Những ngày qua, có một số ý kiến cho rằng chúng ta nên chấp nhận SARS-CoV-2 như cúm mùa, ngừng phong toả để cuộc sống, kinh tế ít ảnh hưởng. Tuy nhiên tôi không đồng tình với quan điểm này với nhiều lý do:

Không chấp nhận rủi ro, tính mạng nhân dân là trên hết

Tại thời điểm đầu của dịch Covid-19, số liệu được cung cấp ban đầu cho thấy tỉ lệ tử vong khi mắc SARS-CoV-2 khá thấp trên tổng số mắc cũng như hệ số lây nhiễm không cao đã làm các quốc gia phương tây chưa thực sự đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Quan trọng hơn nữa tại thời điểm đó chưa hề có vắc xin nào được nghiên cứu phát triển để phòng bệnh Covid-19. Chính bởi lý do đó, họ đưa ra quan điểm là có thể để cho nhiễm tự nhiên cộng với tăng cường hệ thống điều trị thì với tỉ lệ nặng/nhiễm không cao (5%) thì hoàn toàn không gây quá tải hệ thống y tế và người dân sẽ được miễn nhiễm sau khi mắc bệnh nhẹ nhàng.

{keywords}

GS Trần Văn Thuấn. Ảnh: Văn Điệp

Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, hàng loạt quốc gia ghi nhận tình trạng quá tải y tế và từ đó số tử vong tăng vọt, đặc biệt trong nhóm dân cư không có bảo hiểm y tế như dân nghèo thành thị.

Một số nước phát triển như Anh, Mỹ cũng đã từng có quan điểm miễn dịch cộng đồng khi chưa có vắc xin phòng bệnh và đã chịu những hậu quả lớn do dịch Covid-19 gây ra, sau đó các nước này cũng đã phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch Covid-19.

Quan điểm của ngành y tế là tính mạng và sức khỏe của nhân dân luôn phải là trên hết, trước hết. Chúng ta không thể đánh cược sức khỏe và tính mạng người dân vào những điều không chắc chắn và có nhiều rủi ro.

Không thể coi SARS-CoV-2 như cúm mùa

Cúm mùa và Covid-19 có nhiều điểm khác nhau: Cúm mùa đã lưu hành rộng khắp trên thế giới từ nhiều năm nay và phần lớn người dân đã có miễn dịch do mắc phải hoặc nhờ vắc xin, do đó khó xảy ra thành dịch lớn.

Thêm vào đó hầu hết các trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ hoặc vừa với tỉ lệ tử vong của cúm mùa khá thấp khoảng 0,1-0,2%.

Trong khi đó Covid-19 là dịch bệnh mới, còn nhiều điều chưa biết hết về những đặc tính của virus SARS-CoV-2. Hầu hết người dân trên thế giới đến nay vẫn chưa có miễn dịch, lây lan nhanh thành dịch lớn với tỉ lệ tử vong trên thế giới cao hơn nhiều, khoảng 2,15%.

Đặc biệt khi dịch lây lan tới những người cao tuổi, người có bệnh nền thì sẽ dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao ở nhóm người này. Dịch đã tạo ra khủng hoảng y tế đối với nhiều nước trên thế giới do các bệnh viện bị quá tải không có điều kiện để cấp cứu những trường hợp chuyển nặng dẫn đến tử vong như Ấn Độ, Indonesia…

Miễn dịch cộng đồng của Việt Nam còn thấp

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, không để dịch xảy ra trên diện rộng trong cộng đồng, từ đó có nhiều điều kiện để cứu chữa các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Do số lượng ca mắc ít, tỉ lệ người dân có miễn dịch cũng thấp.

Thêm vào đó, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của nước ta hiện mới đạt hơn 4% dân số. Như vậy hầu hết người dân nước ta chưa có miễn dịch với SARS-CoV-2.

Do đó nếu ngừng phong tỏa hay không thực hiện giãn cách xã hội ở những vùng có dịch, để dịch lây lan rộng trong cộng đồng sẽ dẫn tới tình trạng không được kiểm soát, khi số mắc lớn sẽ dẫn đến quá tải bệnh viện, từ đó sẽ có nhiều trường hợp tử vong do không có đủ điều kiện cấp cứu trong khi đó nếu trong trường hợp được cấp cứu đầy đủ thì có nhiều trường hợp hoàn toàn có thể cứu chữa được.

Hiện tại, Chính phủ đang nỗ lực trong việc tiếp cận mua, tiếp nhận viện trợ và nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước với mục đích càng sớm càng tốt có đủ vắc xin để tiêm cho toàn bộ người dân, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 để đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái như trước khi có dịch.

{keywords}

Hình ảnh các chốt phong toả quen thuộc tại Việt Nam suốt hơn 1 năm qua

Việc tạo miễn dịch chủ động giúp chúng ta từng bước kiểm soát dịch bệnh một cách chắc chắn, bền vững và hạn chế thấp nhất số người mắc và tử vong do dịch bệnh Covid-19.

Về vấn đề tiêm chủng, tôi có thể cung cấp thêm một số thông tin. Công tác tiêm chủng là một trong những thành công lớn nhất của lĩnh vực y tế công cộng nói chung và y học nói riêng. Việc phát minh và triển khai sử dụng vắc xin có tác động nhanh và mạnh trong việc giảm số mắc và tác động phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm.

Trên thế giới hiện nay đã có tới gần 30 bệnh có thể dự phòng được bằng vắc xin. Việc tiêm chủng cho một lượng lớn đối tượng trong cộng đồng sẽ tạo miễn dịch cộng đồng và có thể bảo vệ toàn bộ cộng đồng đó trước dịch bệnh.

Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính vững bền của hệ thống y tế, nó đã thay đổi bộ mặt của y tế trong nửa cuối thế kỷ 20.

Trước khi có vắc xin, hàng năm tại Mỹ có 10.000 trẻ mắc bại liệt, 20.000 trẻ bị chết lưu hoặc mắc hội chứng Rubella bẩm sinh, hàng trăm ngàn trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván…

Thực tế triển khai vắc xin Covid-19 tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả của vắc xin đạt được rất cao, trong dự phòng các thể nặng và nhập viện lên đến trên 90%.

Hiện tại chưa có trường hợp nào tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 tại Việt Nam mắc bệnh nặng, nhưng không có vắc xin nào bảo đảm việc 100% không bị lây nhiễm bệnh.

Về cơ bản vắc xin đã thể hiện được giá trị bảo vệ, phòng cả thể nặng cũng như hạn chế lây nhiễm thứ phát. Đó chính là cơ sở cho việc mở cửa sau này khi cộng đồng đạt độ bao phủ cao với vắc xin.

Có vắc xin vẫn chưa thể “thả”

Hiện nay tất cả các nước trên thế giới vẫn đang tập trung các nguồn lực để kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19, ngay cả khi chúng ta đã có thêm vũ khí mới là vắc xin để tấn công Covid-19.

Một số nước đã đạt tỉ lệ tiêm vắc xin khá cao trong cộng đồng nhưng không có nghĩa là đã hoàn toàn kiểm soát được dịch Covid-19 mà vẫn ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi làm giảm tác dụng của vắc xin như tại Ấn Độ, Anh, các nước châu Âu.

Gần đây có một số nước tuyên bố nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cho phép người dân đi lại tự do hơn; tuy nhiên đây đều là những nước đã có tỉ lệ tiêm vắc xin rất cao như Na Uy, Thụy Điển, Mỹ, Singapore… nhưng không có nghĩa là họ “thả” hoàn toàn mà vẫn khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tích cực khi ra các khu vực công cộng.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia, bác sĩ, cán bộ y tế và người dân khắp cả nước đang chung sức đồng lòng cùng với Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và địa phương chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Để giữ vững thành quả mà nước ta đã đạt được trong việc chủ động kiểm soát tốt dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể là 5 K + vắc xin.

Chỉ có sự tuân thủ nghiêm túc của mỗi người dân mới có thể nhanh chóng cắt đứt đường lây nhiễm của vi rút, giảm nhanh số mắc mới và từ đó là căn cứ để chúng ta gỡ bỏ các khu vực phong tỏa, nơi đang có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

GS Trần Văn Thuấn

Sáng 17/7 ghi nhận kỷ lục 2.106 ca Covid-19

Sáng 17/7 ghi nhận kỷ lục 2.106 ca Covid-19

Sáng 17/7, Việt Nam ghi nhận 2.106 ca Covid-19, trong đó TP.HCM có hơn 1.700 ca. Số mắc cả nước đã vượt 46.000 bệnh nhân.