- Gia đình tôi có 2 chị em. Cha tôi mất sớm, một mình mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Mẹ tôi có căn nhà từ xưa và nay nó trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Mẹ thường nói sau này khi mẹ mất đi, tài sản sẽ được chia đôi.

Mẹ tôi đã viết di chúc cách đây 8 năm, cả ba mẹ con cùng ký vào đó. Tôi lập gia đình, về nhà chồng ở còn em gái vẫn sống chung với mẹ, đến nay chưa có việc làm ổn định, kinh tế không vững. Tháng 5/2017, mẹ tôi qua đời. Sau khi lo đám tang cho mẹ xong, chúng tôi tìm được một tờ di chúc khác. Mẹ viết di chúc nhờ hai người trong họ ký xác nhận làm chứng là cho hết em tôi phần tài sản đó. Vậy xin hỏi mẹ chia như vậy có đúng không và di chúc sau không có sự chứng kiến của chúng tôi có đúng pháp luật không?

{keywords}
Mẹ tôi lập 2 di chúc làm chúng tôi hoang mang (Ảnh minh họa)

Trường hợp di chúc được lập sau ngày 01/01/2017 thì sẽ áp dụng quy định tại Bộ luật dân sự 2015, trường hợp lập trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định tại Bộ luật dân sự 2005.

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, việc mẹ bạn để lại tài sản cho ai là thuộc toàn quyền quyết định ở bà.

Trong trường hợp bạn vừa nêu, có 02 bản di chúc:

- 1 bản do mẹ bạn lập cách đây 8 năm, mẹ cùng 2 chị em bạn đã kí vào di chúc đó.

- 1 bản là sau khi mẹ bạn qua đời mới phát hiện được

Về hình thức của di chúc: di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

- Di chúc bằng văn bản có công chứng.

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

2 bản di chúc mà mẹ bạn đã lập thuộc trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng và di chúc bằng văn bản có người làm chứng tất cả đều không có công chứng hoặc chứng thực. Pháp luật quy định, trường hợp lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì người làm chứng không được là những người sau:

Điều 634 BLDS 2015 (Điều 654, Điều 656 BLDS 2005) quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Như vậy, pháp luật không quy định khi lập di chúc phải có sự chứng kiến của người thân. Tuy nhiên cần xét đến các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 (Khoản 1 Điều 652 BLDS 2005):

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Nếu di chúc được phát hiện sau đáp ứng được những điều kiện trên, thì di chúc này vẫn là một di chúc hợp pháp.

Về hiệu lực của các bản di chúc, Điều 643 BLDS 2015 (Điều 667 BDLS 2005) có quy định

Điều 643. Hiệu lực của di chúc

...

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

...

Như vậy nếu di chúc được phát hiện sau cùng đáp ứng đủ được các điều kiện đã phân tích thì bản di chúc này là bản di chúc có hiệu lực và việc phân chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện theo bản di chúc sau cùng này.

Trường hợp bản di chúc sau cùng không thỏa các điều kiện trên dẫn đến không hợp pháp thì bản di chúc đầu tiên sẽ có hiệu lực pháp luật. Điều kiện quan trọng để di chúc viết tay không có người làm chứng, không có công chứng, chứng thực thì bản di chúc phải tự tay người đó viết và ký tên. Nếu không thỏa mãn điều kiện này thì bản di chúc không có hiệu lực pháp luật và lúc đó tài sản được chia theo pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc