Tảo xoắn sản phẩm được quảng cáo cho bệnh nhân ung thư tiêu diệt tế bào ung thư. |
Bủa vây thực phẩm dành cho bệnh nhân ung thư
Chị Lê Thị Lan – 42 tuổi, ung thư vú giai đoạn 2B. Khi phát hiện bị ung thư việc đầu tiên chị Lan tìm tới không phải là bác sĩ tư vấn mà là cái gì tốt cho bệnh nhân ung thư. Ngay lập tức, chị Lan nhận được hàng triệu thông tin về các sản phẩm dành cho bệnh nhân ung thư.
Các sản phẩm đều được quảng cáo từ Úc, từ Nhật Bản, từ Pháp, từ Mỹ. Với những cái tên mỹ miều dành cho bệnh nhân ung thư. Mang hoang mang này đi tìm bác sĩ, chị Lan nhận được tư vấn nếu có tiền tấn thì cứ mua về dùng còn không thì cần tuân thủ điều trị là đủ.
Theo khảo sát có tới hơn 80% bệnh nhân ung thư sử dụng thực phẩm chức năng bao gồm dầu cá, chất chống ôxy hóa, vitamin và khoáng chất như một liệu pháp bổ sung mỗi ngày.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy một số hợp chất trong thực phẩm chức năng có thể giúp hạn chế tác dụng phụ của tiến trình điều trị ung thư, làm giảm sự khó chịu gây ra bởi các loại thuốc hóa trị liệu nhất định và bức xạ. Nhưng điều này mới chỉ là nghiên cứu và chưa được kiểm chứng trên người.
Một số nghiên cứu về thực phẩm chức năng bổ sung chất chống oxy hóa đã cho thấy những lợi ích, bao gồm giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lo sợ các thực phẩm chức năng dạng này cũng có thể làm giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư. Kết quả nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng do sự thay đổi trong liều dùng, hàm lượng thực phẩm chức năng và loại hình điều trị.
TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA cho biết hầu như ngày nào anh cũng nhận được lời tư vấn từ người bệnh là họ bị ung thư có dùng được thực phẩm chức năng này, sản phẩm kia hay không. Khi tất cả chỉ là quảng cáo thì bác sĩ chỉ khuyên người bệnh cần thận trọng trước bất cứ sản phẩm nào.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng cho bệnh nhân ung thư hiện nay đều chỉ là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Chưa có sản phẩm nào nghiên cứu trực tiếp trên người để đánh gia tác dụng thực sự của nó. Người bán hàng đánh vào những nghiên cứu này để quảng cáo còn người dùng thì không rõ thực phẩm chức năng nào tốt và chỉ tin vào nghiên cứu này, nghiên cứu kia được đưa ra.
Chưa có sản phẩm nào được chứng minh
TS Vũ cho biết hiện nay trên thế giới chưa có sản phẩm thực phẩm chức năng nào được công nhận chữa ung thư. Ngay cả fucoiden được quảng cáo “lên trời” với tác dụng tuyệt vời nhưng trên thực tế nó mới chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm.
Mỗi năm, thế giới tìm ra cả nghìn chất có tác dụng với tế bào ung thư và họ phải đi các bước tiếp theo. Chu trình thử nghiệm khi đưa thuốc trực tiếp vào tế bào dễ dàng hơn rất nhiều so với đưa vào mô hình động vật lại cấp độ khác.
Một sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra tới thực tế mất thời gian phải 10 năm đến 20 năm nên người dân không nên tin vào thực phẩm chức năng nhất là đối với thực phẩm chức năng cho bệnh nhân ung thư. Hơn nữa, bệnh nhân đang điều trị ung thư thường uống cùng lúc rất nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc tiềm ẩn.
TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD), thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng thực tế tại Việt Nam đi đâu ông cũng bắt gặp thực phẩm chức năng. Một nguồn thị trường béo bở cho những người kinh doanh loại sản phẩm này.
Tại Việt Nam, thực phẩm chức năng được quảng cáo trên trời nhờ có sự trợ giúp của một số “ông nọ, bà kia” đều là người có chức quyền, có chuyên môn đã về hưu, điều này khiến thực phẩm chức năng tại Việt Nam trở thành siêu thực phẩm mà người dân không biết rằng tất cả chỉ là quảng cáo.
Hiện nay, thực phẩm chức năng đã đi về tới tận các thôn làng, từ thành thị tới nông thôn thậm chí nó trở thành mạng lưới bán hàng đa cấp . Điều này rất xấu vì có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, bỏ bê kiểm soát nguồn gốc. Chính vì thế mới dẫn tới hiện tượng thực phẩm chức năng sản xuất tại bãi giữa Sông Hồng như ở Hà Nội thời gian qua mà các đơn vị liên ngành vừa phát hiện ra.
K. Chi