Động thái gần đây của Malaysia trong việc gia tăng phòng thủ hàng hải ở bang Sabah và Sarawak được các nhà phân tích coi là bắt nguồn từ các lợi ích hàng hải hoặc tranh chấp lãnh thổ.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein. Ảnh: Getty Images |
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein tuyên bố việc thiết lập một lữ đoàn hàng hải và xây dựng căn cứ hải quân mới tại Bintulu. Đây là một thị trấn ven biển thuộc Biển Đông và chỉ nằm cách bãi cạn James 60 hải lý, nơi hải quân Trung Quốc từng diễn tập quân sự hồi tháng 3 để củng cố cho những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của mình trên Biển Đông.
Theo ông Hishammuddin, mục đích của căn cứ hải quân là bảo vệ trữ lượng dầu và những vùng nước lân cận. "Bộ Quốc phòng sẽ xây căn cứ hải quân mới nhằm đảm bảo an toàn ở vùng biển phía đông Malaysia. Bintulu cần được bảo vệ do vị trí chiến lược quan trọng trong ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hoá thạch đang trỗi dậy”, ông Hishammuddin đề cập một số dự án khai thác dầu khí ngoài khơi.
Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia Tang Siew Mun cho rằng, những động thái kể trên là dấu hiệu cho thấy chính phủ Malaysia đang đặt tầm quan trọng lớn hơn vào các lợi ích hàng hải. Ông mô tả: "Động thái này cho thấy sự chuyển hướng trong tư duy của Malaysia ở cương vị một quốc gia hàng hải đồng thời gửi tín hiệu cho các đối tác khác rằng, họ quyết tâm đẩy lùi bất kỳ thử nghiệm nào đối với lợi ích lãnh thổ và chủ quyền”.
Do sự gần gụi của căn cứ Bintulu với bãi James nên một số nhà phân tích còn lập luận rằng, vấn đề Biển Đông cũng được đặt ra với Malaysia. "Dĩ nhiên, họ sẽ không nói các quyết định phòng thủ gần đây của họ liên quan tới Biển Đông”, nhà phân tích Ian Storey tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói. Theo ông, việc lập căn cứ hải quân là phản ứng trước quan điểm ngày càng cứng rắn của Trung Quốc.
"Về mặt lịch sử, Malaysia thường có xu thế làm dịu đi tác động tiêu cực trong mối quan hệ với Trung Quốc”, Storey nói. "Nhưng sự chuẩn bị quân sự của Malaysia bao gồm một hạm đội tàu ngầm rõ ràng là hướng tới việc phòng thủ các ranh giới hàng hải cũng như tuyên bố chủ quyền".
Dĩ nhiên, giới phân tích an ninh
nhấn mạnh, vị trí của căn cứ mới ở Bintulu là do thị trấn và cảng biển của nó
đóng vai trò chủ chốt với công nghiệp vận tải biển của Malaysia.
Theo tiến sĩ Euan Graham của Trường S. Rajaratnam, Singapore, các động thái mới của Malaysia có thể xem là một phần xu thế chung hướng tới sự phát triển hàng hải trong khu vực. "Cản trở sự xâm nhập của phiến quân Sulu là ưu tiên hàng đầu, nhưng Trung Quốc lại là một nhân tố lớn hơn phía sau mà Malaysia tính tới. Họ không muốn làm tổn hại tới quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, muốn giữ cách tiếp cận ngoại giao hoà giải trong vấn đề Biển Đông”.
Hôm 23/10, siêu tàu sân bay Mỹ USS George Washington đã tới Malaysia. 16 quan chức chính phủ cấp cao của Malaysia đã được mời thăm tàu sân bay của Mỹ, trong đó có Thứ trưởng quốc phòng Shakib Ahmad Shakir. Tùy viên quân sự Mỹ tại Malaysia đã chào đón họ lên thăm tàu sân bay, trong khi con tàu di chuyển trên Biển Đông và phóng các máy bay chiến đấu. Nhóm tàu sân bay tác chiến số 5 cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng Malaysia.
Malaysia là một trong 4 nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển bất chấp sự chồng lấn nhưng Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết diện tích, kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nước khác.
Thái An (theo
Malaysianinsider)