Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi xung quanh tình hình tuyển sinh ĐH-CĐ nguyện vọng bổ sung của nhiều trường đang gặp khó khăn.

Đã tính đến phương án thuận nhất

Tình hình xét tuyển nguyện vọng 2 ĐH-CĐ đến thời điểm này cho thấy có nhiều trường đang gặp khó khăn khi không tuyển được thí sinh. Bộ đã tính toán đến việc này, thưa bà?

{keywords}
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng. (Ảnh: Văn Chung)

- Về tổng thể chúng tôi vẫn theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường. Nếu lấy tổng chỉ tiêu rồi trừ đi số đã trúng tuyển nguyện vọng 1 để ra số chỉ tiêu còn cho nguyện vọng 2 cũng không đúng tình hình vì có trường đã tuyển gần đủ có thể thôi không tuyển đợt 2 nữa.

Với thống kê của 170 trường ĐH-CĐ mà Bộ đã tập hợp thì tổng chỉ tiêu là 131.000 cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung, hiện tại đã có hơn 99.000 hồ sơ đã nộp và tỉ lệ ảo dự kiến khoảng 1,5.

Nếu một số trường phải tuyển sang các đợt sau cũng không có gì quá bất ngờ. Như mọi năm, có trường tuyển đến hết đợt 3 vẫn không đủ chỉ tiêu. Tỉ lệ tuyển sinh của bậc cao đẳng năm 2014 chỉ xấp xỉ 60% chỉ tiêu, hệ đại học là 94,1% và khối đại học ngoài công lập đạt mức trung bình khoảng 84%. Có kéo dài hơn nữa mà người học không có nhu cầu thì cũng không giải quyết được vấn đề tuyển sinh.

Tuy vậy trong bức tranh chung của tình hình xét tuyển đợt 2 vẫn có những trường tỉ lệ đến khá đông như Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM hôm 8/9 đã nhận được 5700 hồ sơ, Trường ĐH Duy Tân gần 2000, Trường ĐH Thăng Long hơn 1500.

Thời điểm Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đào tạo hay “điểm sàn” như vẫn quen gọi những năm trước, Bộ đã tính toán để nguồn tuyển năm nay dồi dào, số dư gấp dưỡi chỉ tiêu. Giờ nhìn lại thấy nhiều trường tuyển sinh rất khó khăn?

- Con số đã đưa ra như tổng số thí sinh ở ngưỡng này, ngưỡng kia bao nhiêu là không thay đổi. Từ 15 điểm trở lên là 530.000 thí sinh, trong khi chỉ tiêu đại học lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia là 350.000. Từ 12 điểm trở lên là 620.000 em, nếu trừ đi chỉ tiêu 350.000 của ĐH thì số dư còn lại vẫn rất nhiều trong khi chỉ tiêu cao đẳng lấy từ Kỳ thi THPT quốc gia là 150.000.

Hội đồng xác định ngưỡng này có đại diện trường công lập, trường ngoài công lập; trường có quy mô đào tạo lớn- nhỏ, trường vùng thuận lợi, khó khăn… khác nhau. Khi xét điểm sàn, bên cạnh yêu cầu đảm bảo chất lượng đầu vào thì bao giờ các trường cũng tính toán phương án để thuận lợi nhất trong tuyển sinh.

Chỉ tiêu tuyển mới do trường xác định

Vậy nguồn tuyển đi đâu mà các trường đến nay vẫn kêu sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu, thưa bà?

Đó không chỉ là băn khoăn của riêng các trường. Tuy nhiên, vừa qua những thông tin như 170.000 SV tốt nghiệp đại học chưa có việc làm mà báo đài đưa chắn chắn là một con số khiến phụ huynh, thí sinh phải suy nghĩ.

Thêm nữa, ngày càng có nhiều khu công nghiệp nhà máy được mở ra, như Khu công nghiệp Samsung Thái nguyên, khu công nghiệp Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… với tiêu chí tuyển là các em đã hết lớp 12.

Giữa việc học xong ra chưa chắc đã đỗ ĐH, nếu đỗ ĐH vào một số trường chất lượng chưa cao, chi phí học mấy năm chưa chắc đã có việc làm… so với việc chỉ cần học làm công nhân một thời gian ngắn rồi đi làm có việc ngay thì các em và gia đình sẽ có những cân nhắc.

Nhìn vào con số trên dưới 30% học sinh chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT cũng cho thấy phần nào xu hướng này.

Còn việc khó tuyển đủ chỉ tiêu thì cũng nên đặt trong quan niệm đúng về chỉ tiêu tuyển sinh để có góc nhìn khác về vấn đề này. Thực tế thì quy mô đào tạo của hầu hết các trường ĐH ở VN thường lớn hơn so với quy mô của các trường ở các nước phát triển. Và chỉ tiêu ngày nay không còn là kế hoạch được nhà nước giao mà là chỉ tiêu tối đa các trường được phép tuyển, do các trường tự xác định phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện đảm bảo chất lượng.

Luật Giáo dục ĐH đã quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH” (Điều 34).

Nhưng vấn đề nảy sinh khi các trường khối nông- lâm- ngư nghiệp năm nay rất khó tuyển, không chỉ ngoài công lập mà cả công lập. Quan điểm của Bộ về vấn đề này ra sao, thưa bà?

Nhìn ở phạm vi hẹp từng ngành thì sự phân tầng rất rõ. Còn nói cả hệ thống trường nào tốt có người học, trường không tốt ít người học thì đúng trong tổng thể nhưng chưa hẳn đúng nếu so sánh một trường ở khối ngành này với trường ở khối ngành khác.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Xét trên số liệu báo cáo, đúng là những trường thuộc khối nông lâm ngư và công nghệ khó tuyển nhưng trong đó vẫn có những trường tuyển được kết quả cao trường như Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tỉ lệ tuyển sinh năm nay là 97,85%; Trường ĐH Cần Thơ vốn có thế mạnh về nông nghiệp năm nay đã gọi đến 105% chỉ tiêu để trừ dôi dư thí sinh không nhập học là vừa; Trường ĐH Nha Trang chủ yếu thế mạnh về đào tạo thủy hải sản tỉ lệ tuyển sinh vẫn là 101%. Đây đều là các trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi và khá năng động trong hợp tác quốc tế…

Mấy năm nay, các trường dễ tuyển sinh nhất là công an, quân đội vì sinh viên được bao cấp từ đầu, tuyển sinh đồng thời cũng là tuyển dụng.

Do đó, việc các trường tuyển được hay không có nhiều yếu tố, cụ thể là uy tín trường, quan niệm xã hội về sự hấp dẫn nghề nghiệp và chính sách nhà nước…

Tất cả các nhóm trường ĐH (phân theo mức điểm trúng tuyển cao, trung bình, thấp) thì đều có trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1 vì được các em có mức điểm phù hợp lựa chọn. Như vậy, quy trình “tiền thi, hậu tuyển” như năm nay đã bước đầu tạo ra cơ chế phân tầng.

Sẽ có phân tích tổng thể

Bộ có phương án nào để tháo gỡ khó khăn tuyển sinh năm nay cho các trường không thưa bà?

- Thời điểm này mới có kết quả tuyển sinh đợt 1, chưa có kết quả tuyển sinh đợt 2 thì bậc cao đẳng tuyển đã được xấp xỉ 50% với hơn 74.000 trúng tuyển. Nếu so với số liệu năm 2014 thì năm nay cũng không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, việc phân tích đánh giá chính xác, toàn diện sẽ được thực hiện sau kỳ xét tuyển, khi có kết quả tổng hợp của của các đợt và số liệu của các trường tuyển sinh riêng.

Trong điều kiện trường tự chủ tuyển sinh, Bộ đã hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn về tuyển sinh cho các trường bằng cách: phối hợp với cơ quan truyền thông để hỗ trợ các trường và thí sinh trong tư vấn tuyển sinh, công bố chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện ĐKXT… để cung cấp đủ thông tin cho thí sinh ĐKXT vào trường.

Ngày 3/9, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã tới thăm một số trường có tỷ lệ tuyển sinh thấp và được nhà trường cho biết việc tuyển sinh qua đợt 2, đợt 3 cũng là điều bình thường, tương tự như các năm qua.

Còn về tổng thể, như đã phân tích, phải có nhiều yếu tố, trước hết là uy tín chất lượng do chính trường tự xây dựng, rồi cơ hội việc làm của ngành đào tạo; quan niệm của xã hội về khoa cử và tính hấp dẫn nghề nghiệp...

Và trong sử dụng, chúng ta thử làm một thống kê xem trong số các nhu cầu tuyển dụng hiện nay thì có bao nhiêu vị trí việc làm theo các ngành nghề, công việc giành cho bậc CĐ; vị trí của họ như thế nào trong xã hội…

- Xin cảm ơn bà!

  • Văn Chung