Niềm đam mê với nông nghiệp thôi thúc Cường từ bỏ tất cả để khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao ở vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng).
Dù mất đi đôi tay, nhưng anh Nguyễn Thế Cường vẫn tự mình xoay xở hầu hết mọi công việc tại 2 nhà kính hữu cơ của mình. Ảnh: Giang Thanh |
Trồng vườn bằng... chân
Giữa những ngày nắng tháng Bảy oi ả, không khí ở trong nhà kính trồng dưa lưới ở vườn hữu cơ An Việt càng trở nên bức bối. Nhưng dường như đã quen với điều này, Nguyễn Thế Cường - ông chủ nơi này vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực nhà kính. Dùng vai đẩy nhẹ chiếc thùng nhựa, Cường “xách” thùng tiến vào ruộng dưa lưới. Thấy vậy, chị Trần Thị Minh Thư - vợ Cường nhanh chóng cầm theo dụng cụ cắt dưa đi theo chồng.
"Anh Nguyễn Thế Cường là một tấm gương vượt khó vươn lên trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Không chỉ vậy, anh Cường còn dũng cảm chọn con đường khó, đó là nông nghiệp hữu cơ có ứng dụng công nghệ cao, phương pháp mới trong sản xuất”, ông Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh |
Cường ngó nghiêng xem quả dưa nào đã đủ ngày để thu hoạch rồi dùng chân (có kéo) thoăn thoắt cắt dưa. Đi sau chồng, chị Thư nhẹ nhàng nhặt từng quả dưa tròn to bỏ vào thùng. Chỉ một chốc đã đầy, Cường lại nghiêng người, vần thùng dưa ra ngoài.
Cường mất đi đôi tay vì bị điện giật trong lúc đi phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống, khi đang là sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Cường phải bỏ dở việc học hành và bắt đầu học cách sống và bươn chải kiếm tiền bằng đôi chân. Bằng nghị lực của mình, Cường mở được một công ty máy tính nhỏ, kết hôn rồi có 2 đứa con trai kháu khỉnh.
Lúc cuộc sống đang khá ổn định, năm 2017, Cường giao lại mọi công việc cho vợ quán xuyến rồi đi Bình Dương, Đà Nẵng để học cách làm nông nghiệp hữu cơ. “Vốn sinh ra từ làng, tôi có niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ. Biết được huyện Hòa Vang có đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tôi quyết định “làm liều”, vay vốn để khởi nghiệp”, Cường kể lại.
Được huyện Hòa Vang hỗ trợ 50% kinh phí để xây lắp khung vườn kính, theo nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp chất lượng cao, Cường mạnh dạn thế chấp sổ đỏ vay vốn thêm cả tỷ đồng để đầu tư hơn 3.500m2 nhà kính trồng dưa lưới. Hai vợ chồng quyết định thuê 3ha đất ở vùng đồi núi xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) để khởi nghiệp. Dù mất cả 2 tay, nhưng mọi công việc ở nhà vườn đều do Cường đứng ra lo liệu; từ việc gieo hạt, chăm sóc, điều chỉnh nước tưới, phân bón... Cường đều làm bằng chân.
Vì là sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên phân bón cũng do Cường tự tay ủ từ các loại rau, củ quả bị hỏng... để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phẩm. “Làm nông nghiệp hữu cơ rất vất vả nhưng tôi muốn chứng minh rằng làm nông nghiệp hữu cơ thay cho nông nghiệp hóa học thì vẫn nuôi được người nông dân. Làm nông nghiệp hữu cơ vừa an toàn cho đất, vừa an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường”, Cường chia sẻ.
Thành công không đến trong ngày một ngày hai
Từ một nhà vườn trồng dưa lưới, đến nay, hai vợ chồng Cường đã mở rộng thêm một vườn nữa chuyên canh tác các loại rau củ quả hữu cơ như dưa leo, cà chua... để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm thu nhập. Hiện, vườn dưa lưới của Cường có tổng cộng 10 nghìn gốc.
Để đảm bảo có nguồn cung đều đặn cho các bạn hàng quanh năm, cứ cách 10 ngày Cường lại xuống giống khoảng 1 nghìn gốc. Vì vậy, cứ mỗi đợt, nhà vườn có thể xuất ra khoảng 1,2 đến 1,3 tấn dưa. Giá dưa lưới được giữ với mức ổn định khoảng 50 nghìn đồng/kg. Sản phẩm dưa lưới của Cường có đầu ra khá ổn định. Ngoài cung cấp cho chợ đầu mối Hòa Cường, còn có mặt tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị ở Đà Nẵng như: Tâm An, An Phú, Vita Mart, Big C...
Năm đầu tiên khởi nghiệp, Cường chịu lỗ. “Tôi lường trước được điều đó và chấp nhận. Thành công không đến trong ngày một ngày hai, nhất là với nông nghiệp. Đến năm thứ 2, tôi hòa vốn và dự kiến năm nay thì bắt đầu có lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng”, Cường kể.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID - 19 bùng phát trở lại lần 2 khiến cho cả 2 vợ chồng Cường chật vật. “Mối nhập hàng của mình là các chuỗi kinh doanh thực phẩm hữu cơ, cũng như một số nhà hàng, khách sạn nên đầu ra bị ảnh hưởng ít nhiều”, Cường nói.
Đợt dịch thứ 2 tại Đà Nẵng vừa qua, hơn 3,5 tấn dưa lưới của gia đình bị ùn ứ, hư hỏng, gây thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Số dưa bị chín hỏng, không thể bán, Cường lại dùng để ủ phân hữu cơ để tái sản xuất. “Rồi dịch sẽ qua, vợ chồng tôi tiếp tục xuống giống sản xuất để bù đắp thiệt hại do dịch. Khi quyết tâm làm nông nghiệp thì vợ chồng tôi đều xác định là vất vả rồi”, Cường chia sẻ.
(Theo Tiền Phong)