- Còn một tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ 1-4/7). Để giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi quan trọng này, VietNamNet xin tư vấn cách làm bài thi từng môn giúp thí sinh lên kế hoạch ôn tập hiệu quả. Dưới đây là bí kíp làm bài thi môn Toán.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. |
Thạc sĩ Ngô Thanh Sơn, Tổ trưởng tổ Toán trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM cho biết: Trong những ngày gần thi do tâm lý quá lo lắng nên một số em tiếp tục ôn thi rất căng thẳng: thức quá khuya, sưu tầm thêm bài tập lạ và khó để giải. Thật ra điều này là không nên vì chỉ khiến các em mất sức khỏe, thời gian và sự tự tin.
Các em nên ôn tập một cách nhẹ nhàng bằng cách xem lại các bài tập và các công thức đã được học trong năm. Cố gắng để khi vào phòng thi, các em có được một sức khỏe tốt, một tâm lý thoải mái để có thể làm bài thi đúng như sức học bình thường của mình. Đa số học sinh vào phòng thi đều làm bài kém hơn lúc bình thường.
Ảnh Lê Anh Dũng |
Phải đọc đề kỹ trước khi bắt đầu làm bài, tuyệt đối tránh tình trạng hiểu sai đề. Làm bài theo nguyên tắc: chọn những câu dễ để làm trước, câu khó làm sau. Các em không được làm tắt, nên thực hiện các phép biến đổi một cách cẩn thận và chậm rãi ngay trong bài thi nếu bài toán đã có hướng giải quyết đúng. Các em cần lưu ý đặt điều kiện cho bài toán có nghĩa, sau khi giải xong phải kiểm tra lại kết quả, thử lại các nghiệm xem có thỏa mãn yêu cầu bài toán hay không.
Nên làm bài ngay vào giấy thi, giấy nháp chỉ dùng để thử và tìm ra các phương pháp giải khi chưa biết chắc cách giải đó có đi đến kết quả hay không. Trong khi làm bài, các em phải tập trung toàn bộ tâm trí vào công việc của mình, đừng nghĩ đến đậu hay rớt, điểm cao hay điểm thấp vì bất cứ ý nghĩ (không đúng lúc) nào cũng làm tốn năng lượng và phân tâm.
Theo thạc sĩ Kiều Văn Vượng, giáo viên Toán trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội): Muốn đạt được điểm cao ngoài việc phải nắm kiến thức cơ bản thì học sinh cần có khả năng giải quyết các bài mang tính phân loại. Dưới đây là một số kinh nghiệm ôn thi môn Toán tôi đúc kết trong thời gian giảng dạy học sinh cuối cấp:
Nội dung ôn tập cần bám sát với cấu trúc đề thi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ban hành.
Ôn tập đầy đủ, bao quát các phần kiến thức, từ cơ bản đến nâng cao. Đi đôi với ôn tập lý thuyết là các ví dụ chọn lọc minh họa để có hiểu kiến thức và biết cách vận dụng, đồng thời có hệ thống bài tập tự làm nhằm củng cố lý thuyết, rèn kỹ năng làm bài cho bản thân.
Môn Toán thi theo hình thức tự luận nên ngoài việc vận dụng kiến thức để tư duy tìm lời giải cho bài, học sinh cũng cần rèn luyện cách trình bày. Mục đích là có thể lấy được điểm tối đa của các câu, ý mình có thể giải được.
Đây là giai đoạn nước rút do vậy học sinh nên xem lại kiến thức tổng hợp đã nắm được. Đối với môn Toán, việc giải quyết các bài toán yêu cầu các bạn phải nắm được các kiến thức cũ của những năm trước. Điển hình là bài toán khảo sát, các kiến thức cũ cần nắm được như đạo hàm và giới hạn của chương trình lớp 11. Hay như bài hình học phẳng cần có kiến thức cũ của lớp 10 và lớp 9.
Học sinh cần cụ thể về thời gian ôn tập trên mỗi chủ đề kiến thức. Phần kiến thức nào quan trọng, hay xuất hiện trong đề thi và dễ lấy được điểm thì dành thời gian để ôn tập nhiều hơn. Tất cả chủ đề đều được ôn tập chứ học sinh không “học tủ”, bên cạnh đó cũng không ôn tập một cách tràn lan.
Với cấu trúc đề thi như hiện tại có khoảng 60-70% là mức độ trung bình nên có thể ôn tập phần đó tương đối dễ. Rất nhiều phần kiến thức đó nằm trong chương trình lớp 12, do vậy đọc và xem lại tất cả kiến thức cũng không khó để đạt điểm 6-7.
Khi nhận đề thi, học sinh nên dành thời gian để đọc đề khoảng 5 phút (bằng thời gian từ lúc phát đề đến lúc tính giờ làm bài), ghi chú những dạng bài quen thuộc hay đã biết định hướng làm bài.
Nên làm những câu dễ nhất đầu tiên. Thứ nhất là để lấy chắc điểm phần đó. Thứ hai là giải tỏa tâm lý vì sau khi nhận đề hầu như tất cả thí sinh đều hồi hộp xen với lo lắng không biết đề khó dễ thế nào. Khi làm được những câu đầu tiên một cách trôi chảy có thể tạo tâm lý hưng phấn để làm các câu tiếp theo.
Nên phân bố thời gian hợp lý. Học sinh không nên lao vào làm câu khó trước vì rất dễ mất nhiều thời gian mà chưa chắc đã làm được. Việc nháp bài và sử dụng máy tính hỗ trợ tính toán cũng rất quan trọng. Nháp bài thì không cần đẹp, sạch, tránh mất nhiều thời gian vì viết nháp hay vẽ nháp là để tìm hướng giải bài hoặc trình bày vắn tắt. Dùng máy tính hỗ trợ để đỡ mất thời gian nhẩm hay tính toán nhưng phải nhập cho máy tính đúng dữ kiện thì máy mới đưa ra kết quả chính xác.
Nên trình bày bài cẩn thận, lời giải cần rõ ràng, mạch lạc và lôgic. Chữ viết cần dễ đọc, sạch sẽ. Không nên dùng bút xóa khi làm bài thi, nếu sai ta chỉ cần gạch đi và viết lại. Kết thúc mỗi câu thường phải có kết luận của câu đó.
10 lưu ý quan trọng khi làm bài 1. Đọc kỹ đề. Đọc thật kỹ từng chữ trong đề, phân tích từng ý hỏi để nắm được các vấn đề cần giải quyết. Mỗi câu hỏi có nhiều ý, cần tách rõ và giải quyết từng ý, khi trình bày cũng xử lí từng ý để người chấm có thể cho điểm theo ý. 2. Câu khảo sát: Không vẽ đồ thị bằng bút chì, trình bày theo thứ tự các ý hỏi, chú ý viết cẩn thận các điều kiện, không vẽ đồ thị vượt quá độ dài 2 trục OX và OY. 3. Câu hình: Cũng không được dùng bút chì (trừ hình tròn), vẽ hình to, rõ. Hình không gian thì chú ý nét liền, nét đứt. Hình oxy thì cố gắng vẽ thật chính xác, có thể vẽ nháp nhiều hình để quán sát tính chất. Trình bày câu hình chú ý chi tiết, rõ ý cho từng ý hỏi. Người chấm sẽ nắm ý của mình dễ hơn, đôi khi có nhầm lần trong lúc viết nhưng đại thế đúng, ý rõ ràng, mạch lạc thì người chấm vấn châm trước được. 4.Các bài toán về phương trình, hệ, bất phương trình việc đầu tiên là đặt điều kiện. Riêng đối với phương trình logarit đến 90% các bài toán sẽ phải loại bớt nghiệm do điều kiện. Nếu không tìm được điều kiện thì sau khi tìm được nghiệm cần thay trở lại phương trình để kiểm tra. Khi đó chúng ta cần chú ý việc viết dấu suy ra và dấu tương đương cho hợp lý. (Tuyệt đối chú ý việc viết dấu suy ra, tương đương hợp lý vì rất nhiều học sinh mất điểm ở lỗi này). 5. Khi cần dùng đến các công thức nên viết công thức tổng quát trước rồi mới thay số, để nếu có sai sót trong quá trình tính toán thì người chấm cũng có thể châm trước cho các em điểm ở việc hướng làm đúng. 6. Khi trình bày không nên bỏ bước, phải coi như mình đang trình bày cho một bạn rất dốt về Toán. Chú ý việc chia ý 1 điểm thành 4 ý nhỏ, chia ý 0.5 điểm thành 2 ý nhỏ trong việc trình bày. Xem kỹ barem chấm điểm thi ĐH, CĐ, tốt nghiệp các năm trước để biết được các điểm được tính ở ý nào. 7. Trình bày thoáng – sạch sẽ, dễ nhìn bài thi, không nên viết chữ quá dày, viết số và tham số rõ ràng để tránh tình trạng người chấm nhìn nhầm. Khi bị sai chỉ cần gạch ngang phần sai và ghi xuống dưới làm lại câu… ý… Nhiều bạn thường mất điểm ở các câu dễ do phần xóa đi và phần làm bài xen kẻ nhau nên khi chấm dễ bị bỏ sót. Cuối mỗi bài toán nên có một câu kết luận. Có thể là viết lại đáp số hoặc trả lời câu hỏi của đề bài để người chấm thi biết được thí sinh đã kết thúc bài đó hay chưa và có cảm tình hơn khi chấm bài. 8. Nháp cẩn thận nhưng không nên nháp quá nhiều, gây mất thời gian và dễ sai, nhầm lẫn khi chép từ giấy nháp vào bài làm. Xem giấy nháp như là công cụ hỗ trợ chứ đừng làm xong trên nháp mới chép vào bài thi.’ 9. Phải dành 5-10 phút để soát lại bài, đặc biệt là khi soát cần lưu ý đến các sai sót mà bản thân các em hay gặp phải và tránh việc nhầm lẫn, bỏ sót ý nào đó. 10. Cuối cùng hãy cẩn thận hết sức khi làm bài thi, đừng để vì chủ quan, sơ ý mà mất đi 0.25 điểm - là có thể từ đỗ kẻ trượt rồi. |
Lịch thi cụ thể như sau:
PV (tổng hợp)