Tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng khiến nhiều người mua tích trữ máy tạo oxy tại nhà. Điều này dẫn đến nhu cầu về sản phẩm gia tăng, nhiều đơn vị nhảy vào kinh doanh. Tuy nhiên, khuyến cáo của Bộ Y tế nói rõ, người dân không nên tích trữ máy tạo oxy vì có thể gây nguy hại cho sức khoẻ nếu sử dụng không đúng cách. Các tài liệu nước ngoài cũng khẳng định chỉ nên dùng máy tạo oxy dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Máy tạo oxy bán rất nhiều trên Internet, tuy nhiên mọi người cần cân nhắc trước khi mua. (Ảnh: Hải Đăng) |
Khi tìm kiếm về máy tạo oxy trên mạng, có khá nhiều website của các đơn vị khác nhau quảng bá loại thiết bị này. Các máy đủ thương hiệu được cho là xuất xứ từ Mỹ, Đức, châu Âu, Trung Quốc,… với công suất phổ biến 3 lít, 5 lít, 7 lít, 10 lít.
Tương tự, trên Facebook cũng có không ít quảng cáo bán máy tạo oxy. Do nhìn thấy nhu cầu gia tăng, nhiều đơn vị nhảy vào kinh doanh mặt hàng này, trong đó có cả… trung tâm nha khoa hay một số nhà bán lẻ công nghệ.
Các máy được bán với mức giá tuỳ theo công suất, cấu tạo và thương hiệu. Với công suất tạo oxy 3 lít/phút sẽ có giá bán từ 7-8 triệu đồng. Phổ biến nhất là loại công suất 5 lít và 7 lít, với mức giá từ trên 10 triệu đến 20 triệu đồng. Máy công suất 10 lít hiếm hơn và giá đắt hơn.
Trên thực tế, nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, khâu vận chuyển khó khăn nên giá bán sản phẩm đội lên nhiều so với trước. Cùng một mẫu máy cách đây 2 tháng bán giá 9,5 triệu đồng, nay bán ở mức 12 triệu đồng, nơi rẻ nhất cũng hơn 11 triệu.
Để đáp ứng nhu cầu, một số nơi đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán. Mới đây nhất, ngày 12/8, lực lượng chức năng TP.HCM đã phát hiện một kho hàng lậu số lượng lớn. Trong đó có nhiều hàng hóa là thiết bị y tế dùng để điều trị Covid-19 như máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy, chai đựng oxy, súng phun khử khuẩn dùng điện... với giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Số hàng hoá đó đã bị tạm giữ để điều tra.
Theo Bộ Y tế, đang có hiện tượng nhiều người tiêu dùng đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy để dự trữ và dùng tại nhà, xuất phát từ tâm lý lo lắng quá mức.
Chuyên gia của Bộ Y tế cảnh báo người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí. Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ, có thầy thuốc được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo người dân không được tự ý sử dụng máy tạo oxy tại nhà nếu không có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng máy tạo oxy tại nhà hại nhiều hơn lợi. Chẳng hạn, người bệnh có thể nhận nhiều hay ít oxy hơn mức cần thiết. Hít thở quá nhiều oxy có nguy cơ dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, việc dựa vào thiết bị này có thể khiến chậm trễ trong việc đưa bệnh nhân Covid-19 đi điều trị ở bệnh viện.
Dù cơ quan chức năng khuyến cáo như vậy song nhiều người vẫn mua và tích trữ thiết bị tạo oxy tại nhà. Ở Ấn Độ, trong giai đoạn đại dịch kéo dài tới hiện nay, vẫn có tình trạng người dân đổ đi mua máy tạo oxy, hậu quả là mua phải sản phẩm kém chất lượng và bị lừa.
Theo trang India Today, còn có tình trạng lừa đảo người mua qua các ứng dụng nhắn tin trên mạng xã hội, do đó người dùng cần cẩn trọng trong việc giao dịch và chuyển tiền. Trong trường hợp buộc phải mua máy, trang này khuyến cáo mua tại các địa chỉ uy tín, có giấy phép kinh doanh thiết bị y tế. Đặc biệt hơn, cần chọn lựa sản phẩm có thương hiệu uy tín, vì một số máy tạo oxy không có xuất xứ rõ ràng sẽ ra hàm lượng oxy không đúng cam kết, lợi bất cập hại.
Thiên Phúc
Chưa từng có trong tiền lệ: Suzuki, Honda, Toyota, Panasonic đồng loạt đóng cửa nhà máy tại Ấn Độ 'nhường' oxy công nghiệp cứu người
Honda, Toyota, Panasonic đồng loạt đóng cửa nhà máy ở Ấn Độ nhường oxy công nghiệp cứu người.