Ngày 7/8 vừa qua, ông Richard Yu – CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei cho biết, công ty sẽ ngừng hoạt động sản xuất dòng chip Kirin từ ngày 15/9/2020 do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Từ ngày 15/9, chúng tôi sẽ dừng sản xuất dòng chip chủ lực Kirin. Chúng tôi cũng sẽ dừng phát triển các dòng chip tích hợp trí tuệ nhân tạo AI. Đây là một tổn thất rất lớn đối với chúng tôi", sếp lớn của Huawei thông báo.

Ông Yu cũng xác nhận dòng smartphone cao cấp Mate 40 sẽ là sản phẩm cuối cùng trang bị chip xử lý Kirin do Huawei phát triển.

{keywords}
Ông Richard Yu – CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei tuyên bố dừng sản xuất chip Kirin

HiSilicon là bộ phận chuyên sản xuất các loại chip, bao gồm cả dòng chip Kirin chỉ dành riêng cho các mẫu điện thoại thông minh mang thương hiệu Huawei. Bộ phận này thuê công ty bán dẫn TSMC có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất phần cứng dựa trên các linh kiện nhập khẩu từ Mỹ.

Lệnh cấm của ông Trump hồi tháng 5 buộc những các nhà sản xuất chip không phải của Mỹ nhưng sử dụng thiết bị sản xuất, tài sản trí tuệ hoặc phần mềm thiết kế của Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn xuất xưởng chip cho Huawei. Nói một cách đơn giản, vì lệnh cấm, TSMC đã ngừng sản xuất chip mới cho Huawei.

Trước đó, vào tháng 5, nhật báo Nikkei đã trích dẫn nhiều nguồn tin cho hay TSMC đã ngừng thực hiện các đơn hàng mới của Huawei.

Linh hồn của Huawei đã "chết"?

Một trong những điểm làm nên sức hút của các mẫu smartphone Huawei chính là camera. Những bức ảnh do các mẫu flagship của Huawei thực hiện được đánh giá rất cao về chất lượng. Sự khác biệt này phần lớn do bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) được tích hợp trong chip Kirin mang lại.

{keywords}
Dừng sản xuất chip Kirin, linh hồn của Huawei đã "chết"?

Kirin cũng là cái tên đi đầu trong lĩnh vực máy học nhờ kiến trúc tùy biến Da Vinci, phục vụ các tính năng như zoom siêu phân giải, nhận diện giọng nói tiết kiệm pin, điều khiển cử chỉ, bảo mật khuôn mặt… Con chip này cũng được đánh giá là tối ưu việc kết nối 5G mà Huawei rất có thế mạnh.

Thực tế những năm qua cho thấy, Kirin là dòng chip duy nhất của Trung Quốc có chất lượng được đánh giá ngang với các dòng chip hàng đầu thế giới, điển hình như chip Snapdragon của Qualcomm.

Thiếu đi Kirin, các sản phẩm của Huawei chẳng khác nào thiếu đi linh hồn.

Tất nhiên Huawei cũng có thể sử dụng chip của những đối tác khác. Nhưng khó mà đảm bảo những con chip mới có thể đạt được tiêu chuẩn, nhất là về hình ảnh mà người dùng vẫn đặt kỳ vọng ở công ty có trụ sở ở Thâm Quyến

Chí tử hơn cả cấm Google Play Store?

Sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen" hồi tháng 5 năm ngoái, Google tuyên bố ngừng hỗ trợ Huawei và không cho phép Huawei sử dụng các dịch vụ cũng như ứng dụng của mình trên các sản phẩm của hãng. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei vẫn có thể sử dụng Android trên smartphone của mình (vì Android là một nền tảng mở) nhưng không được cài đặt các ứng dụng của Google như kho ứng dụng Google Play Store, Youtube, Gmail, Google Maps... trên các sản phẩm này.

Việc này khiến Google thực sự gặp khó ở thi trường nước ngoài, nhất là châu Âu, nơi các mẫu điện thoại Huawei nổi lên là sản phẩm mới được yêu thích. Tuy nhiên, bù lại, Huawei lại đại thắng ở sân nhà – Trung Quốc.

Trong quý II/2020, Huawei bán ra 55,8 triệu chiếc smartphone, qua đó vượt hãng đối thủ Samsung Electronics của Hàn Quốc để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới dựa trên số thiết bị được bán ra. Trong con số ấn tượng này, hơn 70% smartphone của Huawei được bán tại Trung Quốc trong quý II vừa qua. Trong khi đó, số smartphone mà Huawei bán trên thị trường quốc tế trong giai đoạn này lại giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

{keywords}
Việc dừng sản xuất chip Kirin khiến Huawei khó khăn nhiều so với việc không thể sử dụng kho Google Play Store

Tờ Android Authority nhận định, việc cấm Google Play Store làm khó Huawei ở thị trường quốc tế nhưng việc bị dừng sản xuất Kirin khiến công ty công nghệ Trung Quốc gặp khó ngay cả trên sân nhà.

Khó nhưng vẫn phải tìm kiếm "đường sống". Huawei có những giải pháp nào sau khi bị niềm tự hào Kirin bị chết?

Không có TSMC, Huawei hoàn toàn có thể tìm đến những nhà sản xuất khác. Cái tên đầu tiên phải kể đến là Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn SMIC của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả đến SMIC Cũng sử dụng thiết bị Mỹ nên trong ngắn hạn, Huawi vẫn sẽ gặp rắc rối với Washington. Bên cạnh đó, chất lượng chip của SMIC gần như không thể được TSMC ở mảng sản phẩm cao cấp.

Trong khi, phương án Qualcomm rõ ràng là không có cơ sở vì công ty này có trụ sở tại Mỹ, thì Samsung thường không bán số lượng lớn chip Exynos. Phương án cuối là MediaTek.

{keywords}
Không thể sản xuất chip Kirin khiến Huawei không nhiều lựa chọn khả dĩ trong việc tìm kiếm các bộ vi xử lý cho các mẫu smartphone của mình

Huawei đã bắt đầu sử dụng chip MediaTek cho một số mẫu điện thoại tầm trung của mình trong thời gian gần đây. Một số nguồn tin cho hay, số lượng chip mà Huawei mua từ MediaTek sẽ tăng tới 300% trong năm nay do lệnh cấm của Mỹ. Một số báo cáo khác cho rằng, Huawei đã đặt hàng hơn 120 triệu con chip từ MediaTek để bù đắp sự thiếu hụt của Kirin.

Không rõ Huawei có coi các mẫu chip Dimensity 1000 series của MediaTek là giải pháp thay thế cho Kirin ở những sản phẩm flagship hay không, nhưng rõ ràng là công ty công nghệ Trung Quốc không có nhiều sự lựa chọn.

Nhiều chuyên gia nhận định ngay cả với MediaTek, vấn đề về hình ảnh và những tính năng tiên tiến ở những sản phẩm cao cấp sắp tới của Huawei khó mà có thể giải quyết được.

Khi mất Kirin, những chiếc điện thoại tương lai của Huawei có nguy cơ mất hết những thứ khiến chúng trở nên đặc biệt. Điều này đồng nghĩa với việc, công ty công nghệ Trung Quốc sẽ lâm nguy ngay cả trên sân nhà…

(Theo VTV)