Theo cáo trạng, khoảng 10h ngày 16/7/2021, chị Phạm Thị Hằng (SN 1978), trú thôn Chiến Thắng, phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa cùng chồng và con gái đến nhà Phạm Văn Sơn (SN 1983, em ruột Hằng) ở thôn 10 xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) để thắp hương giỗ bố đẻ.
Khi chị Hằng vào thắp hương thì bị chị Phạm Thị Hà (chị ruột của Hằng) không cho vào, giữa hai người có lời qua tiếng lại và được một số khách đến can ngăn, sau đó chị Hằng vào thắp hương.
Sau khi thắp hương xong, cả nhà chị Hằng không ăn cỗ mà ra về. Chồng và con gái ra trước, chị Hằng đi sau. Khi ra đến cổng ngõ nhà Sơn, chị Hằng không về mà đứng lại chửi bới.
Thấy vậy, Sơn ra bảo chị Hằng đi về nhưng chị Hằng không về mà tiếp tục chửi bới. Bức xúc việc chị Hằng chửi bới gây ồn ào khi nhà đang có đông khách, Sơn lấy bản hốt rác tôn cán bằng tre dài khoảng 1m ở góc sân đánh một nhát trúng mũ bảo hiểm chị Hằng đang đội trên đầu làm bản hốt rác gẫy văng ra.
Sơn tiếp tục cầm đoạn cán tre đánh một phát vào phần ngoài cẳng tay trái của chị Hằng. Được mọi người can ngăn, sau đó Sơn đến công an xã báo cáo sự việc.
Theo biên bản của Công an xã Quảng Hải, trên thân thể chị Hằng có một vết thâm, sưng nề trên cổ tay bàn tay trái (kích thước khoảng 2x3), vết thương không rỉ máu.
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa thì chị Hằng bị chấn thương vùng phía trên cổ tay bàn tay trái gây tổn thương gẫy kín 1/3 dưới xương trụ trái, tổng tỷ lệ thương tật 13%.
Trước sự việc trên, chị Hằng có đơn đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Sơn về tội “Cố ý gây thương tích”.
Bi kịch của người mẹ
Từ ngày chị Hằng - con gái bà Văn Thị Đức (SN 1953) làm đơn đề nghị cơ quan công an khởi tố em trai mình, bà Đức đã khóc cạn nước mắt. Ngày 18/8, tại phiên tòa xét xử, bà Đức ngồi không vững. Bà lo tòa án tuyên con trai mình phải đi tù.
Chủ tọa phiên tòa bất ngờ thông báo hoãn, vì lý do có một thành viên trong hội đồng xét xử vắng mặt. Bà Đức thở phào. Nhưng trên khuôn mặt bà vẫn hằn nỗi lo. Bà lo lại phải đối mặt với những phiên xét xử tiếp theo.
Bà Đức sinh được 6 người con, Hằng là thứ 3, còn Sơn là thứ 5. Theo bà Đức, năm 2016 khi chồng bà mất có thừa kế lại đất đai, trong những người con của bà chỉ có duy nhất Hằng phản đối. Cũng từ ngày bố mất, Hằng từ mặt mẹ và anh chị em trong gia đình.
“Suốt 5 năm qua từ ngày bố mất, ngày giỗ nó không về thắp hương lấy một lần. Năm nay, khi gia đình đang tổ chức làm giỗ thì tự nhiên cả nhà nó kéo về, mục đích để phá đám giỗ, gây sự. Khi thằng Sơn có chén rượu vào rồi, lỡ đánh chị một cái thì nó mượn cớ để tố cáo”, bà Đức nói trong nước mắt.
Cũng theo bà Đức, từ ngày chị Hằng có đơn đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với em trai mình về tội “Cố ý gây thương tích” bà đã phải nhiều lần xuống tận nhà, quỳ gối trước mặt con gái để xin rút lại đơn mà không được.
“Dù sao tôi cũng là mẹ nó, Sơn là em trai nó. Cuối đời, tôi không muốn nhìn thấy cảnh chị em phải tố cáo nhau đi tù, chính vì thế tôi đã nhiều lần phải xuống tận nhà quỳ gối trước mặt nó xin rút đơn mà nó vô cảm.
Không những thế, nó bắt thằng Sơn phải về chở vợ xuống xin lỗi nó. Chưa hả dạ, nó còn bắt cả hai đứa con của thằng Sơn xuống giữa trời trưa nắng. Nhưng rồi nó cũng có tha cho đâu…”, bà Đức kể lại.
Theo kết luận của cáo trạng, Phạm Văn Sơn chỉ mới học hết lớp 5, là lao động tự do. Năm 2005, Sơn bị công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội xử phạt hành chính về tội “trộm cắp tài sản”.
Năm 2010, TAND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) xử phạt 18 tháng tù giam về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”; năm 2012 Sơn lại tiếp tục bị TAND quận Long Biên, TP Hà Nội xử phạt về tội “Trộm cắp tài sản”. Từ đó đến nay Sơn tu chí làm ăn, chính vì lẽ đó mà người mẹ già phải quỳ gối cầu xin con gái rút đơn để em trai không phải tiếp tục ngồi tù.