Người sáng lập của Amazon, Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới, theo danh sách tỷ phú năm 2019 của Forbes công bố. Với khối tài sản ước tính lên tới 131 tỷ USD, ông là người đàn ông giàu có nhất trong lịch sử hiện đại.
Nhưng ông không phải là người giàu nhất mọi thời đại.
Danh hiệu đó thuộc về Mansa Musa, nhà cai trị Tây Phi hồi thế kỷ 14. Rudolph Butch Ware, phó giáo sư lịch sử tại Đại học California, nói: “Sự giàu có của Musa là cực kì khủng khiếp, đến nỗi gần như không thể hiểu được ông ta thực sự giàu có và quyền lực như thế nào”.
Mansa Musa “giàu có hơn bất kỳ ai có thể mô tả”, Jacob Davidson đã viết về vị vua châu Phi vào năm 2015.
Vào năm 2012, trang web nổi tiếng của Mỹ Celebrity Net Worth ước tính tài sản của ông ở mức 400 tỷ USD, nhưng các nhà sử học kinh tế đều đồng ý rằng sự giàu có của ông là không thể xác định được.
Danh sách 10 người đàn ông giàu nhất mọi thời đại
* Mansa Musa (1280-1337, vua của đế chế Mali), với sự giàu có không thể tượng tượng nổi
* Augustus Caesar (63 TCN-14 SCN, hoàng đế La Mã): 4,6 nghìn tỷ USD
* Tống Thần Tông (1048-1085, hoàng đế Trung Quốc) với sự giàu có không đo đếm được
* Akbar I (1542-1605, hoàng đế của triều đại Mughal của Ấn Độ): sự giàu có không đo đếm được
* Andrew Carnegie (1835-1919, nhà công nghiệp người Mỹ gốc Scotland): 372 tỷ USD
* John D Rockefeller (1839-1937) Ông trùm kinh doanh người Mỹ): 341 tỷ USD
* Nikolai Alexandrovich Romanov (1868-1918, Sa hoàng Nga): 300 tỷ USD
* Mir Osman Ali Khan (1886-1967, hoàng gia Ấn Độ): 230 tỷ USD
* William The Conqueror (1028-1087): 229,5 tỷ USD
* Muammar Gaddafi (1942-2011, nhà cai trị lâu đời của Libya): 200 tỷ USD
Vị vua vàng
Mansa Musa sinh năm 1280 trong một gia đình hoàng tộc. Anh trai của ông, Mansa Abu-Bakr, cai trị đế chế cho đến năm 1312, khi ông thoái vị để đi thám hiểm.
Theo nhà sử học người Syria thế kỷ 14 Shibab al-Umari, Abu-Bakr bị ám ảnh bởi Đại Tây Dương và những gì bên ngoài. Ông đã bắt tay vào một cuộc thám hiểm với một hạm đội gồm 2.000 tàu và hàng ngàn đàn ông, phụ nữ và nô lệ. Họ đi thuyền, và không bao giờ quay trở lại.
Một số người, như nhà sử học người Mỹ quá cố Ivan Van Sertima, cho rằng họ đến Nam Mỹ. Nhưng không có bằng chứng về điều này.
Và sau đó, Mansa Musa được thừa hưởng vương quốc mà người anh trai đã để lại.
Dưới sự cai trị của ông, vương quốc Mali phát triển đáng kể. Ông đã sáp nhập 24 thành phố, tạo nên vương quốc trải dài khoảng 2.000 dặm, từ bờ Đại Tây Dương tới tận Niger ngày nay, nếu xét theo bản đồ hiện nay thì vương quốc của ông bao gồm Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, The Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Bờ Biển Ngà .
Với một vùng đất rộng lớn như vậy, vương quốc có những nguồn tài nguyên khổng lồ thời đó như vàng và muối. “Trong triều đại của Mansa Musa, đế chế của Mali chiếm gần một nửa số vàng của Thế giới cũ”, theo Bảo tàng Anh.
Và tất cả đều thuộc về nhà vua.
“Là người cai trị, Mansa Musa có quyền lực gần như vô hạn với nguồn của cải có giá trị cao nhất trong thế giới thời trung cổ”, Kathleen Bickford Berzock, người chuyên về nghệ thuật châu Phi tại Bảo tàng nghệ thuật Block tại Đại học Tây Bắc đã nói
“Các trung tâm thương mại lớn buôn bán vàng và các hàng hóa khác cũng nằm trong lãnh thổ của ông và ông đã thu được sự giàu có lớn từ những giao dịch này”, cô nói thêm.
Hành trình đến thánh địa
Mặc dù đế chế của Mali là nơi có rất nhiều vàng, nhưng vương quốc này không được biết đến nhiều.
Điều này đã thay đổi khi Mansa Musa, một người Hồi giáo sùng đạo, quyết định hành hương đến Mecca, đi qua sa mạc Sahara và Ai Cập.
Nhà vua đã rời khỏi Mali với một đoàn lữ hành gồm 60.000 người. Ông mang theo toàn bộ triều đình và các quan chức, binh lính, thợ mài (người giải trí), thương nhân, người lái lạc đà và 12.000 nô lệ, cũng như một đoàn dê và cừu dài để làm thức ăn.
Đó thực sự là một thành phố di động qua sa mạc.
Một thành phố có hàng chục ngàn cư dân, với những con đường nô lệ trải dài, được bọc bằng thổ cẩm vàng và lụa Ba Tư tốt nhất. Một trăm con lạc đà được kéo đi, mỗi con lạc đà mang hàng trăm pound vàng nguyên chất.
Đó là một cảnh tượng huy hoàng
Và cảnh tượng đó còn trở nên đáng chú ý hơn khi đoàn lữ hành tới Cairo, nơi họ thực sự có thể thể hiện sự giàu có của mình.
Vụ tai nạn vàng Cairo
Mansa Musa đã để lại một ấn tượng đáng nhớ đối với Cairo, tới mức nhà sử học al-Umari, người đã đến thăm thành phố 12 năm sau khi vua Mansa ghé thăm, vẫn con nghe những người dân Cairo truyền kì những câu chuyện về ông giàu có như thế nào.
Người ta nói rằng ông đã tới Cairo và tiêu vàng một cách xa hoa đến mức việc ở lại ba tháng của ông đã khiến giá vàng giảm mạnh trong khu vực trong vòng 10 năm, phá hủy nền kinh tế của Ai Cập
Công ty công nghệ SmartAsset có trụ sở tại Mỹ ước tính rằng cuộc hành hương của Mansa Musa đã dẫn đến khoảng 1,5 tỷ đô la thiệt hại kinh tế trên khắp Trung Đông.
Trên đường trở về nhà, Mansa Musa đã đi qua Ai Cập một lần nữa, và theo một số người, ông đã cố gắng giúp đỡ nền kinh tế của đất nước này bằng cách loại bỏ một số lượng lớn vàng ra khỏi lưu thông với việc vay lại vàng với lãi suất lớn từ những người cho vay Ai Cập. Mọi người nói rằng ông ta đã tiêu nhiều đến nỗi ông hết vàng dự trữ.
Định hình lại Mali trên bản đồ thế giới
Không có nghi ngờ rằng Mansa Musa đã chi tiêu và lãng phí rất nhiều vàng trong chuyến hành hương của mình. Nhưng chính sự hào phóng quá mức này cũng khiến ông lọt vào mắt xanh của thế giới.
Mansa Musa đã đưa Mali và chính mình lên bản đồ thế giới, theo đúng nghĩa đen. Trong bản đồ Catalan Atlas từ năm 1375, có một bức vẽ về một vị vua châu Phi ngồi trên ngai vàng trên đỉnh Timbuktu, cầm một miếng vàng trên tay.
Timbuktu đã trở thành một thành phố huyền thoại của người châu Phi. Vào thế kỷ 19, thành phố vẫn có một vị trí quan trong trong bản đồ của lục địa đen, là một thành phố vàng bị mất ở rìa thế giới, một ngọn hải đăng cho cả những thợ săn và những người thám hiểm tới từ châu Âu, và điều này phần lớn nhờ công của Mansa Musa từ 500 năm trước.
Mansa Musa trở về từ Mecca cùng với một số học giả Hồi giáo, bao gồm hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Muhammad, một nhà thơ và kiến trúc sư Andalusia tên là Abu Es Haq es Saheli, người được tín nhiệm rộng rãi trong việc thiết kế nhà thờ Hồi giáo Djinguereber nổi tiếng.
Nhà vua đã trả công cho nhà thơ 200 kg vàng, tương đương với số tiền hiện nay là 8.2 triệu USD
Sau khi Mansa Musa qua đời năm 1337, ở tuổi 57, đế chế của ông được thừa kế bởi những người con trai, những người đã không thể cùng nhau nắm giữ đế chế. Quốc gia đã bị chia cắt và đế chế sụp đổ.
Sự xuất hiện sau đó của người châu Âu trong khu vực chính là sự chấm dứt hoàn toàn của đế chế.
“Lịch sử của thời kỳ trung cổ vẫn chủ yếu chỉ được xem là lịch sử của các nước châu Âu”, Lisa Corrin Graziose, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Block, giải thích lý do tại sao câu chuyện về Mansa Musa không được biết đến rộng rãi.
“Nếu người châu Âu đến vào thời kì của Musa, với việc Mali ở đỉnh cao của sức mạnh quân sự và kinh tế thế giới thời đó, mọi thứ gần như chắc chắn sẽ khác”, ông Ware nói.
(Theo Ghanaweb/ Dân trí)