Phụ ngoại dọn nhà, đón Tết

Tết đến, bà Nguyễn Thị Bích Thủy (79 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại nhớ về thời thơ ấu sống ở Cần Thơ. 

Những năm tháng đó, chị em bà Thủy luôn khắc khoải nỗi nhớ mẹ cha. Sự xa cách do thời cuộc để lại trong bà vô vàn ký ức. Mỗi lần gợi nhắc, bà lại rơi nước mắt, xen lẫn hạnh phúc.

Bà Thủy là con gái bà Lâm Thị Phết (1923 – 2016). Bà Phết chính là nguyên mẫu nàng Bạch Vân trong phim Người đẹp Tây Đô do diễn viên Hồng Ánh thủ vai.

Trong phim, Bạch Vân là em gái của nàng Bạch Cúc, thì ngoài đời bà Phết là em gái của bà Lâm Thị Phấn – nữ tình báo viên nổi tiếng với biệt danh Người đẹp Tây Đô.

anh 4 lam thi phet.jpg
Ảnh chân dung của bà Lâm Thị Phết được chỉnh màu mới. Ảnh: Tư liệu gia đình

Ở phiên bản đời thực, chị em bà Phấn – Phết đều có nhan sắc hơn người. Nhờ vẻ ngoài sắc sảo, bà Phết làm nữ liên lạc đường dây điệp báo miền Tây thời kháng chiến chống Pháp từ khi còn trẻ. 

Đến những năm 1960, bà Phết sống ở Sài Gòn, vừa bán hàng ở tiệm thuốc vừa làm “hộp thư liên lạc” cho lực lượng tình báo trong thời kỳ chống Mỹ.

Để làm tốt nhiệm vụ, bà Phết gửi 3 người con cho mẹ ruột ở Cần Thơ. Biết mẹ làm việc hệ trọng, mấy chị em bà Thủy ngoan ngoãn học hành, vâng lời bà ngoại. 

“Lúc tôi 7, 8 tuổi, má đi biền biệt, đến gần Tết mới về. Mấy chị em tôi sống với ngoại tại nhà thờ lớn của dòng họ. 

Thời điểm đó, ông ngoại và dì Phấn tập kết ở miền Bắc, má tôi và các cậu ở xa, nhà chỉ còn bà ngoại.

Dù một mình quán xuyến nhà cửa, con cháu nhưng bà ngoại giỏi lắm, chu toàn mọi thứ. Nhất là dịp Tết, ngoại tôi lo cúng kiếng rất nghiêm cẩn, đúng tục lệ xưa”, bà Thủy kể.

anh 22 nguoi dep tay do.jpg
Bà Phết và chồng cùng tham gia cách mạng qua hai thời kỳ. Ảnh: Tư liệu gia đình

Từ ngày 23 Tết, bà ngoại hối thúc các cháu tham gia lau dọn nhà cửa, gọi người đến làm cỏ, sơn phết mồ mả các cụ. Trong ký ức của bà Thủy, mộ phần sạch sẽ, được đặt thêm cặp vạn thọ hai bên là dấu hiệu Tết đến cận kề.

Dọn dẹp ổn thỏa, bà ngoại của bà Thủy vào bếp nấu chè trôi nước, cúng tiễn ông Táo về trời. Cụ cũng tranh thủ muối dưa kiệu, dưa cải ăn kèm với thịt kho trứng, làm bánh bông lan trước cúng ông bà sau cho con cháu ăn.

Trước ngày cuối năm, cụ xách giỏ đi chợ Tết mua hoa, trái cây, bánh mứt… Về nhà, cụ bà vào bếp nấu một nồi thịt kho trứng, canh khổ qua nhồi thịt thật lớn. Cụ phân công các cháu canh lửa chờ thịt kho mềm, còn mình làm thêm món thịt khìa, gói bì, nem… chờ con về ăn Tết.

anh 11 nguoi dep tay do.jpg
Bà Phết (áo đen) từng làm việc trong đội ngũ tình báo. Ảnh: Tư liệu gia đình

Mẹ về, mua cho áo mới

Dù nhà cửa rôm rả tiếng cười nói nhưng lòng bà Thủy vẫn nặng trĩu. Chốc lát, bà lại nhìn ra ngõ, ngóng trông mẹ về. Với những đứa trẻ xa cha mẹ như bà Thủy, ngày cận Tết bỗng dưng dài hơn hẳn. 

“Ba tôi bị bắt nhốt ở khám Chí Hòa, còn má đến ngày cuối năm mới về. Mặc dù ngoại rất thương, thường may áo đầm cho con cháu nhưng lúc nào, tôi cũng thấy tủi thân, nhớ mùi quần áo mới của má mua”, bà Thủy tâm sự.

anh 5 lam thi phet.jpg
Chị em bà Lâm Thị Phết và Lâm Thị Phấn. Ảnh: Tư liệu gia đình

Trong năm, bà Phết có vài lần về thăm con nhưng rồi vội vã ra đi. Dịp Tết, bà được ở nhà lâu hơn, mua cho các con quần áo mới.

Trong lúc các con hít hà mùi áo mới, bà Phết hào hứng vào bếp làm bánh su kem nhân sầu riêng. Đó là món ăn tuyệt vời nhất mà bà Thủy được ăn trong đời.

Ngoài mẹ bà Thủy, các cậu mợ cũng lần lượt về tụ họp ở nhà thờ họ Lâm đón năm mới. Khi con cháu tập trung đông đủ, bà ngoại của bà cúng tất niên, rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết. 

Sáng mùng 1 Tết, chị em bà Thủy và các em họ thức dậy thật sớm, mặc quần áo mới, ra nhà trước chúc sức khỏe, mừng tuổi bà ngoại, rồi mới chúc Tết cha mẹ.

anh 25 nguoi dep tay do.jpg
Bà Lâm Thị Phết (áo trắng) chụp ảnh cùng 2 cô con gái. Ảnh: Tư liệu gia đình

“Má tôi và các cậu đã trưởng thành, lập gia đình nhưng bà ngoại vẫn lì xì cho may mắn. Chúng tôi còn nhỏ, dĩ nhiên cũng được nhận phong bao lì xì.

Cùng ngày, bà ngoại dẫn đoàn con cháu đi thăm mộ, viếng chùa, chúc Tết họ hàng. Đây là những hoạt động truyền thống, quan trọng nhất của gia đình tôi trong ngày đầu năm mới”, bà Thủy nhớ. 

Khi bà ngoại mất, bà Thủy lên Sài Gòn sống chung với bà Phết. Dù ở thành thị nhưng bà Phết ăn Tết theo nề nếp của gia đình. 

Khoảng 25, 26 Tết hàng năm, bà Thủy đưa mẹ về quê tảo mộ, dọn dẹp nhà thờ, mua hoa vạn thọ đặt trước nhà và mộ phần ông bà, tổ tiên.

Tiếp nối truyền thống “thương người như thể thương thân” của cha mẹ, bà Phết và con gái chuẩn bị quà Tết tặng cho lối xóm, người nghèo ở quê.

Bà Thủy chia sẻ: “Từ thời xưa, bà cố tôi đã làm việc thiện, đỡ đẻ không tính tiền và làm thuốc dưỡng thai tặng miễn phí cho thai phụ trong vùng.

Nghe tin ai mất mà không có tiền chôn cất, bà cố sai gia nhân mang cặp chiếu và mấy đồng bạc cho người ta làm đám ma. 

Đến đời bà ngoại tôi, dù chỉ là con dâu nhưng ngoại rất kính trọng và noi gương mẹ chồng làm phước”.

W-anh-6-lam-thi-phet-2.jpg
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy là con gái của bà Lâm Thị Phết. Ảnh: Ngọc Lài

Công chuyện ở quê ổn thỏa, mẹ con bà Thủy quay về TP.HCM, chuẩn bị nấu nướng, cúng kiếng…

Sáng mùng 1 Tết, bà Phết mặc áo dài đỏ, ngồi trên ghế cho con cháu chúc mừng năm mới. Bà Thủy hơn 50 tuổi vẫn được mẹ lì xì, phong thơ được hẳn 1 triệu đồng, còn con cháu của bà được mừng tuổi ít hơn.

“Má tôi tuyệt vời lắm. Bà rất yêu thương con cháu, tâm lý, đặc biệt ưu ái tôi nhất nhà.

Năm tôi 61 tuổi, má tự chuẩn bị làm bánh, kết vòng hoa vạn thọ, tổ chức lễ mừng cho tôi.

Má mất gần 10 năm, ngần đó thời gian tôi không được nhận lì xì, không còn cơ hội nắm bàn tay nhăn nheo, ấm áp của má”, bà Thủy nghẹn lời.

Tết của bà Thủy lại quay về thuở mẹ làm tình báo xa nhà. Chỉ khác ở chỗ, bà Thủy chờ ngày 30 Tết để thắp nén nhang, mời mẹ về ăn Tết cùng con cháu.