ khí này là Nga. Từ thế kỉ 17, họ đã bắt đầu sử dụng những loại pháo này trong những trận chiến với quân đội Thụy Điển. 

Sau đó, các nước châu Âu nhanh chóng học tập và năm 1758, Hoàng đế Phổ Friedrich đã cho thành lập đơn vị pháo kỵ binh chuyên nghiệp đầu tiên. Pháo ngựa kéo được sử dụng đến tận thời Napoleon I (1769-1821), sau đó, bước qua thế kỉ 20 với bộ dạng của pháo tự hành.

Pháo tự hành có nhiều ưu điểm, trước hết, có độ linh hoạt cao, đạt được tầm bắn xa và hỏa lực mạnh. Thứ hai, có thể được lắp đặt dễ dàng, ít tốn chi phí và có độ sát thương cao. Những ưu điểm này làm cho pháo tự hành trở thành một trong những loại vũ khí phổ biến.

Theo cách tính truyền thống, về trọng lượng, có pháo tự hành hạng nhẹ (đến 20 tấn), hạng trung (đến 40 tấn) và hạng nặng (trên 40 tấn). Theo cỡ nòng, có pháo tự hành nòng dài, pháo tự hành nòng ngắn, pháo tự hành vừa-dài, và pháo tự hành vừa-ngắn.

Pháo nòng dài có nòng dài 40-80 lần cỡ nòng, sơ tốc đầu đạn hơn 700 m/s, có tầm bắn lớn hơn tất cả các loại pháo khác, trọng lượng đầu đạn có loại lên đến 130kg. Pháo nòng dài dùng các loại đạn: sát thương, phá-sát thương, xuyên thép, lõm, cháy, khói, chiếu sáng... Tầm bắn lớn nhất đối với pháo cỡ 75-85mm là 13-16km; với pháo cỡ 100-122mm là 20km; pháo cỡ 127-155mm là 22-27km (đạn tăng tầm có thể trên 40km); pháo cỡ 175-210mm là 35km trở lên. Trọng lượng chiến đấu của pháo tự hành loại 90-105mm là 5,5-23 tấn; loại 155-175mm là 27-53 tấn…

Pháo nòng ngắn có nòng dài 15-40 lần cỡ nòng, sơ tốc của đạn không lớn (300-800 m/s), có liều thuốc thay đổi, tốc độ bắn lớn nhất 10 phát/phút, tầm bắn tới 24km (với đạn phản lực có thể tới 30km). Pháo nòng ngắn còn gọi là lựu pháo.

Pháo nòng vừa-dài mang tính chất của cả pháo nòng dài và pháo nòng ngắn, nhưng thiên về tính chất của pháo nòng dài. So với pháo nòng dài, pháo vừa-dài có nòng ngắn hơn, góc tầm và góc rơi lớn hơn; so với pháo nòng ngắn, có tầm bắn lớn hơn. Đối với pháo cỡ 152-155mm, trọng lượng đạn 43-46kg, tầm bắn 17-25km.

Pháo nòng vừa-ngắn mang tính chất của cả pháo nòng ngắn và pháo nòng dài, nhưng thiên về tính chất của pháo nòng ngắn. Pháo nòng vừa-ngắn có cỡ 87,6-152mm, nòng dài khoảng 25-40 lần cỡ nòng, trọng lượng đạn 11-45kg, sơ tốc 550-700 m/s, tầm bắn tới 20km. Khi sử dụng các liều thuốc nhỏ, pháo nòng vừa-ngắn bắn như pháo nòng ngắn với góc bắn tới 65 độ, còn khi bắn liều lớn nhất thì bắn như pháo nòng dài.

Ngày càng hiện đại

Đánh giá cao vai trò của pháo tự hành, các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến đều chú trọng đầu tư, hiện đại hóa loại vũ khí này.

Pháo tự hành hiện đại có hệ thống định vị đạn, radar chống máy bay phát hiện, đầu đạn nặng và còn có thể bắn được cả đầu đạn hạt nhân nhẹ. Hệ thống định vị đạn là một trong những ưu điểm của pháo tự hành, nó có thể bám sát theo mục tiêu mà không cần phải điều chỉnh và chỉ dừng lại khi mục tiêu bị phá hủy.

Đặc biệt, pháo tự hành hiện đại có thể mang được rất nhiều đạn và có nhiều nòng phụ. Một pháo tự hành hiện đại có thể mang được hơn 64 viên đạn công phá, 50 viên đạn phá tăng và một lượng nhỏ các loại đạn khí… Hiện quân đội các nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức... đều sở hữu các loại pháo tự hành nòng dài có tầm bắn tới trên 30km.

Điển hình, pháo tự hành Caesar do Tập đoàn quốc phòng GIAT Industrial, Pháp chế tạo, sử dụng đạn cỡ 155mm; tốc độ bắn 4-6 phát/phút; góc bắn từ 0 đến 60 độ; tầm bắn tối đa đạt 42km khi sử dụng đạn tăng tầm.

Lựu pháo Howitzer (M777) do Tập đoàn BAE Systems sản xuất và được Mỹ viện trợ cho Ukraine có thể bắn 2 phát/phút, khi cần 5 phát/2 phút, sử dụng được nhiều loại đạn để tấn công các loại mục tiêu khác nhau; tầm bắn ngắn nhất là 24km, với đạn tăng tầm là 30km, còn đạn dẫn đường bằng GPS - tới 40km.

Pháo 2S19 152mm của Nga, ngoài các loại đạn thông thường còn có thể dùng loại đạn thông minh chống tăng Krasnopol, có thể tiêu diệt xe tăng đang chạy ở cự ly tới 24km.

Nguyên Phong