- Các chuyên gia của Đại học Đông Tế (Tongji University,Shanghai) cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng giá trị đương đại do tiến trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Điều này liên quan tới một số vấn đề nghiêm trọng về xã hội và văn hóa Trung Quốc, như sự gia tăng đáng báo động trong các vấn đề sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi, từ trẻ em đến sinh viên đại học... Vậy, với nhiều nét tương đồng về tiến trình phát triển,Việt Nam đối diện như thế nào?!
Sự chơi vơi giữa các dòng giá trị
Xin bắt đầu với trường hợp vụt sáng thành “sao” của anh chàng trồng ổi Lệ Rơi – Nguyễn Đức Hậu. Công thức thành danh của anh chỉ đơn giản, gồm bốn yếu tố (1) Thích hát nhưng hát rất dở, (2) Biết sử dụng mạng xã hội, (3) Bất chấp dư luận và (4) Sự phát khùng của xã hội. Câu hỏi đặt ra là tại sao những điều quái gở kiểu Lệ Rơi lại xuất hiện ngày càng nhiều, được lăng – xê, được đón nhận, rồi chấp nhận như một tất yếu?
B.V.S.Bhanusree, Giáo sư Triết học, Đại học Andhara Visakhapatnam, Ấn Độ cho rằng lòng tham con người trong việc tích lũy của cải và thâu tóm quyền lực khiến con người mờ mắt, trở nên hung ác, tàn bạo. Thế giới dần trở nên nhỏ bé nhưng khoảng cách giữa con người với con người ngày càng bị nới rộng. Sự đánh mất "tính người" cần được xem xét như một quá trình tụt hậu, trở về thời đại của sự man rợ thay vì tiến hóa lên nấc cao hơn của giá trị con người.
Ở Trung Quốc, các học giả dễ dàng giải thích sự khủng hoảng giá trị bởi sự đối lập giữa tư duy Khai sáng kiểu phương Tây với truyền thống Nho giáo kiểu phương Đông. Ở nước ta, giải thích như vậy cũng được, nhưng tính đặc thù kiểu Việt Nam có lẽ phức tạp hơn.
Sự phức tạp này có ba khả năng. Khả năng thứ nhất, xã hội hiện đại, hội nhập toàn diện với quốc tế, người ta cởi mở, dễ chấp nhận cái riêng, cái dị biệt, cho phép cái tôi cá nhân ngang hàng, thậm chí phớt lờ số đông, đứng trên cộng đồng. Khả năng thứ hai, đó chỉ đơn thuần là các phương thức “chiêu trò” PR hình ảnh để cầu danh, hoặc mưu lợi vật chất. Khả năng thứ ba, đó là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển. Một mặt là nhận thức lệch lạc về giá trị của các cá nhân. Mặt khác phản ánh sự xuống cấp của chuẩn mực đạo đức và sự bất lực của hệ thống giá trị khi không thể phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát, cũng như trừng phạt.
Thật khó để kết luận chính xác giá trị xã hội đang xấu đi, hay tốt lên với tích chất là một tiến trình của lịch sử! Sự khác biệt trong tư duy, nhận thức và hành động của các thành phần xã hội tạo ra các trào lưu hiện sinh vừa thống nhất, vừa dị biệt, vừa mâu thuẫn.
Cá nhân, cộng đồng và trách nhiệm xã hội
Nhà văn hóa học, Giáo sư, TSKH Trần Ngọc Thêm (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra một số sự khác biệt trong quan niệm về giá trị giữa Việt Nam và phương Tây. Ví dụ, khái niệm “Individualism” của phương Tây được hiểu là cái tôi, là bản sắc cá nhân, tức là một giá trị. Trong khi đó, ở Việt Nam, từ “cá nhân” thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực là ích kỷ, độc đoán, tức không phải giá trị xã hội. Một ví dụ khác, khái niệm “Flexible”, ở Việt Nam, được hiểu là linh hoạt, mềm dẻo, tức là một giá trị. Trong khi đó, người phương Tây lại hiểu theo nghĩa tiêu cực, coi đó là người ba phải, dễ bị lung lay, tức không phải là giá trị xã hội. Điều này cho thấy cách hiểu về giá trị là rất khác biệt, đôi khi là đối lập.
Chính vì sự mâu thuẫn đó dẫn đến một câu hỏi. Vậy, giá trị của cá nhân hay chuẩn mực của cộng đồng, cái nào cần có trước, cái nào định hình cái nào?!
Trên thực tế, các nền văn hóa thế giới đều nhất quán về vị trí, vai trò của giá trị xã hội. Giá trị là những khuôn mẫu lý tưởng được xã hội coi trọng, được dư luận đồng tình, được cộng đồng biểu dương. Nói một cách ngắn gọn, giá trị là những gì tốt đẹp nhất được xã hội thừa nhận. Như vậy, giá trị của cá nhân phải gắn trực tiếp với tập thể, với cộng đồng, với trách nhiệm xã hội.
"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có thể dùng để thay đổi thế giới" - Nelson Mandela |
Theo PGS,TS. Nguyễn Tài Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ “Responsibility” trong tiếng Anh, nghĩa là trách nhiệm, gồm “Response” tức là phản hồi và “Ability” nghĩa là năng lực. “Responsibility”, trước hết, được hiểu là năng lực phản hồi. Điều đó cho quá trình chủ thể có nghĩa vụ hành động trong sự kết nối, sự phản hồi với cộng đồng tạo ra cái gọi là trách nhiệm xã hội. Và do đó, trách nhiệm xã hội là một giá trị.
Như vậy, con đường ngắn nhất, hợp lý nhất, thành công nhất để khẳng định cái riêng, cái tôi phải là kết nối tốt, phản hồi tốt, đáp ứng tốt trước những tiêu chuẩn của cộng đồng. Như vậy, mọi cái tôi nên băt nguồn từ trách nhiệm xã hội của bản thân. Ở đây, cũng cần lưu ý, việc mượn danh trách nhiệm xã hội cho mục đích cá nhân, khẳng định giá trị bản thân theo những cách vô văn hóa, phản giá trị đều sớm muộn tạo ra những cái tôi cô đơn.
Tiến trình của hệ giá trị Việt Nam
Một bài viết gần đây trên Vietnamnet đề cập đến việc có những “giá trị Người” dù mất đi, nhưng lại được vinh danh, ca ngợi. Những “giá trị Người” với tài năng, nhân cách của mình, biết tôn trọng cộng đồng, hướng cái riêng, niềm đam mê của cá nhân, góp phần làm đẹp thêm sức sống và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, giáo sư âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân. Như vậy, giá trị cũ không mất đi, không phai nhạt, mà vẫn hiện hữu, được ca ngợi và biểu dương.
Vậy, tính thời đại của khái niệm giá trị cần được hiểu như thế nào?
PGS,TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: bảng hệ giá trị Việt Nam, một mặt chịu thách thức ghê gớm, mặt khác, lại có cơ hội để chuyển đổi, hội nhập và phát triển. Sự biến động hệ giá trị diễn ra dưới nhiều biểu hiện khác nhau: có sự biến mất, triệt tiêu của các giá trị cũ (ví dụ: trung với vua), có sự xuất hiện của các giá trị mới (ví dụ: bình đẳng giới, nhân quyền); có sự thay đổi thang bậc, vị thế của các giá trị (ví dụ: sỹ nông công thương); có sự đổi mới từng phần nội dung các giá trị (ví dụ: giàu có, cần kiệm); thu nhận và cải biến một số nội dung giá trị bên ngoài (dân chủ, tự do ngôn luận); có sự xung động giữa các giá trị (mới và cũ, bản địa và du nhập); có sự tiếp thu, làm giàu thêm hệ giá trị bản địa và có sự mở rộng tầm ảnh hưởng ra khỏi phạm vi dân tộc – quốc gia.
Những phân tích trên cho thấy tính thời đại của hệ giá trị, thực chất, không phải là sự thoái trào, mất đi hay phủ nhận các giá trị cũ, mà là những chuyển dịch trong khuôn khổ đạo đức, luân lý và pháp luật.
Hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, ngày 4/7/2015 |
Tiến trình của hệ giá trị Việt Nam cũng cần xác định trên cơ sở một tiến trình văn hóa, tức là biến đổi dựa trên nền tảng khuân mẫu được chấp nhận bởi số đông. Văn hóa không bất biến. Do vậy, giá trị của con người có thể biển đổi. Tuy nhiên, với tư cách là tinh hoa của thời đại, khi một giá trị được định hình, nó sẽ là vĩnh viễn. Do đó, sẽ là ngốc nghếch cho những ai cố tình phớt lờ, đứng lên, đạp lên điều được số đông coi trọng!
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và sử dụng cách tiếp cận về tiếp biến văn hóa là phương thức hợp lý để kiểm soát, duy trì và định hình giá trị cho cá nhân và xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Giáo dục sẽ giúp giảm dần những ý tưởng định hình giá trị kiểu Lệ Rơi. Tiếp biến văn hóa là cơ sở để thích ứng với những hiện tượng mới như hôn nhân đồng giới, hay kể cả việc xem xét hợp pháp hóa mại dâm trong tương lai v.v..
Xin kết thúc bài viết với quan điểm của bà Hu Yeping - Giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu Giá trị và Triết học Hoa Kỳ: Giáo dục giá trị cần được ghép bởi hai từ “dạy dỗ” và “trau dồi, tu dưỡng” hay “nuôi dưỡng, ấp ủ”. Nghĩa là giáo dục không chỉ là dạy con người kỹ năng, sinh tồn, nghề nghiệp, chuyên môn. Quan trọng hơn, giáo dục là rèn luyện tâm hồn, là nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh để phát triển cá tính và bản chất phù hợp của con người. Tiến trình của hệ giá trong bất cứ thời đại nào, chỉ xoay quanh 3 câu hỏi: “Loại hình giáo dục nào chúng ta nên cung cấp?”, “Mẫu người nào chúng ta định “sản xuất ra”? Và “Chúng ta dự định tương lai thế giới loài người sẽ như thế nào”?
(Cảm nhận và suy nghĩ từ Hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập”)
- Nhạc Phan Linh (giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền)