Mới đây, một ứng dụng mới nổi lên ở Nhật Bản mang tên Crabhouse phàn nàn rằng, họ gặp khó khăn vì trùng tên với mạng xã hội Clubhouse. Trên Twitter, nhà phát triển Gai chia sẻ: “Bản cập nhật Crabhouse bị App Store (của Apple) từ chối, với lý do 'cái tên gây hiểu lầm'. Giờ làm thế nào để khắc phục điều này?”
Trong Crabhouse, người dùng được vào một căn phòng ảo đầy cua, số lượng cua phụ thuộc vào số thiết bị đang bật ứng dụng. Bằng cách chạm vào từng con cua, người dùng được tìm hiểu về loài động vật này. Crabhouse đã có 150.000 lượt tải xuống và gần 2.000 lượt đánh giá 5 sao trên App Store.
Trong khi đó, Clubhouse là nền tảng mạng xã hội dựa trên chat audio, tạo nên cơn sốt toàn cầu thời gian qua. Clubhouse có sự xuất hiện của nhiều người nổi tiếng tham gia trò chuyện. Đầu tháng 2 vừa qua, tỷ phú công nghệ Elon Musk có cuộc hỏi đáp trên đó với CEO Vladimir Tenev của sàn môi giới chứng khoán Robinhood.
Ứng dụng Crabhouse phàn nàn rằng, họ gặp khó khăn vì trùng tên với mạng xã hội Clubhouse. |
Đối với những người nói tiếng Anh, sự khác biệt giữa Crabhouse và Clubhouse là khá rõ ràng. Nhưng trong tiếng Nhật, cách phát âm của các chữ cái “l” và “r” hầu như có thể hoán đổi cho nhau; tương tự như vậy là các nguyên âm tiếng Anh “a” và “u”. Vì thế “Crab” và “Club” khá giống nhau, nhất là khi được hiển thị bằng bảng chữ cái katakana.
Thực tế 2 ứng dụng thuộc 2 mảng khác nhau, nên cũng có nhiều ý kiến ủng hộ Crabhouse được giữ nguyên tên cũ. Một người bình luận trên mạng: “Đó là câu chuyện phổ biến của các nhà phát triển. Chính sách của họ (Apple) khá thiếu công bằng và chủ yếu theo phong trào”.
Dù sao Clubhouse ra đời trước, nên Apple vẫn đứng về phía mạng xã hội audio này. Rốt cuộc, Crabhouse quyết định đổi tên thành Crabhome trên kho ứng dụng Apple, dù trên kho Google vẫn là tên cũ.
Anh Hào (Theo Japan Today)
Dữ liệu âm thanh của Clubhouse bị rò rỉ làm tăng lo ngại về bảo mật
Hiện vẫn chưa xác định được nguồn gốc hoặc danh tính của kẻ tấn công là nguyên nhân gây ra vụ rò rỉ vào cuối tuần trước.