Thứ trưởng Giao thông Malaysia Abdul Aziz Kaprawi vừa xác nhận mảnh vỡ tìm thấy ở đảo Reunion là của máy bay Boeing 777.

"Căn cứ vào mã số được in phía trên mảnh vỡ, đã có thể khẳng định rằng nó thuộc về một chiếc máy bay Boeing 777. Hãng Hàng không Malaysia Airlines đã thông báo tin này cho chúng tôi", ông Abdul Aziz Kaprawi cho biết.

Trước giờ chưa có một chiếc Boeing 777 nào gặp nạn trên biển, do đó với khẳng định trên của ông Kaprawi, thì mảnh vỡ vừa được tìm thấy nhiều khả năng thuộc về chiếc máy bay số hiệu MH370 mất tích tháng 3 năm ngoái.

{keywords}
Mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion. (Ảnh: CNN)

Theo những bức ảnh chụp mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion, mã số này là 657BB. Mảnh vỡ cũng được xác định là cánh tà. Vật thể này hiện đã được gửi tới Pháp để phân tích xem có thuộc về máy bay MH370 hay không.

Thứ trưởng Giao thông Malaysia khẳng định, phát hiện này sẽ đưa các nhà điều tra tiến gần hơn tới việc làm sáng tỏ bí ẩn về chuyến bay mang số hiệu MH370.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định chỉ có hãng sản xuất máy bay Boeing mới có thể xác nhận về nguồn gốc của bộ phận này. Theo ông, hãng sản xuất đã có những điều chỉnh kỹ thuật ở cánh tà, giúp nó dễ nhận dạng hơn.

"Có một vài điều chỉnh kỹ thuật trong cánh tà do chính Boeing thực hiện. Chỉ có Boeing mới có thể xác nhận cánh tà có thuộc MH370 hay không. Chỉ sau khi xác định được những bộ phận trong cánh tà, họ mới có thể đảm bảo nó là của MH370”, ông nói thêm.

{keywords}
Hình vẽ mô tả vị trí của cánh tà trên cánh máy bay Boeing 777. (Ảnh: CNN)

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN dẫn một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, các điều tra viên của hãng Boeing cũng tin tưởng rằng, mảnh vỡ tìm được trên đảo Reunion, cách phía đông Madagascar 700km, là từ một chiếc máy bay 777.

Nguồn tin nói rằng, các điều tra viên Boeing đã căn cứ trên những bức ảnh chụp mảnh vỡ để phân tích, cũng như mã số được dập trên mảnh vỡ. Ngoài ra, hình ảnh còn cho thấy, mảnh vỡ này khớp với cánh tà trên cánh bên phải máy bay.

Trong khi đó, cũng theo CNN, phòng thí nghiệm ở Balma (Pháp) có đủ năng lực để "nhận dạng nhanh" mảnh vỡ thuộc về loại máy bay nào và điều gì đã xảy ra. Phòng thí nghiệm này từng giúp đỡ điều tra vụ máy bay Air France gặp nạn năm 2009.

Theo kế hoạch, đêm nay (31/7, giờ địa phương), mảnh vỡ sẽ được chuyển tới Toulouse, Pháp, để các nhân viên điều tra tiến hành phân tích. Hiện chưa rõ tiến trình nhận dạng này sẽ kéo dài tới khi nào và bao giờ kết quả mới được công bố chính thức.

Trong một diễn biến khác, trang Airlive.net, đưa tin một số đồ nhựa có chữ tiếng Trung Quốc và Indonesia đã được phát hiện hôm 30/7 trên bãi biển Saint-Andre, đảo Reunion, gần nơi tìm thấy mảnh vỡ máy bay và chiếc vali rách.

Những vật dụng này gồm một chai nước mang nhãn tiếng Trung Quốc và một chai nước tẩy mang nhãn chữ Indonesia. Airlive.net là trang web theo dõi sát diễn biến vụ việc chuyến bay số hiệu MH370, kể từ khi chiếc máy bay này bị mất tích hồi tháng 3 năm ngoái.

Boeing 777 là dòng máy bay phản lực hai động cơ, thân rộng, chuyên bay đường dài do Boeing sản xuất. Loại máy bay này có 6 dòng, gồm 777-200, 777-200ER, 777-200LR, 777-300, 777-300ER và một máy bay chở hàng - 777 Freighter.

Trong lịch sử 19 năm hoạt động, máy bay Boeing 777 mới chỉ có liên quan tới 11 sự cố và tai nạn hàng không, trong đó có 4 vụ là khiến máy bay bị hư hại nặng.

Trong số 4 vụ tai nạn gây hư hại nặng cho Boeing 777 thì có ba vụ xảy ra trên mặt đất. Đầu tiên là máy bay của British Airways phải hạ cánh khẩn năm 2008, được xác định do hệ thống nhiên liệu của Rolls Royce bị đóng băng.

Vụ thứ hai là chuyến bay số hiệu 214 của Asiana Airlines bị gãy đuôi khi hạ cánh năm 2013, làm 3 người thiệt mạng. Vụ thứ ba chính là chiếc Boeing B777-200 bị bắn rơi tại khu vực Đông Ukraina vào ngày 17/7/2014.

Vụ duy nhất xảy ra trên biển là chiếc MH370. Các nhà chức trách Malaysia năm ngoái đã xác định điểm bay cuối cùng của máy bay này là ở Ấn Độ Dương.

Mặc dù đảo Reunion, nơi phát hiện mảnh vỡ, nằm cách khá xa so với tọa độ mà lực lượng cứu hộ tìm kiếm hồi năm ngoái, song theo nhiều nhà phân tích, với thời gian lâu như vậy, khả năng mảnh vỡ trôi dạt đến Reunion không phải là không thể.

Hiện trên thế giới có khoảng 1.200 chiếc Boeing 777 đang được khai thác. Tờ USA Today từng dẫn lời ông Robert Mann, chuyên gia tư vấn hàng không tại R.W. Mann & Co., khẳng định lịch sử an toàn của máy bay này rất tốt.

Không chỉ được đánh giá cao về độ an toàn, Boeing 777 còn nằm trong danh sách máy bay bán chạy nhất của hãng Boeing, do có mức tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả và tầm bay dài hơn các máy bay phản lực thân rộng khác.

Thanh Vân