Hàng loạt vụ trộm lớn với số tài sản từ vài chục triệu cho đến vài tỷ đồng mà gia chủ bị mất xảy ra thời gian gần đây tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, các đối tượng gây án không còn hoạt động theo hình thức truyền thống (thấy sơ hở là trộm) mà chúng trộm có sự trợ giúp từ… công nghệ.

Các đối tượng hoạt động theo băng nhóm, nghiên cứu, và "nhắm" mục tiêu rõ ràng mới ra tay đạo chích. Các phương thức thủ đoạn cũng khác, trong đó có việc theo dõi các nạn nhân từ các trang mạng xã hội, nhất là những người thường hay khoe mẽ trên trang cá nhân của mình sẽ nhanh chóng thành đích ngắm của chúng.

Ngụy trang để trộm tài sản

Băng trộm do Nguyễn Võ Đồng (SN 1991, quê Nghệ An) cầm đầu vừa bị Công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) triệt phá cho thấy cách thức tổ chức của các đối tượng trong băng trộm này khá tinh vi và chuyên nghiệp. Sau khi tụ tập một nhóm đàn em dưới trướng mình, Đồng triển khai kế hoạch một cách hoàn hảo. Đích nhắm của băng trộm này là các dãy phòng trọ nơi đa phần là công nhân sinh sống, cửa nẻo không mấy an toàn.

{keywords}
Nhóm gồm các đối tượng nghiện ma túy sử dụng ôtô đi trộm tại các dãy phòng trọ vừa bị Công an quận Bình Tân triệt phá.

Trước mỗi vụ trộm, Đồng đều cho đàn em đi tìm hiểu trước rồi mới ra tay thực hiện. "Cánh tay phải" đắc lực của Đồng chính là cô gái trẻ, xinh đẹp Nguyễn Thị Kim Thanh (SN 2000, ngụ quận Bình Tân).

Đồng phân công người cảnh giới, người sử dụng kìm cộng lực phá khóa, người dùng kẽm cột các cửa phòng trọ để nếu không may bị phát hiện, người trong phòng trọ cũng không thể rời khỏi phòng mà truy đuổi, sau đó vô tư lấy tài sản của nạn nhân đi như chốn không người.

Sau khi có mục tiêu, Đồng đánh xe ôtô chở cả nhóm đến các dãy nhà trọ, trang bị cho các thành viên các bộ đồng phục công nhân để đánh lừa mọi người. Tại các phòng trọ có gắn camera an ninh, Đồng cho đàn em bẻ đầu camera hướng lên trời để tránh hình ảnh của cả nhóm bị ghi lại.

Ban ngày nhóm đối tượng này nằm im tại một nhà trọ ở xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, phê pha ma túy cả ngày, đêm xuống mới là lúc chúng ra tay. Tại mỗi dãy phòng trọ ít nhất các đối tượng phải khoắng từ 3-4 xe máy đem bán được vài chục triệu đồng mỗi phi vụ. Liều lĩnh hơn có những dãy nhà trọ một đêm các đối tượng này đột nhập nhiều lần.

Với hình thức hoạt động chuyên nghiệp trên nên dù các dãy nhà trọ ở Bình Tân, Bình Chánh được gắn camera theo dõi nhưng vẫn không thể ngăn được chúng. Rạng sáng 3-4, dãy nhà trọ trên Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông, các đối tượng đột nhập lấy đi 3 xe máy. Ngày 29-4, tại dãy nhà trọ không số trên phường Tân Tạo A, các đối tượng cắt khóa lấy đi 3 xe máy.

Đêm 17-5, tại dãy nhà trọ trên đường Võ Văn Vân, phường Tân Tạo, các đối tượng bẻ ngược camera lên trời sau đó lấy đi 3 xe máy. Ngày 26-6, 4 xe máy tại dãy nhà trọ trên đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông B bị các đối tượng lấy đi đem bán cả chục triệu đồng chia nhau tiêu xài và mua ma túy sử dụng.

Các băng trộm ngày càng hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tài sản trộm được chủ yếu được các đối tượng sử dụng vào mục đích mua ma túy sử dụng. Bởi vậy dù bắt được các đối tượng nhưng khó thu hồi tài sản vì chúng đã đem bán và nướng vào ma túy.

Mất trộm vì thói… khoe của

Ỷ lại camera an ninh, ỷ lại việc khu mình ở có bảo vệ 24/24, mọi người ra vào các khu dân cư này đều phải trình chứng minh nhân dân nhưng các vụ trộm lớn vẫn liên tiếp xảy ra. Các vụ trộm gần đây cho thấy, các đối tượng đều nhắm vào các biệt thự nơi gia chủ có nhiều tài sản.

{keywords}
Két sắt tưởng chừng như chắc chắn nhưng chỉ bị phá trong vài phút.

Các băng trộm này không hoạt động theo hình thức "cổ truyền" như thấy sơ hở thì vào trộm mà có kế hoạch từ khá lâu, theo dõi mọi nếp sinh hoạt của những người trong gia đình, biết được lịch trình di chuyển của gia chủ. Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự-Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, đôi khi chính gia chủ đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng vào trộm tài sản của nhà mình chỉ vì thói thích khoe tài sản trên mạng xã hội.

Các đối tượng này thường mò vào các trang mạng xã hội cá nhân tìm hiểu thông tin về gia chủ. Khi có những bài báo tả quá chi tiết về các khối tài sản của những gia chủ, nhất là diễn viên, ca sĩ, các đối tượng lần mò tìm kiếm thông tin và chỉ chờ cơ hội là ra tay thực hiện. Nhiều nhất là giới ca sĩ, diễn viên hay tung hình ảnh nơi mình sống cùng khối tài sản của mình trước mắt thiên hạ, hay chia sẻ những dòng thông tin như đi du lịch, đi diễn tạo cơ hội cho các băng trộm chuyên nghiệp hoạt động.

Gần đây nhất là căn biệt thự của ca sĩ Nhật Kim Anh ở Bình Chánh bị trộm đột nhập phá 2 két sắt lấy đi số tài sản có tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Nhật Kim Anh dường như chết lặng vì khối tài sản mà cô ky cóp sau nhiều năm trời hoạt động nghệ thuật chỉ sau vài ngày cô đi biểu diễn ở Cần Thơ đã không còn.

{keywords}
Két sắt của ca sĩ Nhật Kim Anh chứa số tài sản hơn 5 tỷ đồng vừa bị trộm phá.

Nếu như có theo dõi nữ ca sĩ này mọi người mới biết trước đó vài tháng Nhật Kim Anh mở tiệc tân gia ngôi biệt thự trị giá cả triệu đô, những hình ảnh được chia sẻ trên mạng có cả hình cô khoe nữ trang, chụp hình cận cảnh cùng 2 chiếc két sắt đặt trong phòng.

Chỉ cần vài hình ảnh về vị trí đặt tài sản như vậy thôi, các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp dễ dàng biết mình cần phải làm gì, bởi cái kiểu khoe tài sản lên cho cộng đồng biết chẳng khác nào mời gọi các đối tượng trộm cắp vào nhà.

Không ít diễn viên ca sĩ cũng vì chuyện hay khoe tài sản, lịch trình công tác, lịch trình du lịch của mình mà phút chốc biến thành nạn nhân của các băng nhóm trộm cắp. Tháng 12-2015, nhà của ca sĩ M.H. bị trộm đột nhập lấy đi số tài sản trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng. Năm 2016, ca sĩ Đ.K bị trộm phá két sắt lấy đi hơn 800 triệu đồng.

Nam ca sĩ này cho hay, vụ trộm xảy ra chớp nhoáng bởi sau 2h rời khỏi nhà các đối tượng trộm đã đột nhập được vào nhà lấy đi tài sản dù khu vực trước nhà của ca sĩ này có chốt bảo vệ. Hình ảnh camera nhà ca sĩ Đ.K ghi lại, các đối tượng vào nhà anh đi lại, lục lọi tài sản giống như các đối tượng đi trong nhà của chúng, không có sự lo lắng, e dè.

Đừng biến mình thành… con mồi

Theo một cán bộ điều tra, Công an huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, trong các vụ án hình sự thì án trộm cắp có tỷ lệ phá án thấp bởi có những đối tượng hoạt động riêng lẻ, bất giác phát hiện chủ nhà đi vắng hoặc cửa nẻo mở toang, tài sản để hớ hênh nên động lòng tham vào trộm, khó xác định được đối tượng cụ thể.

Riêng các băng trộm cắp chuyên nghiệp, khi các đối tượng này thực hiện các vụ trộm thường tìm hiểu rất kỹ các căn nhà chúng muốn đột nhập, theo dõi nếp sinh hoạt của gia chủ hàng tháng trời, biết mọi ngóc ngách trong căn nhà nên khi ra tay, các đối tượng này không để lại dấu vết gì.

Về việc thời gian gần đây nhà các ca sĩ, diễn viên trở thành đích ngắm của các đối tượng trộm cắp cũng xuất phát từ nguyên nhân của gia chủ. Các đối tượng trộm cắp thường xuyên theo dõi thông tin, trang cá nhân của những người nổi tiếng, giàu có, nắm bắt các thông tin từ các khu biệt thự, lịch trình của ca sĩ diễn viên rồi dựa vào các dữ liệu trên phân tích xác định thời điểm không có ai ở nhà và ra tay thực hiện.

Không như trộm vặt, các đối tượng chuyên nghiệp thường ăn mặc lịch sự, sang trọng, đi trên các phương tiện đắt tiền để tránh bị nghi ngờ nhằm mục đích thám thính sau đó thay đổi hình dạng và thực hiện kế hoạch của mình.

{keywords}
Trộm chuyên nghiệp thường theo dõi thông tin khoe tài sản trên mạng xã hội của các ca sĩ, diễn viên.

Từng đối mặt với các đối tượng trộm hung hãn, manh động, có hung khí, ông H.V.N. (nhà Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho hay, các đối tượng trộm giờ khá manh động, trang bị hung khí và cả súng khi đột nhập vào trộm tài sản. Những băng trộm này thường nhắm vào những gia đình có điều kiện sống ở những khu vực tách bạch.

Vụ trộm đột nhập vào nhà ông N. đêm 6-7 là một điển hình. Căn nhà ông N. có khuôn viên khá rộng, các phòng của mỗi thành viên trong gia đình tách biệt nhau nên khi 4 đối tượng sau phá khóa vào bên trong các thành viên không thể tụ lại với nhau để chống trộm.

"Khi phát hiện các đối tượng trộm, tôi mở camera lên quan sát khắp nhà để đảm bảo các thành viên trong gia đình đều ổn sau đó gọi điện báo cho những thành viên trong gia đình khóa chặt cửa để trộm không đột nhập vào sau đó tôi bật toàn bộ đèn của căn nhà. Lúc này con trai tôi bị một đối tượng cầm vật giống súng khống chế, lo lắng cho con mình nên tôi cũng liều sử dụng bình chữa cháy xịt vào các đối tượng để chúng bỏ đi. Vợ tôi cũng nhanh trí cầm điện thoại la lớn như đang gọi cho Công an nên nhóm trộm hung hãn này mới bỏ đi!" - ông N. cho hay.

Kể lại câu chuyện này, ông N. cho biết, Công an xã cách nhà 10km, nên trong lúc cấp bách thì phải tự mình cứu mình, đối với những tên trộm có hung khí thì việc tự bảo vệ mình và tài sản cần phải nhanh trí hơn. Theo ông N., quan trọng là cách phòng chống chứ ỷ lại hệ thống camera, vào khóa cửa, két sắt vì những thứ này có hữu dụng thế nào cũng không thể cản được hành vi của các đối tượng trộm chuyên nghiệp.

Khi đã lọt vào các biệt thự một cách trót lọt thì những thiết bị hiện đại chống trộm, hay những hệ thống giữ tài sản kiên cố như cũng trở nên vô dụng đối với các băng trộm chuyên nghiệp. Người dân cần nâng cao cảnh giác, ý thức được việc bảo quản tài sản của mình, tránh khoe khoang tài sản, chụp cận cảnh những vị trí đặt, chứa tài sản rồi đăng trên các trang mạng xã hội để không tự biến mình thành đích ngắm hay "con mồi" cho các băng trộm cắp chuyên nghiệp.

(Theo An ninh thế giới)