Sáng 1/9, trong chuỗi chương trình Tết Độc lập 2/9 năm 2023 do huyện Than Uyên tổ chức diễn ra lễ cúng cơm mới của người Khơ Mú. Đây là hoạt động văn hoá qua nhiều thế hệ của người Khơ Mú tại tỉnh Lai Châu. 

Người Khơ Mú ở Than Uyên cư trú tập trung ở các bản Thẩm Phé - xã Mường Kim, Bản Mè - xã Ta Gia và các bản Noong Ỏ, Noong Ma - xã Tà Hừa. Văn hóa truyền thống của đồng bào là văn hóa nương rẫy, văn hóa tre trúc và một số đặc trưng phản ánh qua phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội dân gian. 

Trong một chu kỳ canh tác nông nghiệp, sau khi thu hoạch xong mùa màng, các gia đình dâng cúng lên tổ tiên những hạt nếp cốm mới với nhiều sinh hoạt cúng tế và vui chơi độc đáo. Mỗi gia đình tổ chức lễ cơm mới trong một ngày. Gia đình này nối tiếp gia đình khác tạo nên một mùa lễ hội - Lễ hội Cơm mới.

Chủ lễ Hoàng Văn Tiến (bản Thẩm Phé, xã Mường Kim) mở đầu lễ cúng cơm mới của người Khơ Mú bằng lễ cúng thổ địa. Mâm cỗ cúng gồm thủ lợn, đuôi lợn, một con gà trống hoa, một bát cơm, quả trứng, xôi, rượu...

Để chuẩn bị cho lễ hội cơm mới, ngoài cốm, người dân Khơ Mú chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng như rượu cần, rượu cất, 1 đôi gà trống hoa, xôi trắng, xôi đỏ, các loại rau cùng sản vật của núi rừng như cá, cua, chuột, sóc…

Lễ hội cơm mới được mở màn bằng nghi lễ “Thỉnh mời tổ tiên”, ông chủ lễ kính cẩn mời tổ tiên về dự và khấn kể về nguồn gốc của lễ hội. Nghi thức thứ hai là cầu may - chủ nhà bưng chõ xôi đỏ có 2 đồng tiền bên trong ra giữa nhà. Chõ xôi được đổ xuống đất kèm theo câu nói của bà chủ nhà: "Ăn nên làm ra nhớ". Sau đó, rất đông người dân Khơ Mú chen nhau vào bới đồng tiền với hy vọng năm tới sẽ khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.

Sau màn tranh xôi, chủ lễ thực hiện nghi thức phát lộc. Chủ nhà bưng đĩa gạo cốm, trong đó có 5 đồng tiền rồi vung cốm ra xung quanh 5 lần. Người Khơ Mú tin rằng những đồng tiền đó rơi trúng vào ai thì người đó năm tới sẽ may mắn.

Nghi thức cuối cùng trong chuỗi nghi lễ là hát mừng cơm mới. Một bà lão phúc hậu sẽ đại diện dân làng hát mừng gia đình năm qua được mùa. 

Bên cạnh việc làm lễ cúng cơm mới, người Khơ Mú còn tổ chức các hoạt động khác như hội thi uống rượu cần, điệu xoè trống chiêng... 

Nghi lễ rót rượu vào gốc cây nêu mời thổ địa.
Sau các nghi lễ cúng thổ địa, một người đàn ông sẽ tung 2 thanh nứa dài chừng 10cm, rộng 2cm lên không trung. Nếu một thanh sấp, một thanh ngửa phải cúng lại lần nữa, bao giờ 2 thanh nứa cùng ngửa hoặc cùng sấp là lễ cúng thành công.
Tiếp sau lễ cúng thổ địa sẽ là lễ cúng cơm mới.
Mâm lễ cúng cơm mới có các lễ vật hơi khác mâm cúng thổ địa.
Bước tiếp theo, những người đàn ông thực hiện nghi lễ uống rượu cần. Uống rượu cần là một phần của lễ cúng cơm mới.
Sau khi lễ cúng cơm mới hoàn thành, người dân cùng thực hiện nghi lễ tranh xôi, mỗi người đều cố giành lấy một phần xôi nhỏ.
Người dân vui mừng với phần lộc giành được.
Chủ nhà làm lễ cơm mới tiếp tục bưng đĩa gạo cốm cùng tiền lẻ vãi ra xung quanh, người dân tin rằng những đồng tiền lẻ trúng vào ai thì người đó sẽ có một năm đầy đủ, hạnh phúc.
Hát mừng cơm mới là bài hát không thể thiếu trong nghi lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú. Cụ Lò Thị Hằng năm nay tròn 78 tuổi đảm nhận hát chính cho biết, theo phong tục cụ bà cao tuổi trong bản sẽ đứng ra lĩnh xướng hát mừng cơm mới.
Cuối cùng là điệu múa mừng cơm mới.
Điệu múa diễn ra trong tiếng chiêng trống tưng bừng. Người đánh trống không chỉ gõ trống đơn thuần mà còn kết hợp cùng các điệu múa.