Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Song song với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh đặc biệt quan tâm.

{keywords}
Vui lễ hội hoa ban ở Sơn La.

Trên tinh thần đó, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 156/KH-UBND về việc triển khai Đề án Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của đề án là xây dựng và tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó chương trình góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đồng thời đề án này cũng đặt mục tiêu phát huy vai trò làm chủ của người dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương.

Đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là đối tượng hưởng lợi của đề án này. Trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn có dân số dưới 10.000 người, được xét theo tiêu chí tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó tỉnh Sơn La có dân tộc La Ha), nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn gồm: Mông, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú.

Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của Đề án Chương trình hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

Tăng cường, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân đối với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao, du lịch kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Chính sách đặc thù hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ, trưởng thôn, bản, người uy tín trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ. 

Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và kinh doanh các dịch vụ văn hóa, các điểm vui chơi giải trí tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của nhân dân về công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân văn hóa, văn nghệ tham gia vào các hoạt động phong trào, Câu lạc bộ văn hóa.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ văn hóa, thế thao và du lịch cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, cán bộ của Đội tuyên truyền lưu động, Đội chiếu phim lưu động.

Sử dụng và phát huy các thành tựu khoa học công nghệ tổ chức đa dạng các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Hữu Khôi
Ảnh: Đàm An