“Chống dịch như chống giặc” - Việt Nam đã mở mặt trận thứ nhất để chống Đại dịch Covid-19 từ rất sớm, khi hầu như cả thế giới còn như người ngoài cuộc. Ngày 15/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới việc mở “mặt trận thứ hai” để tái khởi động, khôi phục nền kinh tế sau khi ngưng trệ trong suốt thời gian đại dịch từ đầu năm 2020 tới nay. 

Trong suốt thời gian từ sau Tết đến nay, có sự tê liệt của nhiều ngành, điển hình như hàng không, du lịch, giáo dục…, nhưng cũng có nhiều ngành hoạt động hết công suất như y tế, bảo hiểm, ngân hàng, trật tự an toàn xã hội. 

Trong khu vực sản xuất vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn nguyên vẹn, cho phép ngành công nghiệp, xây dựng có thể trở lại hoạt động bình thường bất cứ lúc nào. Ngành nông nghiệp vốn là bệ đỡ của nền kinh tế, đã từng là chốn đi về của hàng triệu lao động và không ít các loại doanh nghiệp bị thị trường hoặc khủng hoảng đào thải, nay vẫn còn nguyên năng lực đó. Đặc biệt, hệ thống điện năng, hệ thống cung ứng săng dầu, hệ thống giao thông vận tải (đường xá, cầu cống, nhà ga, bến cảng, kho tàng, thiết bị, phương tiện…) đều có thể sẵn sàng cung cấp các dịch vụ chuyên biệt của mình cho toàn bộ nền kinh tế. 

Như vậy, đối tượng hôi phục chủ yếu của mặt trận thứ hai này là nhằm vào các mối quan hệ trong hệ thống tổng cung - tổng cầu mà đại dịch Covid-19 đã làm đứt gẫy, loại bỏ các quan hệ bị lỗi thời, phát triển các quan hệ mới cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong nước và quốc tế sau đại dịch. 

{keywords}
‘Mặt trận thứ hai’ đã mở để khởi động lại nền kinh tế

Trước hết, đó là sự xuất hiện nhu cầu tăng lên của "tự sản tự tiêu" tại từng quốc gia, kéo theo giảm nhập khẩu trên toàn cầu. Đây là bài học xương máu trong quan hệ quốc tế qua Đại dịch Covid-19. Nhiều cường quốc hạt nhân đã không thể tự cứu mình chỉ vì không sản xuất trong nước các sản phẩm thiết yếu trong phòng chống bùng phát của dịch bệnh như khẩu trang, máy thở… Họ đã nhận ra sai lầm chết người này, phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. 

Chắc chắn rằng sau đại dịch, xuất nhập khẩu và đầu tư sẽ được định hướng lại trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia G7, G20. Rồi đây, mỗi quốc gia sẽ có một danh mục các sản phẩm bắt buộc phải tự sản tự tiêu trong nước, không xuất khẩu đầu tư tràn lan như trong quá khứ. Đồng thời, mỗi quốc gia xuất khẩu đầu tư cũng buộc phải lựa chọn nơi đến sao cho có đủ độ tin cậy chính trị cần thiết. 

Hệ quả của định hướng mới này sẽ là việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất những sản phẩm thuộc danh mục tự sản tự tiêu mà lâu nay đã đặt tại nước ngoài, nay phải trở lại bản quốc. Đồng thời, những cơ sở sản xuất đặt tại quốc gia có độ tin cậy chính trị thấp cũng sẽ chuyển dịch sang quốc gia có độ tin cậy cao hơn. 

Trong xu hướng chuyển dịch trên, Việt Nam đang có sẵn nhiều lợi thế để thu hút sự chuyển dịch ở qui mô toàn cầu này. Tuy nhiên, để biến lợi thế thành hiện thực, Việt Nam còn nhiều việc phải làm khi mở “mặt trận thứ hai”, trong đó không thể không có đột phá vào chuỗi công việc "giải phóng mặt bằng". 

Trên thực tiễn nhiều thập kỷ qua, chuỗi công việc này đã gây ra không biết bao nhiêu tổn thất cho nền kinh tế, trong đó nông dân mất ruộng chỉ được đền bù chứ không được bán quyền sử dụng đất, cán bộ thoái hóa biến chất đã thả sức tham nhũng tại tất cả các khâu, công trình đầu tư bị đội vốn thậm chí gấp đôi ba lần so với thiết kế ban đầu do ách tắc giải phóng mặt bằng, làm nản lòng các nhà đầu tư. 

Thứ hai, đó là việc cấu trúc lại các quan hệ trong chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng - phân phối toàn cầu. Sau Chiến tranh thế giới lần II kết thúc năm 1945, nhân loại đã đi vào một thời đại phát triển mới toàn cầu hóa. Thể chế đó đã dần dần xác lập được một hệ thống các quan hệ trong chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối, trong đó dễ thấy nhất là mô hình một sản phẩm (như sản xuất máy bay dân dụng) được chia ra thành nhiều công đoạn, được đặt sản xuất tại nhiều quốc gia, rồi được lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng tại một quốc gia để cung ứng ra toàn cầu, và lợi nhuận được phân phối cho tất cả các thành viên đã tham gia. 

Chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối còn tạo ra một mạng lưới gia công rộng khắp (như hàng may mặc), trong đó các nước nhận gia công tuy có kim ngạch xuất nhập-khẩu cao nhưng lợi nhuận thu được chẳng là bao. Các chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối được duy trì trên một quĩ đạo chung và được kiểm soát bởi các cơ quan toàn cầu như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quĩ Tiền tệ quốc tế ác (IMF), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), các Tòa trọng tài và Tòa án quốc tế… 

Với chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối, chỉ trong vòng 20-30 năm, Nhật Bản đã trở thành "con rồng", Hàn Quốc trở thành "con hổ" châu Á, Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới, các nước Tây và Bắc Âu trở thành các quốc gia thịnh vượng. Trong khi đó, trên một trăm quốc gia khác tuy thoát được đói nghèo nhưng đều bị dính vào bẫy thu nhập trung bình, không thoát ra được hết thập kỷ này đến thập kỷ khác. Thể chế toàn cầu đó đã bị đứt gẫy nhiều bộ phận và trên toàn cục khi đại dịch Covid-19 diễn ra. 

Tại Việt Nam, mở “mặt trận thứ hai” là dịp để cấu trúc lại chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối trên lãnh thổ của mình, thậm chí làm sớm hơn phần đông còn lại của thế giới để chủ động nhập cuộc với sản xuất - cung ứng - phân phối toàn cầu mới. 

Theo đó: Việc xóa bỏ dần, tiến tới xóa bỏ căn bản các doanh nghiệp chỉ gia công cho nước ngoài đã được đặt ra, nay đã đến lúc phải làm; thực hiện đa dạng hóa việc nhập khẩu nguyên vật liệu chính cho từng loại sản phẩm từ nhiều quốc gia, tránh từ một nơi duy nhất; việc nội địa hóa trong sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo  được thực hiện không chỉ bằng kêu gọi hoặc khuyến khích, mà bằng tổ chức lại sản xuất với doanh nghiệp trung tâm và các doanh nghiệp vệ tinh; lấy huyện làm địa bàn để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp từ canh tác đến chế biến sẩn phẩm cuối cùng; đặt thị trường nội địa làm động lực cho phát triển bền vững thị trường toàn cầu của Việt Nam. 

Việc cấu trúc lại chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối trên đây của Việt Nam tuy có những khó khăn cụ thể nhưng đều có chung một nền tảng ưu việt, đó là lợi thế địa chính trị và sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với dân tộc Việt Nam. 

Thư ba, đó là việc lập lại các mối quan hệ trong hệ thống cân đối vĩ mô của nền kinh tế do đã bị méo mó bởi Đại dịch Covid-19 một cách trực tiếp và gián tiếp. Trong đó dễ thấy nhất là cán cân thương mại (xuất nhập khẩu biến động lớn), cán cân thu-chi ngân sách (tăng chi đồng thời với giảm thu nên bội chi vượt tốc), cán cân huy động và cho vay của hệ thống tín dụng (dư nợ gia tăng, nợ khó đòi lớn), và đặc biệt là bảo đảm ổn định của đồng tiền Việt Nam trước nguy cơ phá giá của đồng Nhân dân tệ và Đô la Mỹ. 

Việc lập lại các mối quan hệ trong hệ thống các cân đối vĩ mô trên đây đòi hỏi những kiến tạo của Nhà nước để phát huy cao độ vai trò của kinh tế nhà nước, vai trò động lực của kinh tế tư nhân, vai trò bổ trợ của kinh tế đầu tư nước ngoài. 

Đã đến lúc phải giải phóng nguồn vốn vài triệu tỷ VNĐ đã bị chôn chặt tại hệ thống doanh nghiệp nhà nước từ nhiều thập kỷ qua bằng các biên pháp quyết liệt, nhất là khi đã thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Sự phân cấp thu, chi ngân sách nhà nước giữa Trung ương với các cấp tỉnh, huyện, xã (và các cấp tương đương ở thành phố) đã đến lúc cần đến một cuộc cải tổ; Việc điều hành hệ thống cân đối vĩ mô đã và đang bị dàn trải ra hàng loạt các Hội đồng và Ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương cũng đã đến lúc cần được tập trung lại bởi một Hội đồng duy nhất gồm người đứng đầu các bộ, ngành tổng hợp ở trung ương (như Bộ Kể hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước) và có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. 

Việt Nam đã sớm mở mặt trận thứ nhất để chống Đại dịch Covid-19, nay lại là quốc gia sớm mở "mặt trận thứ hai" để khởi động, khôi phục nền kinh tế. Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực cho thế giới ở trận đầu, hy vọng rằng sẽ tiếp tục có đóng góp xứng đáng ở trận tiếp theo này. 

TS. Đinh Đức Sinh