Trở lại chuyện ngôi đình xe tăng bắn không hỏng, dấu tích của dây xích và mìn dây được lính Mỹ quấn vào hai hàng cột giữa đình vẫn còn.
Tôi vẫn không thể nào tin được tại vì sao cả 4 chiếc xe tăng dùng dây xích và mìn dây cố đánh sập, nhưng ngôi đình vẫn không hề suy chuyển.
Ông Phiến giải thích, sở dĩ ngôi đình không đổ sập là nhờ sự liên kết chắc chắn của hệ thống cột và xuyên tránh.Những người thợ xây dựng nên ngôi đình này đã tính toán rất kỹ cho ngôi đình chịu được bão lớn nhất. Ngôi đình cổ này được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái có tới 24 cột bằng gỗ mít khá lớn, chia thành 6 hàng, mỗi hàng 4 cột. Bên trên cột là những vì kèo và mái đình kết cấu với nhau thành một khối vững chắc.
Với 24 cột và sườn nhà liên kết chắc chắn, cộng với 3 bức tường, hai bên tả, hữu và phía hậu, xây dựng rất dày và kiên cố. Chính vì vậy mà lính Mỹ dùng tới sức kéo của 4 chiếc xe bọc thép cũng không thể kéo ngã.
"Đây là điều có thể minh chứng vì sao
ngôi đình tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều cơn bão khủng khiếp tràn
qua vùng đất này mỗi năm vẫn không hề hấn gì với ngôi đình" - ông Phiến
lý giải.
Hàng năm, các trường học ở Tam Kỳ thường tổ chức những chuyến đi cho học sinh về thăm địa đạo Kỳ Anh và nghe kể chuyện đình thiêng và huyền thoại về cây rõi. |
Còn tại sao nó tồn tại, nhiều người bảo
rất khó giải thích. Để đi tìm lời giải cho cây thiêng biết né đạn bom ở
làng Thạch Tân, tôi may mắn gặp một sĩ quan chỉ huy lực lượng pháo binh
chế độ cũ nay đã bước sang tuổi 80 trong một lần ông tình cờ về thăm quê
Quảng Nam.
Ông nguyên là đại tá chỉ huy lực lượng pháo binh chế độ cũ đóng tại khu
căn cứ Tuần Dưỡng. Hỏi chuyện về cây thiêng ở đình làng Thạch Tân biết
né đạn bom, ông Ngọc cười và hỏi tôi có biết tại sao cây rõi cổ thụ đó
vẫn tồn tại mà không bị bom đạn chiến tranh tàn phá không?
Tôi lắc đầu. Ông giải thích rằng: Trên bản đồ tác chiến của lực lượng
pháo binh thường chấm tọa độ khi bắt đầu khai hỏa. Mà tọa độ phải được
xác định bởi mốc. Chính cây rõi cổ thụ làng Thạch Tân là một mốc tọa độ
trên bản đồ tác chiến.
Mỗi lần khai hỏa cho các loại pháo dọn đường đều lấy cây rõi làm mốc tọa độ. Mà trên bản đồ tác chiến, các mốc tọa độ phải được bảo vệ.
Chính vì vậy mà cây rõi làng Thạch Tân không hề trúng đạn bom suốt hai cuộc chiến tranh khốc liệt và trở thành cây thiêng với bao huyền thoại mà người dân làng Thạch Tân tin rằng cây biết né đạn bom.
Bí ẩn dưới lòng địa đạo
Bên cạnh cây thiêng và ngôi đình xe tăng kéo không đổ là địa đạo.
Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm những điều bí ẩn nơi vùng đất này. Theo tài liệu lịch sử được ghi lại, cả hệ thống địa đạo Kỳ Anh kéo dài hơn 38 km bắt đầu từ làng Thạch Tân xuống sát ven biển Vĩnh Bình, Kim Đới thuộc xã biển Tam Thăng.
Đây là địa đạo được đào sâu dưới lòng đất cát trong vòng 6 năm. Bắt đầu từ năm 1965 và kết thúc vào năm 1970.
Một miệng cửa hầm địa đạo nằm dưới đình làng Thạch Tân đã được trùng tu bằng bê tông. Tại đây có kho lương thực và trạm xá tiền phương |
Anh Hồ Xuân Ấn, một người con của vùng đất Tam Thăng bảo với tôi rằng, ngay cả bản thân anh lúc đầu cũng đã từng đặt câu hỏi tại sao lớp cha anh mình lại đào được địa đạo dưới lòng bãi cát trắng?
Khi lần từng bước chân trong lòng địa đạo quê
mình, anh vẫn không thể nào tin và tự hỏi làm sao người dân quê anh đào được
hơn 38 km địa đạo xuyên lòng bãi cát trắng
Đem câu chuyện hỏi ông Hồ Xuân Quang, một trong hàng nghìn người từng tham
gia đào địa đạo trong những năm chiến tranh. Ông Quang bây giờ đã bước sang
tuổi 70, nhưng vẫn nhớ như in ngày đầu đào địa đạo Kỳ Anh mà ông bảo mỗi m
địa đạo thấm bao máu mồ hôi và nước mắt của người dân Tam Thăng.
“Bắt đầu từ ngày 1 tháng giêng năm 1965, quân và dân Tam Thăng bắt đầu công cuộc đào địa đạo để bám trụ chiến đấu…” - ông Quang nhớ lại.
Trong hồi ức của mình, ông Quang vẫn chưa quên những đau thương ngày đầu đào địa đạo. Đó là 12 du kích của địa phương anh dũng hy sinh khi 100 m địa đạo đầu tiên mới được đào.
Đó là vào cuối tháng giêng năm 1965, khi một lực lượng lớn lính Mỹ tràn vào làng, sau mấy trận giao tranh bất thân thắng bại.
Để bảo toàn lực lượng, 12 du kích rút xuống
địa đạo mới được đào hơn 100 m.
Hai giếng nước quan trọng cũng là hai cửa địa đạo. Đây là nơi người dân ra ám hiệu cho quân giải phóng dưới địa đạo biết địch đã rút. |
Lính Mỹ phát hiện và bủa vây lực lượng bao vây ngay miệng địa đạo. Lựu đạn cay, chất độc bắt đầu được ném xuống. Cả 12 du kích quyết định ôm nhau ngồi chết ngạt không đầu hàng vì sợ lộ ý đồ đào địa đạo, bọn Mỹ sẽ cho xe tăng và phi pháo san bằng.
Để đào được 38 km địa đạo xuyên qua bãi cát trắng và nối thông với các làng từ Thạch Tân xuống Kim Đới, Vĩnh Bình là cả một kỳ công.
"Ngay dưới lòng cát trắng là tầng đá cóc rất mềm, nhưng gặp gió là là trở nên rất cứng" -ông Quang giải thích.
Nhưng trên tầng đá cóc vẫn là cát rất dễ bị sạt lở? Ông Quang bảo rằng địa đạo khi đào qua bãi cát trắng họ dùng tre chống đỡ. Còn phần lớn địa đạo người dân đào dưới hàng rào tre quanh vườn.
"Chính nhờ rễ tre đan dày bện chặt nên không bị sạt lở. Cũng nhờ bờ rào tre và cây cối này đã che chắn và ngụy trang khiến địch không thể biết được địa đạo ở đâu…" - ông Quang giải thích.
Một góc địa đạo Kỳ Anh đã được trùng tù bằng bê tông |
Để hình thành địa đạo liên hoàn này, toàn bộ người dân Kỳ Anh từ già đến trẻ thức trắng suốt hơn 6 năm ròng từ nhà này đào nối thông với nhà kia trong làng và kéo dài hơn 38 km dưới lòng bãi cát trắng.
Mãi đến sau này, những bí ẩn dưới lòng bãi cát trắng Tam Thăng mới dần được hé lộ.
Rất nhiều lời giải thích cho những bí ẩn nơi ngôi đình cổ, địa đạo và cây rõi thiêng nơi đình làng Thạch Tân.
Nhưng với tôi vẫn nhớ như in trong chuyến đi về Thạch Tân, nhà báo Duy Hiển bảo rằng: ”Chính nền văn hóa nhân văn đã thắng nền văn minh vật chất bạo tàn, phi nghĩa”.
Không biết điều đó có đúng không. Tôi chỉ biết cây rõi linh thiêng, địa đạo và ngôi đình cổ đến nay vẫn trường tồn và là nhân chứng qua bao cuộc bể dâu nơi vùng đất đau thương này…
Vũ Trung