Mạng 5G được thương mại hóa từ năm 2019 và là công nghệ di động phát triển nhanh nhất thế giới tính đến nay. Theo nhà sản xuất thiết bị mạng Ericsson, dự kiến đến năm 2029, 85% dân số toàn cầu sẽ sử dụng mạng 5G.

Dù vậy, doanh thu trung bình (ARPU) trên mỗi thuê bao của người dùng cá nhân (B2C) không cao do doanh nghiệp viễn thông không tăng cước mà chỉ tạo ra gói dung lượng lớn hơn.

Tại Việt Nam, trong năm 2024, hai nhà mạng Viettel và VinaPhone đã chính thức khai trương mạng 5G. Các chuyên gia đánh giá công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam bắt kịp thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh...

Thế hệ mạng 5G mới với tốc độ cao (về lý thuyết nhanh gấp 10 lần 4G), độ trễ thấp (về lý thuyết dưới 1 mili giây) được kỳ vọng mang lại những giá trị đáng kể cho khối chính phủ và doanh nghiệp.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, “5G được kỳ vọng không chỉ vì tốc độ cao, độ trễ thấp mà còn bởi IoT, Private Mobile Network của doanh nghiệp, B2B”.

W-Doan Quang Hoan.jpg
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, chia sẻ về công nghệ 5G tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” ngày 26/12. Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết các nhà mạng viễn thông từ trước đến nay chủ yếu cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, công cộng, song với mạng 5G, “việc cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng cho các thành phần kinh tế rất quan trọng”. Những ứng dụng 5G với độ trễ thấp, dung lượng truyền tải lớn, mật độ cao phù hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là khối công nghiệp.

Báo cáo của hãng nghiên cứu Allied Market chỉ ra thị trường 5G B2B toàn cầu sẽ tạo ra doanh thu đáng kể, đạt 16,8 tỷ USD năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 34%.

Khi nhiều doanh nghiệp trong mọi ngành công nghiệp đang trải qua chuyển đổi số quy mô lớn, 5G sẽ mở ra kỷ nguyên kết nối hoàn toàn mới.

Khi kết hợp với các công nghệ khác như điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), 5G sẽ tạo ra hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ và use case phục vụ mọi khía cạnh và lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội.

Với những tiến bộ vượt trội so với 4G, 5G mang đến cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông khai phá không gian kinh doanh mới, đặc biệt trong việc phục vụ khối khách hàng chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp (B2B).

W-Nguyen Phong Nha.jpg
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cá thể hóa ứng dụng 5G cho từng đối tượng là rất quan trọng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Là nhà mạng đầu tiên thương mại hóa 5G tại Việt Nam, Viettel cho biết mới chỉ có một số doanh nghiệp FDI và nhà máy đang sử dụng 5G song nhu cầu của các đơn vị như khu công nghiệp, sân bay, bến cảng… là rất lớn.

Nhà mạng đang bắt tay với các nhà cung cấp ứng dụng để bắt đầu nghiên cứu, phát triển các giải pháp ứng dụng mạng 5G, bao gồm cả mạng dùng riêng Private 5G, phục vụ các cụm doanh nghiệp, nhà máy, khu thương mại.

Viettel cũng phối hợp với khách hàng để “may đo”, “làm đúng những gì họ mong muốn, giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn và đảm bảo rằng hạ tầng 5G của chúng ta đáp ứng được nhu cầu của họ”, ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel, chia sẻ.

VinaPhone – nhà mạng vừa “bấm nút” khai trương 5G vào ngày 20/12 – cũng cho rằng khách hàng B2B nhận thức rõ được những giá trị, lợi ích khi ứng dụng 5G và sẵn sàng áp dụng công nghệ mới như 5G, IoT ngay.

Tuy nhiên, có một trở ngại là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi. Vì vậy, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn. 

“Phải xác định 5G là dùng cho Chính phủ, doanh nghiệp. Những dự án chính phủ làm sẽ tạo ra các lưu lượng trao đổi, sử dụng, use case” là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng công ty MobiFone.

Ông cho biết mục tiêu của MobiFone đặt ra khi cung cấp dịch vụ 5G trong thời gian tới là hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ sinh thái về giáo dục, y tế… thông qua bộ sản phẩm riêng.

Trong khi đó, từ thực tế quản lý khoảng 550 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp Tự động hóa Công ty cổ phần Tntech, thấy rằng họ luôn có nhu cầu áp dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác quản lý vận hành tối ưu.

Ông đề xuất các nhà mạng dựa trên nền tảng công nghệ 5G có thể nghiên cứu giải pháp tích hợp đi kèm như cảm biến IoT đi kèm ứng dụng 5G, module AI xây dựng sẵn để khách hàng có nhu cầu sử dụng, từ đó mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp, xã hội.