Mới chính thức lên chức “mẹ chồng” được vài ngày, chị Văn Thùy Dương – phó hiệu trưởng Trường PTTH Lương Thế Vinh, con gái PGS Văn Như Cương – chia sẻ về cuộc sống gia đình khi nhà có thêm cô con dâu nổi tiếng là ca nương Kiều Anh.

{keywords}
Mẹ chồng - nàng dâu

Thiếu gì người công khai... yêu con dâu

Có lẽ chị là trường hợp đặc biệt, là bà mẹ chồng hiếm hoi bày tỏ thái độ yêu thương con dâu một cách… công khai và nồng ấm. Cô bé này có điều gì để được chị yêu thương đến vậy?

- Tôi nghĩ không phải chỉ có riêng mình tôi công khai yêu thương con dâu đâu, có rất nhiều người yêu thương và thể hiện như tôi, chỉ là họ không được biết đến thôi.

Cô bé này có rất nhiều điểm giống tôi nên tôi yêu nó... Con bé thẳng thắn, dỗi chồng nó là nó cứ gào lên nhưng một lúc lại thấy tay trong tay. Nó còn xị cả mặt với mẹ chồng nhưng sau tỉnh lại là biết sợ... len lén làm lành.

Với em gái Quỳnh, có lần chúng còn cãi nhau tay đôi kiểu tranh luận bất phân thắng bại... dường như nó không biết câu "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" hay sao ý.

Nó giống tôi ở điểm là cứ ầm ầm lên rồi lại thôi, không để bụng bao giờ và rất hay xúc động, thương người đến nhiều lúc mù quáng.

Nói vậy thôi, chắc cũng là duyên, tự nhiên thấy cứ yêu, cứ sợ thằng con mình làm khổ nó... thế mới lạ! Và thế là cứ yêu nó..., cái yêu tự nhiên như yêu con gái mình, như đối với con trai mình và... thế là ai làm khổ nó, làm nó buồn cũng thấy ghét lắm.

Chị dạy con trai đối xử với vợ như thế nào?

- Tôi không dạy, không bao giờ có cuộc nói chuyện nào nghiêm túc với con trai để dạy nó là con phải đối với vợ con như thế nào.  Nhưng mỗi khi chúng nó có chuyện, tôi đều là người ở bên và cho con lời khuyên.

Tôi cũng hay nói chuyện với con, tôi thường chia sẻ với con như những người bạn. Có lẽ cuộc sống của mẹ con tôi khiến con tôi có cách nhìn khác về phụ nữ, khiến nó biết cách trân trọng họ.

Con tôi biết rằng, khi yêu thật lòng phải biết tôn trọng vợ. Cuộc sống của tôi khiến con tôi hiểu, nếu muốn giữ người mình yêu bên cạnh mình, đừng biến họ thành người giúp việc phục vụ cho mình, hãy biết chia sẻ, biết giúp đỡ và ở bên họ khi họ cần.

Con trai tôi nhẹ nhàng nhưng cũng gia trưởng lắm. Đôi khi tôi cũng phải bênh vợ nó chằm chặp. Tôi thường nói với con "Con hãy coi mẹ Lê, bố Thắng (bố mẹ Kiều Anh) và công việc gia đình bên đó là công việc của con. Con nghĩ xem, nếu con không tôn trọng và yêu thương mọi người bên đó thì vợ con có hạnh phúc không? Con muốn vợ con yêu thương mẹ thế nào, hãy yêu thương gia đình vợ như thế, hãy trở thành người đàn ông thật sự".

Tôi hay nói với con trai, sau này dù con có là gì đi nữa, nếu mỗi tối con về nhà, con không có ai chia sẻ, không được thấy an lành trong ngôi nhà của mình thì đó là sự thất bại. Hãy biết, hãy hiểu và hãy nhìn nhận những điều đang diễn ra quanh mình để chọn lựa, để giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc của mình một cách thông minh nhất.

Có lần tôi viết cho con, đại loại là "Mẹ không thể đi theo con để chúc mừng sinh nhật lần thứ 60, 70 hay 80 của con được. Người sẽ có nhiều khả năng đi được cùng con đến lúc đó chỉ có thể là vợ và các con con. Hãy yêu họ và trân trọng họ".

{keywords}
Cái ôm yêu thương trong ngày cưới các con

"Khi vượt khó là lúc tôi dạy con nhiều nhất"

Qua những việc làm chăm chút cho đám cưới của con, thì dường như chị là người khá kỹ tính. Chị mong muốn gì ở con dâu, và sẽ “rèn” cô bé vào khuôn khổ nào?

- Tôi yêu cái đẹp và thật ra không quá kỹ tính, nhưng đã làm việc gì tôi cũng muốn làm cho thật cẩn thận để đạt tới mức độ tốt nhất có thể.

Tôi không thấy mình kỹ tính nhưng có lẽ mọi người lại thấy thế qua những gì tôi làm. Và chính vì vậy, chắc tôi không nói thì Kiều Anh hay Tô Sa (tên con gái - PV) đều cho là tôi rất kỹ tính, nhưng tôi chưa thấy các con làm gì khiến tôi phiền lòng đến mức nặng nề.

Bởi thế, tôi cho là các con đều tự ý thức, tự cố gắng làm thế nào để theo được yêu cầu của mẹ, đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn, cố gắng làm hết khả năng để đạt đến mức tốt nhất có thể.

Tôi thích nấu ăn và không bắt con phải nấu, nhưng thường hay khéo léo lôi chúng vào cuộc để chúng có hứng thú trong công việc thú vị này. Kiều Anh nói "khi con nấu cơm, thấy anh Quỳnh ăn nhiều con sướng lắm", tôi bỗng thấy con bé thật giống mình.

Tôi nhận thấy, tôi không ép buộc con vào bất cứ khuôn khổ nào nhưng tôi đã tự đưa con vào nếp sống và văn hoá gia đình mình một cách nhẹ nhàng. Thật ra cũng không khó vì gia đình Kiều Anh cũng dạy con biết lễ nghĩa và có nề nếp từ nhỏ.

Những bài học quan trọng nhất mà chị dạy cho các con mình là gì?

- Là sự yêu thương chân thành, sự quan tâm đến người khác. Là sự biết ơn, nếu ai đó làm cho mình một điều, dù nhỏ, cũng phải nhớ ơn họ.

Tôi chưa bao giờ dạy con một cách khiên cưỡng mà tôi dạy con qua cách tôi sống, cách tôi đối xử với mọi người: Yêu thương chân thành, thẳng thắn trong mọi việc. Đúng sai rõ ràng.

Những bài học tôi dạy chúng có lẽ rất nhiều. Nó có ở mỗi ngày, khi tôi ở bên chúng. Có cả những bài học vượt qua khó khăn, vượt qua áp lực, dạy chúng cả cách vượt qua đau khổ. Dù tôi không dạy chúng nhưng việc tôi chịu đựng, việc tôi tìm cách để vượt qua khó khăn bằng sự nỗ lực của bản thân tôi, tôi nghĩ đó chính là lúc tôi dạy chúng nhiều nhất.

Chúng không chỉ được học lý thuyết giáo điều mà chúng được học từ thực tế và các con tôi đã học được cả cách chịu đựng để rồi tự mình vượt qua tất cả, học được cách tự tạo cho mình, cho người mình yêu thương những hạnh phúc bất ngờ và giản dị.

Điều này khiến chúng tôi luôn hạnh phúc khi có nhau, bên nhau.

{keywords}

Tôi yêu con khác cách bố mẹ yêu tôi

Chị học được gì từ người bố nổi tiếng - PGS Văn Như Cương - khi xây dựng và vun đắp gia đình? Và điều gì cũng từ bố mẹ mà chị không áp dụng vào việc rèn giũa con cái của mình?

- Mẹ tôi yêu bố đến mức bố đi tắm mẹ cũng chuẩn bị trước quần áo. Là cho bố từng bộ quần áo để bố mặc trước khi đi làm...

Thời thiếu thốn, mẹ tôi nấu những bữa cơm ngon  từ những nguyên liệu rất rẻ tiền, chắt chiu từng đồng, không phung phí, và cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên những bữa cơm đó nó ngon thế nào!

Và tôi thường nghĩ, nó ngon vì mẹ nấu bằng cả tình yêu của mẹ dành cho bố và các con. Tôi học từ mẹ cách chăm sóc gia đình. Lúc đi làm mẹ ăn mặc rất đẹp (đẹp so với điều kiện của mình có) nhưng về nhà, khi trút khỏi mình bộ đồ đẹp đẽ, mẹ chăm chỉ lau dọn và nấu nướng, giặt giũ và chăm sóc bố cùng các con của mình.

Tôi học được từ bố sự nhân hậu vị tha. Bố mẹ yêu nhau lắm nhưng cũng hay dỗi nhau lắm, điều rất hay là mỗi khi dỗi nhau xong, tôi lại thấy hình như họ yêu nhau hơn. Và tôi hiểu, chỉ có tình yêu mới làm nên điều đó một cách đẹp đẽ như thế!

Tuy nhiên, ngoài những việc tôi học y chang bố mẹ, học một cách vô thức, thì có nhiều điều tôi rút được kinh nghiệm từ bố mẹ, tôi không áp dụng cách bố mẹ tôi rèn tôi cho việc giáo dục con mình.

Với chuyện tình cảm của con, tôi không áp đặt, không cấm đoán. Tôi thường nói các con đưa bạn về nhà, tự nhiên để cho mẹ tiếp xúc. Dành cho chúng nó khoảng thời gian riêng tại nhà mình - để chúng nó nói chuyện thoải mái ở phòng khách còn mình sau khi nói chuyện vui vẻ xong thì rút lui vào phòng riêng, cho các con tự do trong khuôn khổ...

{keywords}
Cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của Kiều Anh với nhà chồng

Tôi không áp đặt nhận xét của mình cho con, đây là điều bố mẹ tôi không làm được.

Tôi không trách các cụ, vì thời đó, các cụ yêu tôi theo cách khác, lo lắng cho tôi theo cách khác. Các cụ có thể lo vì thấy tôi chưa đủ lớn, chưa đủ bản lĩnh như tôi nhìn nhận thấy con trai tôi bây giờ.

Càng cấm đoán càng khó để các con nhìn nhận một cách chính xác, vì có ai vác dùi đục đi hỏi vợ bao giờ, họ chỉ phô bày cho mình cái tốt, còn bố mẹ thì luôn chỉ nhìn thấy cái xấu của họ. Vô hình chung là phát sinh mâu thuẫn.

Với tôi, để các con tự nhiên thì con và các bạn dễ bộc lộ cái tốt lẫn cái xấu, và điều này sẽ khiến chúng nhận ra chúng có thật sự chấp nhận được cả cái xấu của nhau để yêu nhau và cùng nhau đi tiếp không.

Tôi thường ở bên con, cổ vũ những sở thích đẹp đẽ của con. Tôi nhận ra, những gì chúng thích, chúng hứng thú sẽ đưa chúng đến thành công nhanh nhất. Tôi khác bố mẹ ở điểm đó. Tôi luôn ủng hộ con để con làm được thứ mà chúng thích, khi chúng làm được điều mà chúng thích, thấy chúng hạnh phúc, tôi thật sự thấy hạnh phúc cùng chúng!

Xin cảm ơn chị. 

Tới giờ kỷ niệm khó quên nhất với Kiều Anh là có lần con trai tôi, Kiều Anh và em gái nó hứa cho tôi đi chơi cùng. Khi đang đứng chờ con lấy xe, bỗng tôi nhìn thấy Kiều Anh phăm phăm đi tới rồi bảo: "Mẹ! Anh Quỳnh với con lại cãi nhau, thôi không đi nữa".

Tôi bất ngờ quá, chỉ nói được mỗi một câu: "Thế thôi, mẹ lên nhà đây". Lúc đó tôi cũng giận lắm nhưng nén lại. Lên nhà, nằm một lúc, tôi bảo con gái cùng đi ăn, mặc kệ 2 đứa đang còn cãi nhau.

Đi được một đoạn, tôi chợt thấy Kiều Anh nhìn về phía mình, khi ấy hình như cháu đang mong đợi một sự chia sẻ từ tôi nhưng bị bỏ rơi. Tôi gọi điện thoại cho cháu, nói: "Con ra đây ăn, rồi chia tay chia chân gì thì chia...". Phút chốc, tôi thấy 2 đứa lại ăn như mọi khi, chẳng có vẻ cãi nhau gì cả.

Lúc về, Kiều Anh sà vào lòng tôi nói: "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ!". Tôi "ừ" rồi quay đi mỉm cười. Thời bọn tôi mà ứng xử như thế với mẹ chồng tương lai thì... thôi rồi. Nhưng bây giờ, tôi thấy vui vì mình thật sự yêu thương cháu nên có thể vượt qua tất cả. Yêu con cái là bản năng của những người mẹ mà.

Ngân Anh thực hiện