"Sập bẫy" lừa
Mới đây, một nam thanh niên tên là Lee Wai Kuen (Malaysia) đã bị cảnh sát bắt giữ do lừa đảo rồi rút tiền từ thẻ tín dụng của một khách hàng mua điện thoại.
Nạn nhân tên là Jin đã chia sẻ câu chuyện bị lừa trên mạng xã hội để cảnh báo những người khác. Theo đó, Jin đọc được một quảng cáo bán điện thoại Huawei P30 Pro với giá 2.800 Ringit (~9,1 triệu đồng). Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Quảng cáo được một người bán tự xưng là Felix Tan đăng tải. Tuy nhiên, đây không phải là tên thật.
Jin liên lạc với Felix hỏi mua điện thoại. Hai người đồng ý gặp nhau lúc 14h tại một quán cà phê. Người bán còn trẻ tuổi, mang một chiếc túi màu xanh đựng hộp iPhone XS còn chưa bóc tem. Nhưng đây là chiếc điện thoại mà nam thanh niên nói là bán cho một người khác.
Sau khi gặp, người tự xưng là Felix cho biết, anh ta sẽ đến nơi làm việc để lấy điện thoại mà vị khách cần mua. Felix hỏi Jin về thẻ tín dụng để có thể thanh toán số tiền mua điện thoại. Tuy nhiên, Jin từ chối đưa cho chàng trai trẻ. Nam khách hàng này muốn đi theo Felix và sẽ quẹt thẻ để thanh toán tại chỗ.
Mở hộp iPhone ra, Jin sốc khi chỉ có đinh và bản lề. |
Nhưng Felix lại bao biện vì sếp không muốn đưa người ngoài vào văn phòng, do anh ta đang mua chiếc điện thoại này với mức giá giảm dành cho nhân viên.
Felix quay sang thuyết phục Jin đưa thẻ tín dụng cho anh ta. Thậm chí, nam thanh niên này trấn an anh ta chỉ đi một chút rồi sẽ quay lại. Thậm chí, dường như để làm tin với vị khách, Felix còn để lại chiếc iPhone XS còn nguyên trong hộp kèm thẻ tín dụng của anh ta khi cầm thẻ của Jin đi thanh toán khoản tiền mua điện thoại.
Nghe lời Felix, Jin đưa thẻ tín dụng cho anh ta. "Trong khi đang đi thanh toán, anh ta nói quẹt thẻ và hỏi tôi có nhận được mã OTP hay không, tôi nói không nhận được", Jin viết. Trên thực tế, khi quẹt thẻ tín dụng không có chuyện báo mã OTP mà chỉ là thông báo thanh toán số tiền bao nhiêu ở thời điểm đó qua tin nhắn.
Chiêu trò lừa đảo
Sau đó, Felix đề nghị Jin cung cấp mã PIN (mật khẩu thẻ để rút tiền từ ATM) của thẻ để thanh toán nhanh hơn. Vì muốn giải quyết mọi chuyện nhanh chóng để quay về làm việc, Jin đồng ý cung cấp mã PIN
"Đây là sai lầm, tôi biết hầu hết các bạn nghĩ thật ngu ngốc khi đưa mã PIN", Jin tự trách mình. Điều khiến Jin cảm thấy an toàn ở thời điểm đọc mã PIN cho Felix là có trong tay hộp iPhone XS còn nguyên tem và thẻ tín dụng mà nam thanh niên để lại.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, Jin nhận được tin nhắn của ngân hàng thông báo có người rút từ thẻ tín dụng của anh ta số tiền 1.500 Ringit (~4,89 triệu đồng). Lúc đó, Jin mới nhận ra, thanh toán kiểu quẹt thẻ tín dụng sẽ không cần phải rút tiền và không cần ra cây ATM.
Ngay lập tức, Jin gọi điện cho tổng đài của ngân hàng để báo khóa thẻ tín dụng. Nhưng khi gọi vào, đường dây nóng phải bấm chọn ngôn ngữ, nghe thông báo về khoản phí mới đưa ra mất khoảng 1 phút. Tiếp đó, lúc 14h16', tin nhắn điện thoại lại thông báo có ai đó rút 1.500 Ringit (~4,89 triệu đồng) và một lần khác là rút 1.500 Ringit (~4,89 triệu đồng) từ thẻ tín dụng.
Trong khi đó, lúc 14h18', anh mới báo được rằng thẻ bị mất hoặc bị đánh cắp. Khoảng 10 giây sau, nhân viên tổng đài ngân hàng mới trả lời để khóa thẻ.
Lúc 14h19' và 14h20', thẻ bị rút 2 lần tiền, mỗi lần 1.500 ringit. Lúc 14h21', một tin nhắn báo có người rút 1.500 Ringit (~4,89 triệu đồng). Chỉ trong 5-6 phút, có 6 giao dịch rút tiền từ thẻ tín dụng được thực hiện. Tổng cộng số tiền bị rút ra là 9.000 Ringit (~29 triệu đồng).
Điều đáng nói là khi mở chiếc hộp iPhone mà Felix để lại, Jin sốc vì bên trong chẳng có chiếc iPhone nào mà chỉ là đinh, bản lề kim loại. Jin nhanh chóng báo sự việc với cảnh sát. Cảnh sát Malaysia đã vào cuộc điều tra và bắt giữ đối tượng lừa đảo Lee Wai Kuen.
(Theo Dân Việt)